Đây là một nỗi khổ của các ấu nhi trong thời kỳ được bú mớm được cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện trình bày trong cuốn sách "Nỗi khổ của con em chúng ta" l . Cuốn sách thể hiện sự thấu hiểu nỗi lòng của con trẻ dù cho chúng chưa thể nói được. Cuốn sách cung cấp những kiến thức cơ bản trong chăm sóc, ứng xử với trẻ nhỏ để chúng cảm nhận được niềm hạnh phúc của cuộc sống này trong vòng tay yêu thương của những người thân thuộc.
Từ xã hội nông nghiệp, với kỹ thuật thủ công thô sơ chuyển sang sống ở những thành phố công nghiệp, cơ cấu của gia đình, vị trí vai trò của người đàn bà, của người mẹ khác hẳn xưa và hậu quả không thể tránh khỏi, cuộc sống của trẻ em ngày càng khác hẳn.
Có người nói: trẻ em ngày này có khác trẻ em ngày xưa không? Xin trả lời: khác ngay từ khi “nhân chi sơ, sờ bú mẹ”. Trẻ em xưa được sờ vú mẹ thỏa thê, trẻ em ngày nay được sờ vú mẹ quá ít. Xưa được bú mẹ một năm, hai năm, được bú cả ngày đêm, hễ khóc lên là mẹ đút vú vào miệng. Con khóc, mẹ đưa vú cho con bú, hai động tác hầu như mang tính bản năng, mẹ cũng như con không cần ai dạy cho, không cần học ở đâu.
Thế rồi công nghiệp phát triển, gia đình không còn là cơ sở sản xuất nữa, cả ba lẫn mẹ không còn ngày ngày chăm sóc vườn tược, nuôi con gà, chăm con lợn, xay lúa giã gạo, tơ tằm dệt vải, hái trầu bổ cau, đan rá nữa. Sáng sáng ba mẹ vội vội vàng vàng lo nhà lo cửa, lo cơm nước, đánh thức con, cho ăn, cho mặc, tắm rửa, rồi dắt đi gửi nhà trẻ.
7 giờ sáng, ba mẹ bỏ con lại nhà trẻ, 4, 5 giờ chiều mới đón về, một ngày dài đằng đẵng, mẹ đâu mất rồi, ba đâu rồi, anh chị, ông bà, những gương mặt quen thuộc, nhà cửa đồ đạc một khung cảnh quen thuộc, con mèo, con chó quen thuộc đâu cả rồi? Sao ba mẹ lại bỏ rơi con đi như thế này? Cho đến bao giờ? Một vài ba tháng tuổi, làm sao hiểu được, cảm được một giờ, một buổi, một ngày là bao lâu, xa mẹ, vắng mẹ vài phút là lâu dằng dặc, bụng dạ xao xuyến, ruột gan co thắt lại, đâu có thể thản nhiên như người lớn mà xem đồng hồ tính từng giờ từng phút! Thăm các nhà trẻ không khó khăn gì mà không nhìn thấy những nét mặt đau thương, chỉ cần cúi mình hỏi han một em là bao nhiêu em khác níu lấy khách, không cho ra về. Các em rất khao khát được người lớn ôm ấp, trò chuyện với mình.
Phải chăng em bé khóc vì đói và chỉ cần cho sữa ăn no lại yên…? Harlow, một nhà nghiên cứu Mỹ đã làm thí nghiệm như sau: lấy một số khỉ mới đẻ, tách khỏi mẹ, cho bú sữa bình đầy đủ, cho ở với hai mẹ khỉ giả, một mẹ bằng dây thép cứng, một mẹ bằng lông xù. Bình sữa ở bên mẹ thép cứng, khỉ con bú xong liền bỏ đi qua ôm lấy mẹ bằng lông xù, vuốt ve mẹ, bỏ mẹ cho ăn sữa nhưng “da thịt” quá cứng, suốt ngày ôm ấp lấy mẹ có da thịt mềm mại.
Trong cuốn:
Nguyễn Khắc Viện (1997). Nỗi khổ của con em chúng ta. NXB trẻ.
Nguyễn Khắc Viện