Ở chương này, tác giả đề cập đến “Niềm đam mê của bạn là gì?” và cho thấy có thể khám phá niềm đam mê ở bất cứ độ tuổi nào trong đời. Tác giả đưa ra 1 số nhận định:
Nhiều người nhận ra tiềm năng và sở thích bản thân sau khi bước vào công việc thật sự. Tác giả đưa ra ví dụ liên quan đến một số nhà văn. Ban đầu họ có thể chỉ là cộng tác viên của các tạp chí. Dần dần họ được nhiều người biết đến, họ viết ngày càng lên tay- họ đã khám phá ra khuynh hướng mạnh mẽ của bản thân sau một quá trình làm việc.
Chúng ta không thể lúc nào cũng yêu thích mọi thứ, nhưng có thể dành hứng thú và thời gian cho một số công việc nhất định. Khi khởi nghiệp, có thể chọn công việc tương đối phù hợp với khả năng và ngành học. Sau đó, chúng ta cần trải nghiệm một thời gian để khám phá ra nghề nghiệp phù hợp nhất với bản thân.
Ở một góc độ khác là xem xét tiềm năng kế thừa của bạn. Bạn có thể tìm ra tiềm năng bạn kế thừa bằng việc tìm hiểu bảng gia phả của gia đình. Trong nhiều trường hợp, đặc điểm di truyền chính là tài sản thừa kế của bạn, có thể là những nét tính cách tốt đẹp, năng khiếu nổi trội chứ không phải là đất đai hay tiền bạc.
Nội dung tiếp theo, tác giả đi sâu vào việc xác định bản thân, đây là bước đầu tiên giúp chúng ta tiếp cận niềm đam mê. Giá trị, kí ức, niềm tin, khả năng biểu đạt, thái độ lẫn quá trình ra quyết định làm nên con người chúng ta, cụ thể:
Giá trị: Hiểu đơn giản, đó là những thứ có ích hoặc quan trọng với ta, đó có thể là quyền lực, tiền tài, danh vọng hay sự thành công, sức khỏe... Nên viết ra những điều chúng ta quan tâm càng cụ thể càng tốt. Giá trị chính là yếu tố dẫn đường, giúp bộc lộ sở thích và niềm đam mê của bạn. Khi đã xác định rõ giá trị bản thân, chúng ta sẽ dễ dàng vạch ra mục tiêu tương hợp với sở thích của mình. Vì vậy tác giả cho rằng nên cân đối các giá trị của bản thân với tài năng, hứng thú của chính mình. Các giá trị cũng giúp bạn nhận thức được thời điểm thích hợp để thay đổi cách hành xử, giúp bạn đánh giá được khi nào các giá trị của bạn phù hợp với công việc hiện tại. Bở lẽ đó, lập ra danh sách các giá trị với thứ tự ưu tiên là rất quan trọng.
Kí ức: Ví như, mẹ bạn chơi ghi ta khi bạn là bé thơ, và đôi lúc bạn cũng ao ước được chơi một nhạc cụ nào đó. Khi bạn trưởng thành và bất chợt nghe 1 bài hát quen thuộc hồi nhỏ, bạn sẽ nhớ lại thời kì đó. Vì thế, kí ức là công cụ giúp bạn kết nối với niềm đam mê và sở thích bản thân.
Niềm tin: chính là kim chỉ nam cho đam mê của chúng ta, chắp cánh cho ta theo đuổi những ước mơ. Nếu bạn tin là bạn sẽ vượt qua kì thi, bạn sẽ làm được điều đó.
Khả năng biểu đạt: Khác với động vật khác, chúng ta có khả năng biểu đạt thông qua giao tiếp và ngôn ngữ. Chúng ta có thể tư duy nhờ phương tiện này, đồng thời, nó không chỉ thuyết phục được bản thân mà còn thuyết phục được người khác.
Thái độ: Hiểu đơn giản, đó là nhận thức, quan niệm của chúng ta về sự vật, hiện tượng. Nó dựa trên những trải nghiệm, yếu tố nền tảng, giá trị và điều bạn tin tưởng. Theo ý tác giả, cần phân tích chính bản thân dựa trên thông số này, khi đó sẽ nhận ra bản thân được tạo nên từ những nét tính cách khái quát nào.
Quyết định cá nhân: Tác giả cho rằng, cần xác định được giá trị cá nhân của mình là gì và từ đó ra quyết định.
Tiếp theo việc “xác định bản thân”, để biết niềm đam mê của mình là gì, tác giả đưa ra bước nữa là: “Lắng nghe lời trái tim, những điều bạn thích và không thích”. Để diễn giải ý nghĩa của bước này, chúng ta cần trả lời những câu hỏi nhỏ như: Bạn yêu thích công việc nào, bạn có sẵn sàng chấp nhận rủi ro không? Hay vì sao tôi yêu công việc của mình? Ở các công việc trước, phần nào bạn thấy dễ nhất? Điều gì cản trở bạn trong công việc… Toàn bộ những câu hỏi trên sẽ định hướng cho chúng ta trong việc thực hiện các bước giúp xác định niềm đam mê của chính mình.
Hạnh tóm lược (còn nữa)