Tác giả cho rằng, các nhu cầu của cá nhân là nguyên nhân khởi đầu các ý nghĩ và hành động của con người. Để thoả mãn các nhu cầu, con người phải sáng tạo ra các hệ thống (các sáng chế) có các chức năng nhất định (tính hệ thống). Các nhu cầu của con người không bất biến mà luôn thay đổi, phát triển theo thời gian cả về số lượng lẫn chất lượng và mức độ đa dạng ngày càng tăng. Để thoả mãn chúng, tuy theo vấn đề (bài toán) cụ thể, con người có thể:
1) Hoàn thiện tiếp tục các hệ thống (các sáng chế) đã có;
2) Sáng chế ra hệ thống cùng loại chức năng, nhưng hoạt động theo nguyên lý mới, thay thế hệ thống hoạt động theo nguyên lý đã có;
3) Sáng chế ra các hệ thống có chức năng hoàn toàn mới để thoả mãn các nhu cầu mới.
4)
Ngoài ra, có thể có các trường hợp mang tính chất “lai ghép” ba khả năng nêu trên.
Tác giả phân ra bốn giai đoạn để diễn giải chuỗi nhu cầu – hệ thống (các sáng chế mới):
1) Các nhu cầu: Nhu cầu của con người muốn gì?
2) Tính hệ thống cần có: Được hiểu là câu trả lời cho câu hỏi: Hệ thống cần có (hệ cải tiễn) được thiết kế ra để làm gì? hoặc có chức năng gì, tính chất gì… để có tính hệ thống tốt hơn so với tính hệ thống của hệ tiền thân.
3) Tìm hiểu các nguồn dự trữ có sẵn: Được hiểu theo nghĩa rộng nhất là gồm toàn bộ kiến thức, hiểu theo quan điểm của toàn nhân loại là nguồn dự trữ có sẵn dành cho con người suy nghĩ và hành động giải bài toán.
4) Thiết kế hệ thống cần có để có được hệ thống cần có: Gồm các giai đoạn nhỏ như tìm ý tưởng tạo nên tính hệ thống cần có (trả lời câu hỏi: hệ thống cần có phải như thế nào? có tính chất gì?...); đề ra giải pháp thực hiện ý tưởng đó (ý tưởng giải pháp - trả lời câu hỏi: kết cấu hệ thống cần có (hệ cải tiễn) phải gồm những yếu tố nào, mối liên kết có những tính chất cụ thể gì? Chúng tương tác với nhau như thế nào? cụ thể ra sao?... thì ý tưởng tạo nên tính hệ thống cần có mới trở thành hiện thực?
Trong mỗi giai đoạn này có thể dùng các thủ thuật sáng tạo khác nhau. Phan Dũng đã phân loại 40 thủ thuật sáng tạo phù hợp với 4 giai đoạn này.
Khi giải quyết vấn đề (bài toán) chúng ta cần phải giải quyết các mâu thuẫn. Trong quyển 5, tác giả đã trình bày ba loại mẫu thuẫn mà GS. Altshuller đã tìm ra. đó là các loại mâu thuẫn sau:
- Mâu thuẫn hành chính: là mâu thuẫn giữa “biết mục đích cần đạt” và “không biết cách đạt mục đích”. Ở đâu có mâu thuẫn hành chính, ở đó có vấn đề.
- Mâu thuẫn kỹ thuật: Mâu thuẫn kỹ thuật xuất hiện khi nếu sử dụng các cách làm quen thuộc mà bài toán vẫn chưa được giải quyết.
- Mâu thuẫn vật lý: Được phát biểu như sau: Thành phần (hệ dưới) của hệ thống có trong bài toán phải có mặt đối lập này (Đ) để đem lại lợi ích này cho hệ thống và phải có mặt đối lập kia (- Đ) để đem lại lợi ích kia cho hệ thống, do vậy mới đạt được mục đích (bài toán được giải). Giải quyết mâu thuẫn vật lý có nghĩa là làm cho hai mặt đối lập loại trừ nhau khi chưa giải được bài toán trở nên thống nhất với nghĩa là cùng tồn tại, bổ xung, hỗ trợ cho nhau để đạt được mục tiêu nào đó.
Trong quyển 5, độc giả có thể tham khảo chi tiết:
-Bảng các thủ thuật sáng tạo cơ bản dùng để giải quyết các mâu thuẫn kỹ thuật và các ví dụ.
-Chương trình sử dụng bảng các thủ thuật sáng tạo để giải quyết mâu thuẫn kỹ thuật và các ví dụ.
-11 nguyên tắc phân chia các mặt đối lập dùng để giải quyết các mâu thuẫn vật lý và các ví dụ.
-Chương trình rút gọn dùng để giải quyết vấn đề và ra quyết định và các ví dụ (không dùng cho các bài toán có mức khó cao)
Hoa Lê (còn nữa)