Giới thiệu sách mới "Mối quan hệ của Nhà nước, cộng đồng và gia đình ở nước ta hiện nay" của GS.TS. Vũ Dũng

14/05/2020

(Tamly) - Sau 2 năm nghiên cứu, tìm hiểu, đầu năm 2020 GS. TS. Vũ Dũng đã cho ra mắt cuốn sách Mối quan hệ của Nhà nước, cộng đồng và gia đình ở nước ta hiện nay. Cuốn sách do Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản, dày 374 trang. Đây là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Bộ cùng tên của tác giả được thực hiện từ năm 2017 đến năm 2018.

Như chúng ta đã biết Nhà nước, cộng đồng và gia đình là ba thể chế, ba mắt xích quan trọng nhất trong hệ thống chính trị của một quốc gia. Nhà nước là cơ quan quyền lực cao nhất, là người tổ chức các lĩnh vực hoạt động xã hội. Gia đình là tế bào của xã hội- nơi sinh ra nuôi dưỡng và là môi trường giáo dục quan trọng của con người; nơi khởi đầu sự hình thành và phát triển nhân cách của con người. Cộng đồng là tập hợp của các gia đình, là nhóm cố kết của các thành viên của gia đình - nơi có những quan hệ mang tính trực tiếp.

Trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay mối quan hệ giữa Nhà nước, cộng đồng và gia đình có nhiều thay đổi. Cách thức quản lý cộng đồng và gia đình của Nhà nước cũng phải thay đổi. Cộng đồng và gia đình cũng gặp nhiều thách thức trong thực hiện chức năng của mình do bối cảnh của đất nước và quốc tế đem lại. Do vậy, việc nghiên cứu mối quan hệ giữa Nhà nước, cộng đồng và gia đình trong bối cảnh công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay vừa có ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tiễn.

Nội dung cuốn sách gồm 3 chương chính: Trong Chương 1 - Cơ sở lý luận về mối quan hệ giữa Nhà nước, cộng đồng và gia đình, tác giả giới thiệu những vấn đề lí luận về Nhà nước trong mối quan hệ với cộng đồng và gia đình, cộng đồng trong mối quan hệ với Nhà nước và gia đình và gia đình trong mối quan hệ với Nhà nước và cộng đồng. Sang đến Chương 2 - Thực trạng mối quan hệ Nhà nước, cộng đồng và gia đình ở nước ta hiện nay, tác giả tiếp tục trình bày kết quả khảo sát về mối quan hệ Nhà nước với cộng đồng và gia đình trong việc thực hiện các chức năng của gia đình ở nước ta hiện nay. Khép lại cuốn sách bằng Chương 3 - Bối cảnh trong nước và Quốc tế, dự báo xu hướng và đề xuất giải pháp. Phần này tác giả đề cập đến bối cảnh trong nước và quốc tế, dự báo xu hướng mối quan hệ giữa nhà nước, cộng đồng và gia đình. Từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước , cộng đồng và gia đình trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở nước ta vào những năm 2016-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Hiện cuốn sách đã có tại Thư viện Viện Tâm lý học.

Phạm Thu Huyền