KHÔNG THỂ VẮNG MẸ

07/09/2018

(Tamly) - Đây là một nội dung trong cuốn "Nỗi khổ của con em chúng ta" do cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện biên soạn. Tác giả luận giải: Nếu không có những vuốt ve yêu thương như của mẹ từ thở lọt lòng thì trẻ sẽ ra sao?

 

Con gà từ trong trứng nở ra, tức thì đi lại được, biết tìm ăn, đủ lông đủ cánh, trời không quá rét vẫn chịu được, thế mà suốt mấy tuần đầu vẫn quanh quẩn bên mẹ, mẹ con quấn quýt lấy nhau, con xa mẹ ba bước là kêu chiêm chiếp, mẹ cũng cục cu cúc cục, thoáng một bóng đen bay qua, một tiếng động lạ là mẹ gà đã xòe cánh ra, bầy con nấp vào dưới cánh mẹ, mẹ sẵn sàng tấn công lại bất kỳ kẻ địch nào để bảo vệ đàn con.

Con kanguru, lọt lòng chưa nhảy ra ngoài, mà được nằm trong một cái túi ở ngay bụng mẹ, được bú sữa mẹ, nằm trong túi ấy, lớn lên nhảy ra, nhưng hễ động lại chui vào túi bám dính lấy mẹ. Thật lớn, thật khỏe mới bỏ hẳn cái túi bảo hộ ấy.

Chó mẹ, mèo mẹ, cả chuột mẹ cũng suốt ngày liếm con mới đẻ. Nuôi những con vật thí nghiệm tách khỏi mẹ, cho ăn no đủ, mà không được vuốt ve chúng vẫn chết. Chỉ cần lấy tí bông thường vuốt ve là sống. Có thể nghĩ rằng mẹ liếm cho con để con sạch, để tránh nhiễm trùng, chẳng qua như ta tắm cho con vậy.

Không đơn giản như vậy. Bác sĩ Spitz (Mỹ) đã công bố một công trình nghiên cứu nhiều năm làm chấn động dư luận. Ông theo hàng trăm em bé được nuôi dưỡng trong những nhà trẻ đầy đủ tiện nghi, được ăn uống không thiếu thứ nào, protein, vitamin, chất khoáng, được tắm sạch sẽ, áo quần, giường chiếu sạch bong, tiêm chủng thuốc men, tóm lại tất cả điều kiện vệ sinh nghiêm ngặt nhất đều được đáp ứng. Thế mà có một số em khám y khoa ban đầu đều thấy bình thường, sau một thời gian thấy không lớn lên được, mất hết sinh khí, biết đi, biết nói rất chậm, đâm ra đờ đẫn, một số ít sinh đủ thứ bệnh, tỷ lệ tử vong ở số em ấy rất cao so với trẻ bình thường.

Điều tra kỹ thấy nguyên do là những người mẹ trong một thời gian dài, thường là quá ba đến sáu tháng đã vắng mặt, những em bé được giao lại cho các cô bảo mẫu chăm sóc hàng ngày. Các cô được đào tạo đầy đủ về các khoa dinh dưỡng, biết pha chế bột, cho ăn uống đúng về khoa học, về vệ sinh nhưng cho ăn, tắm rửa, thay quần áo, thay tả xong…các cô lại đặt các em vào nôi hay giường, giao cho một đồ chơi gì đó, rồi bỏ đấy vì phải chăm sóc em khác. Những em bé ấy còi cọc, dễ nhiễm trùng, đau ốm liên miên.

Spitz gọi chứng bệnh ấy là hospitalism, tức bệnh do nằm viện mà sinh ra. Tên ấy không hay lắm vì nếu ở những bệnh viện, viện mồ côi nào biết cách xử lý thì đâu đến nỗi. Chúng tôi có đề nghị nên gọi là bệnh “vắng mẹ”, nói lên căn nguyên rõ ràng hơn.

 

Trong cuốn:

Nguyễn Khắc Viện (1997). Nỗi khổ của con em chúng ta. NXB trẻ.

Nguyễn Khắc Viện (Nỗi khổ của con em chúng ta - NXB Trẻ)