Đề tài “Tâm thế đối với việc thực hiện đổi mới giáo dục của giáo viên phổ thông” do PGS.TS. Phan Thị Mai Hương làm chủ nhiệm đã được nghiệm thu đạt loại xuất sắc. Kết quả nghiên cứu thực tiễn đã chỉ ra 5 nhóm giáo viên với mức độ sẵn sàng khác nhau với đổi mới giáo dục: (1) Những người không sẵn sàng: Đây là nhóm những người tương đối bảo thủ, chưa sẵn sàng với đổi mới, cả về nhận thức và về cảm xúc; (2) Những người ít sẵn sàng: Đây là những người có mức độ sẵn sàng nhất định với đổi mới giáo dục nhưng còn mang kha khá các tâm tư tiêu cực; (3) Những người bình thường, lưỡng lự: Đây là những người ở trạng thái khá bấp bênh với đổi mới. Họ không phải là những người đã hoàn toàn sẵn sàng, nhưng cũng không phài là những người chưa sẵn sàng với đổi mới; (4) Những người khá sẵn sàng: Họ là những người về cơ bản là sẵn sàng với đổi mới. Có nhiều điểm tích cực, nhưng vẫn còn những điểm tiêu cực đan xen hoặc về nhận thức, hoặc về cảm xúc; (5) Những người hoàn toàn sẵn sàng: Đây là nhóm những người tân tiến, hoàn toàn sẵn sàng với đổi mới, cả về nhận thức lẫn cảm xúc. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy vai trò của tâm thế đối với khả năng thực hiện các hành vi đổi mới của giáo viên trên ba lĩnh vực: mức độ thành thục của các hành vi giảng dạy theo yêu cầu mới, mức độ thường xuyên thực hiện hành vi bổ trợ và hành vi tự học tập.
Ba đề tài nghiên cứu đạt loại khá đều có nội dung nghiên cứu xoay quanh lứa tuổi học sinh trung học. Mỗi đề tài phản ánh các khía cạnh đời sống tâm lý, cảm xúc của học sinh về tình bạn khác giới, về gia đình, nhà trường, kỳ vọng của cha mẹ dành cho các em.
Đề tài “Mối quan hệ thân mật với bạn khác giới của học sinh trung học phổ thông” do TS. Nguyễn Thị Phương Hoa làm chủ nhiệm đã mô tả bức tranh chung về mối quan hệ thân mật với bạn khác giới của học sinh trung học phổ thổng (THPT) tại một số trường trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đề tài đã chỉ ra đặc điểm và tính chất của mối quan hệ thân mật với bạn khác giới hay chính xác là tình yêu với người khác giới của học sinh THPT trên nhiều khía cạnh như: độ dài, mối quan hệ, số lần trải nghiệm mối quan hệ lãng mạn, đặc điểm của bạn khác giới; tính chất ngắn ngủi nhưng đầy say mê của tình yêu ở lứa tuổi này, về chất lượng mối quan hệ này. Đề tài đã cung cấp những bằng chứng xác thực về sự phổ biến của mối quan hệ lãng mạn ở độ tuổi học sinh THPT, tính chất chủ động khi tham gia mối quan hệ này, sự mở rộng phạm vi lựa chọn người yêu. Nhìn chung, mối quan hệ lãng mạn của học sinh THPT không tồn tại lâu (hầu hết không quá 16 tháng), dù đã bền vững hơn so với học sinh THCS. Mặc dầu vậy, mối quan hệ này mang lại cho các em niềm vui và hạnh phúc. Chất lượng mối quan hệ được đánh giá rất tích cực từ góc độ của những người trong cuộc (những học sinh đang có người yêu). Đề tài cũng phác họa được một phần thế giới quan của học sinh THPT khi tìm hiểu nhận thức của các em về các vấn đề liên quan đến tình yêu, đánh giá về tình yêu học trò ngày nay. Nhận thức của các em thể hiện có sự trưởng thành. Các em có những suy nghĩ khá nghiêm túc về tình yêu, đồng thời cũng cởi mở hơn, bạo dạn hơn. Mặc dù, không nhiều học sinh đánh giá tiêu cực về tình yêu học trò trò ngay nay, nhưng các em đánh giá khá nghiêm túc về tính chất của tình yêu học trò ngày nay khi chỉ ra những hạn chế của nó như: trở nên thực dụng và phức tạp; không bền vững, bồng bột, trẻ con; thể hiện thái quá, không phù hợp...
Ngành Giáo dục Việt Nam đang đề cao khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” nhằm khuyến khích, tạo động lực để các em học tập tốt hơn, đạt kết quả cao hơn, ươm mầm tri thức cho xã hội. Kết quả nghiên cứu của đề tài “Trải nghiệm cảm xúc tại trường học của học sinh trung học cơ sở” do TS. Đỗ Thị Lệ Hằng làm chủ nhiệm phần nào cho thấy một mảng sáng trong bức tranh nền giáo dục nước ta. Bằng phương pháp điều tra xã hội học trên 749 học sinh của hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, học sinh Trung học cơ sở trải nghiệm cảm xúc tại trường học khá phong phú và đa dạng, màu sắc thể hiện đúng đặc điểm lứa tuổi của các em, trong đó, các cảm xúc tích cực (dương tính) được các em trải nghiệm thường xuyên hơn cảm xúc tiêu cực (âm tính). Trong số các cảm xúc dương tính, cảm xúc vui vẻ được các em báo cáo thường xuyên nhất. Trong số các cảm xúc âm tính, lo lắng và chán nản là hai cảm xúc thường xuất hiện ở các em. Trường độ và cường độ cảm xúc của học sinh tại trường học diễn ra không đồng đều ở từng cảm xúc và không đồng đều ở các nhóm học sinh. Có nhiều tác nhân khác nhau gây ra cảm xúc ở trường học như điểm số bài kiểm tra, quan hệ với bạn bè, giao tiếp với thầy cô… Trải nghiệm cảm xúc tại trường học mang đến cho học sinh những phản ứng khác nhau tùy theo loại cảm xúc. Đây là những điều nhà trường và gia đình cần quan tâm để có các biện pháp giúp các em giảm thiểu những cảm xúc âm tính mỗi khi đến trường.
Quan niệm của cha mẹ về con vẫn mang đậm nét truyền thống trong văn hóa Việt nhưng sự kỳ vọng của cha mẹ đối với con lại có khác biệt so với nền văn hóa trước đây. Đây là những nét chính trong nghiên cứu “Quan niệm và kỳ vọng của cha mẹ trong giáo dục con lứa tuổi trung học cơ sở” do PGS.TS. Lê Văn Hảo làm chủ nhiệm. Nghiên cứu khảo sát bằng bảng hỏi trên 550 cặp cha mẹ và con từ bốn tỉnh Hòa Bình, Hà Nội, Trà Vinh, Cần Thơ. Nội dung khảo sát tập trung vào quan niệm của cha mẹ, con cái về một người con tốt và chiều ngược lại là quan niệm của con về người con tốt, cha mẹ tốt. Mong muốn của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái; quan niệm của cha mẹ về con trai, con gái trưởng thành. Đề tài cũng tập trung khảo sát kỳ vọng, mong đợi cũng như niềm tin của cha mẹ đối với con cái trong cuộc sống hàng ngày cũng như công việc học tập, vấn đề hiếu thảo của con cái (quan tâm, chia sẻ cảm xúc, lòng biết ơn, vâng lời, thực hiện các mong muốn của cha mẹ…). Bên cạnh đó, đề tài còn tìm hiểu phong cách làm cha mẹ được thể hiện qua những chuẩn mức hành vi, giao tiếp với con, vấn đề trao quyền cho con cái trong gia đình. Cùng với phong cách làm cha mẹ thì cảm nhận hạnh phúc của cha mẹ, con cái trong gia đình được đề tài đặc biệt quan tâm. Cảm nhận hạnh phúc của cha mẹ và con cái dược xem xét thông qua khả năng thực hiện các trách nhiệm trong cuộc sống hàng ngày, mối quan hệ tin tưởng và ấp áp, định hướng và cách thức thể hiện các ý tưởng, quan điểm riêng trong mối quan hệ cha mẹ con cái. Nghiên cứu cũng xem xét từng chiều cạnh trong mối quan hệ giữa quan niệm và kỳ vọng của cha mẹ với con cái.
Các Hội đồng đều thống nhất rằng, đây đều là những đề tài có ý nghĩa, số liệu phong phú; đề tài đã có đủ sản phẩm theo hợp đồng, các sản phẩm phù hợp với mục tiêu, nội dung nghiên cứu của đề tài so với hợp đồng đã ký; giữa cơ sở lý luận, phương pháp nghiên cứu và phân tích kết quả nghiên cứu thực trạng về cơ bản có sự nhất quán về ý tưởng nghiên cứu. Các thành viên đều đánh giá rằng đề tài đã đạt được yêu cầu đặt ra, đồng thời góp ý chỉnh sửa cho đề tài có thể hoàn thiện hơn.
Bài: Huyền Trang
Ảnh: Bích Ngọc
Huyền Trang - Rơ đăm Thị Bích Ngọc