Đạo đức môi trường ở nước ta � Lý luận và thực tiễn

11/10/2011

(Tamly) - Cuốn sách “Đạo đức môi trường ở nước ta – Lý luận và thực tiễn” do GS.TS. Vũ Dũng, Viện trưởng Viện Tâm lý học, tổng biên tập Tạp chí Tâm lý học viết. Cuốn sách được viết dựa trên kết quả nghiên cứu của Dự án điều tra cơ bản “Đánh giá đạo đức môi trường ở nước ta hiện nay” do Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho Viện Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện, GS.TS. Vũ Dũng làm chủ nhiệm, thực hiện trong 2 năm 2009 - 2010.
Nội dung cuốn sách trình bày về các vấn đề cơ bản sau:

1) Một số vấn đề lý luận cơ bản về đạo đức môi trường. Trong phân này tác giả trình bày một số khái niệm (đạo đức, đạo đức môi trường, các tiêu chí đánh giá đạo đức môi trường, sự xuất hiện và những khuynh hướng cơ bản của đạo đức môi trường, các chức năng cơ bản của đạo đức môi trường). Đây là vấn đề lý luận còn khá mới mẻ ở nước ta hiện nay.
 

 
2) Kinh nghiệm bảo vệ môi trường ở một số nước nhìn từ góc độ đạo đức môi trường. Trong phần này cuốn sách phân tích kinh nghiệm bảo vệ môi trường của một số quốc gia, chỉ ra những khía cạnh đạo đức của những hoạt động bảo vệ môi trường này. Đây là những kinh nghiêm quý chúng ta có thể học tập.

3) Phần nội dung quan trọng nhất của cuốn sách là :Tổng quan về môi trường và ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay; Nhận thức của người dân về đạo đức môi trường; Thực trạng hành vi đạo đức môi trường ở nước ta. Ở phần này, từ góc độ của đạo đức môi trường cuốn sách đã chỉ ra một thực trạng là ở hầu hết các lĩnh vực từ doanh nghiệp, đến nông dân, đến người dân, từ thành thị đến nông thôn và miền núi chúng ta còn có nhiều hành vi mang tính phi đạo đức môi trường. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới sự ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay và việc bảo vệ môi trường chưa bền vững ở nước ta. Điều quan trọng là nhiều khi người ta ý thức được những hậu quả của hành vi gây ô nhiễm môi trường của mình, song họ vẫn thực hiện hành vi đó. Ở đây, khi thực hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường, chủ thể hành vi không hề có tinh thần trách nhiệm, ý thức về nghĩa vụ bảo vệ môi trường của mình, lương tâm không bị cắn rứt…

Đây là cuốn sách đầu tiến phân tích về đạo đức môi trường ở nước ta một cách hệ thống từ lý luận đến thực tiễn. Nó có thể góp phần vào việc giáo dục và hình thành đạo đức môi trường ở nước ta hiện nay.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.