Nghiệm thu cấp cơ sở đề tài cấp Bộ: "Tương quan giữa các yếu tố môi trường gia đình, môi trường trường học và sức khỏe tinh thần của học sinh trung học phổ thông"

10/12/2018

(Tamly) - Chiều ngày 30/11/2018, tại Viện tâm lý học đã tổ chức nghiệm thu cấp Cơ sở đề tài cấp Bộ "Tương quan giữa các yếu tố môi trường gia đình, môi trường trường học và sức khỏe tinh thần của học sinh THPT" do PGS. TS Đỗ Ngọc Khanh làm chủ nhiệm

     Tại Hội đồng, PGS. TS Đỗ Ngọc Khanh báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài: 

 - Các kết quả thu được cho thấy cả nhiều yếu tố thuộc môi trường gia đình và môi trường trường học có  liên quan chặt chẽ với sức khỏe tâm thần của học sinh trung học phổ thông. Môi trường gia đình chi phối mạnh hơn đến sức khỏe tinh thần của các em trong so sánh với môi trường trường học, song những yếu tố có tính hỗ trợ trong môi trường trường học (quan hệ thày, cô – học sinh và quan hệ nhóm bạn ở trường học) có thể đảm nhận vai trò thay thế những yếu tố hỗ trợ thuộc môi trường gia đình khi những yếu tố này chưa thật tốt. Sự chi phối của các yếu tố khác nhau thuộc môi trường gia đình và môi trường trường học đến học sinh nam và học sinh nữ là khác nhau.

- Kết quả của đề tài đã được đăng tải trong 4 bài tạp chí và 01 bài  trong Kỷ yếu hội thảo quốc tế.

- Đề tài có sự tham gia của cả các bộ nghiên cứu có kinh nghiệm và cán bộ nghiên cứu trẻ

- Là đề tài đề nghị được nghiệm thu sớm nhất trong số các đề tài cấp bộ 2018 và hoàn thành trước thời hạn.

Hội đồng nghiệm thu gồm các cán bộ nghiên cứu có kinh nghiệm trong và ngoài Viện Tâm lý học đã đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu, ghi nhận ý nghĩa khoa học và thực tiễn của kết quả đề tài. Những góp ý từ góc độ khoa học đã được đưa ra, đánh giá những thành quả và hạn chế của đề tài để nhóm nghiên cứu hoàn thiện báo cáo tổng họp cuối cùng trước khi nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm KHXH. 

Từ những kết quả nghiên cứu, có thể khẳng định:

- Cần thật sự coi trong việc triển khai trong thực tiễn công tác phối kết hợp giữa nhà trường và gia đình trong giáo dục nhân cách học sinh nói chung, chăm sóc sức khỏe tinh thần nói riêng của các em.

- Để học sinh trung học phổ thống có sức khỏe tinh thần lành mạnh hoặc các em có thể nhanh chóng vượt qua những trở ngại tinh thần, giải quyết được những vướng mắc trong lĩnh vực này, các thày cô cần hướng tới việc xây dựng được mối quan hệ tích cực, thấu hiểu giữa thày, cô, nhân viên nhà trường và học sinh và mối quan hệ nhóm bạn có tính hỗ trợ giữa các học sinh với nhau. Cùng với việc giảm thiểu những biểu hiện tiêu cực trong gia đình, sẽ rất hữu ích khi những người bố, người mẹ cố gắng hiểu con và chia sẻ với con những vấn đề khác nhau trong cuộc sống.

 - Hoạt động giáo dục nhân cách thế hệ trẻ chỉ đạt được hiệu quả khi hoạt động đó được tiển khai phù hợp với đặc điểm cá nhân của đối tượng được giáo dục. Trong chăm sóc sức khỏe tinh thần của học sinh THPT cũng vậy. Với các em nữ, khai thác và tận dụng vai trò của mối quan hệ thày – trò, đặc biệt là quan hệ nhóm bạn sẽ đem lại hiệu quả. Với các em nam, các bậc bố, mẹ cần đặc biệt chú ý đến những cách ứng xử, những mối quan hệ trong gia đình sao cho không tạo ra tình huống để các em lấy việc thực hiện hành vi lệch chuẩn hay sử dụng chất gây nghiện như những cách giải tỏa bức xúc hoặc thể hiện bản thân.

Lê Thúy (đưa tin) 

Ảnh: Bích Ngọc