Trong số 7 đề tài mà Viện Tâm lý học chủ trì năm 2020 thì có 4 đề tài nghiệm thu đạt loại Xuất sắc, 3 đề tài nghiệm thu đạt loại Khá.
Bốn đề tài nghiệm thu đạt loại xuất sắc là:
1/ Đề tài: “Hình ảnh người giáo viên tốt qua góc nhìn của học sinh trung học phổ thông” do ThS. Lâm Thanh Bình làm chủ nhiệm. Nghiên cứu đã tổng hợp được 30 đặc điểm chính về người giáo viên tốt, được chia thành 5 nhóm là: đạo đức, khả năng chuyên môn, kỹ năng sư phạm, trí tuệ cảm xúc thể hiện trong tương tác với học sinh và phẩm chất nhà giáo. Hình ảnh giáo viên tốt liên quan trực tiếp đến học sinh và vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại; nổi bật hơn cả là đặc điểm trí tuệ xã hội (thể hiện trong tương tác với học sinh) và phẩm chất nhà giáo, ít đề cập đến các đặc điểm năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm chỉ được đề cập đến ít hơn.
2/ Đề tài: “Thể hiện cảm xúc trên facebook của học sinh trung học phổ thông” do ThS. Lê Thị Ngọc Thúy làm chủ nhiệm. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, học sinh THPT chia sẻ cảm xúc dương tính lên facebook (FB) nhiều hơn cảm xúc âm tính. Các cảm xúc được nhiều học sinh đăng tải là vui vẻ, yêu thương và ngạc nhiên. Loại cảm xúc rất ít khi được các em chia sẻ là lo lắng, giận hoặc buồn. Các cảm xúc chia sẻ khi đăng tải trạng thái thường liên quan với sự việc trong cuộc sống của các em học sinh. Các phương thức thể hiện cảm xúc khá đa dạng. Đa số các em sử dụng lời viết để thể hiện cảm xúc trên FB. Khá nhiều học sinh có sử dụng biểu tượng cảm xúc trên FB khi đăng tải trạng thái hoặc khi bình luận. Việc thường xuyên chia sẻ cảm xúc trên FB thì phần lớn đều mang lại những cảm nhận tích cực, tâm trạng tốt hơn hoặc trung tính cho các em
3/ Đề tài: “Tương đồng vợ chồng và ảnh hưởng của nó đến hạnh phúc hôn nhân” do ThS. Đặng Thị Thu Trang làm chủ nhiệm đã chỉ ra có sự tương đồng giữa vợ và chồng trên các khía cạnh đặc điểm ngoại hiện (tuổi, học vấn) và những đặc điểm nội tại của cuộc sống hôn nhân (thực hiện công việc gia đình, ra quyết định trong gia đình, quan điểm về trách nhiệm của vợ chồng trong gia đình. Sự tương đồng về đặc điểm ngoại hiện không tác động đến hạnh phúc hôn nhân, trong khi sự tương đồng ở đực điểm nội tại chiếm vai trò nhất định đối với mối quan hệ vợ chồng. Bên cạnh đó, sự thân mạt là biến số trung gian của mối quan hệ giữa tương đồng quan điểm và hạnh phúc hôn nhân.
4/ Đề tài: “Ám sợ trường học của học sinh trung học cơ sở” do ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền làm chủ nhiệm. Nghiên cứu sử dụng thang đo Đánh giá từ chối học đường để đánh giá mức độ, biểu hiện ám sợ học đường của học sinh THCS. Kết quả nghiên cứu thực trạng cho thấy ám sợ/ từ chối học đường trên nhóm học sinh THCS ở một số tỉnh thành trên cả nước nhìn chung ở mức trung bình thấp, nhưng luôn luôn tồn tại ít nhất 1 yếu tố ảnh hưởng khiến các em trong mẫu nghiên cứu thấy khó khăn khi đi học. Sự hỗ trợ của các nhóm xã hội như bạn thân và giáo viên ở trường học là yếu tố bảo vệ học sinh khỏi tình trạng ám sợ/ từ chối học đường. Bên cạnh đó, kết quả thử nghiệm thang đo từ chối học đường còn gợi ý cho các nghiên cứu trong tương lai.
Ba đề tài còn lại được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại Khá là:
1/ Đề tài: “Hành vi nói tục trong giao tiếp với bạn của sinh viên” do TS. Lê Minh Thiện làm chủ nhiệm. Nghiên cứu trên 268 sinh viên ở Hà Nội cho thấy, nói tục, chửi tục được sử dụng khá phổ biến ở sinh viên. Môi trường xung quanh, đặc biệt là nhóm bạn bè, người quen, người yêu là nguồn lan truyền nói tục, chửi tục phổ biến nhất. Nói tục, chửi tục có thể diễn ra ở tất cả các địa điểm. Lý do nói tục chửi tục khá đa dạng, nói tục là cách thể hiện cảm xúc tiêu cực hoặc tích cực, đôi khi nói tục cũng là do thói quen của người nói. Kết quả nghiên cứu chỉ ra có tới một nửa số sinh viên cho rằng hành vi nói tục, chửi tục là bình thường, không lệch lạc và đa số cũng đều giá là bình thường, không quan tâm hoặc có khi cảm thấy thoải mái, vui vẻ, gần gũi khi nói tục, chửi tục. Tất cả các điểm trên gợi ý rằng, dường như nói tục, chửi tục dường như đã trở thành một phần của “tiểu văn hóa” ở lứa tuổi thanh niên.
2/ Đề tài: “Định hướng giá trị gia đình truyền thống ở người Việt Nam kết hôn với người Ba Lan” do TS. Mai Văn Hải làm chủ nhiệm. Kết quả phỏng vấn sâu 15 người Việt Nam lập gia đình với người Ba Lan cho thấy, họ đã có những thay đổi nhất định trong định hướng giá trị gia đình khi kết hôn với người Ba Lan. Cụ thể là họ chấp nhận sống chung với người khác khi ở nước ngoài, vai trò về giới của phụ nữ bình đẳng hơn, ít áp đặt với con cái hơn… Họ dần dần phải linh hoạt và chấp nhận sự thay đổi trong cuộc sống để thích nghi với điều kiện công việc và cuộc sống khi ở nước ngoài.
3/ Đề tài: “Tìm hiểu rối loạn căng thẳng sau sang chấn ở người mắc bệnh ung thư” do NCV. Hoàng Nhật làm chủ nhiệm. Đề tài đã sử dụng thang đo đánh giá sàng lọc các biểu hiện triệu chứng ở 101 người mắc bệnh ung thư tại 2 bệnh viện lớn ở Hà Nội để phát hiện rối loạn căng thẳng sau sang chấn và mô tả biểu hiện triệu chứng cũng như chỉ ra mối liên hệ giữa các triệu chứng với một số đặc điểm của người mắc bệnh ung thư.
Nhận xét về các đề tài, các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu cho rằng, mỗi đề tài là mỗi công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, công phu, có ý nghĩa thực tiễn. Đồng thời, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu của mỗi đề tài đều yêu cầu chủ nhiệm đề tài tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các thành viên trong Hội đồng để đề tài hoàn thiện và có ý nghĩa hơn.
Dưới đây là một số hình ảnh của buổi nghiệm thu.




Trước đó, ngày 19/8/2020, Viện Tâm lý học tổ chức nghiệm thu đề tài “Xây dựng hướng dẫn đánh giá tâm lý cho người có yêu cầu chuyển giới” do TS. Nguyễn Cao Minh làm chủ nhiệm. Hội đồng đã xếp loại khá đối với đề tài này.
Như vậy, trong năm 2020, sau khi tổ chức nghiệm thu 8 đề tài khoa học cơ sở do Viện Tâm lý học chủ trì đã có 4 đề tài đạt loại Xuất sắc và 04 đề tài đạt loại Khá.
Rơ Đăm Thị Bích Ngọc