Trong bất kỳ lĩnh vực nào, thông qua việc giải quyết thành công nhiều bài toán, người ta có thể rút ra được các kinh nghiệm, “bí quyết”, “mẹo” giúp giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực đó nhanh hơn, hiệu quả hơn so với phương pháp thủ và sai. Những bí quyết như vậy gọi là các thủ thuật (thủ pháp) sáng tạo. Nói cách khác, các thủ thuật có thể được coi là những phương pháp nhỏ, đơn giản nhất. Thủ thuật trong TRIZ được hiểu là thao tác tư duy đơn lẻ, chỉ ra hướng người giải bài toán cần suy nghĩ.
Từ năm 1946, G.S. Altshuller bắt đầu sưu tầm các thủ thuật nhằm mục đích giúp cá nhân mình làm các sáng chế với năng xuất và hiệu quả cao hơn. Đến năm 1948, ông đặt mục đích xây dựng lý thuyết và hệ thống các phương pháp giải các bài toán sáng tạo sáng chế (TRIZ) cho đông đảo mọi người.
G.S. Altshuller cho rằng sáng tạo sáng chế chính là giải quyết các mâu thuẫn kỹ thuật tạo ra sự phát triển. Vì vậy, tiêu chuẩn lựa chọn các thủ thuật được ông xác định là chúng phải có khả năng giải quyết các mâu thuẫn kỹ thuật có trong các bài toán sáng tạo sáng chế. ông cũng phát hiện ra rằng những bài toán thuộc các lĩnh vực khác nhau, xa nhau, có những mâu thuẫn kỹ thuật phổ biến giống nhau. Để giải chúng, có những thủ thuật giống nhau tương ứng. Vì vậy, các thủ thuật sáng tạo mà G.S. Altshuller tìm ra có phạm vi áp dụng rất rộng.
G.S. Altshuller tìm ra các thủ thuật dựa trên việc phân tích một số lượng lớn (khoảng hơn 40.000 bản mô tả sáng chế) các thông tin sáng tạo sáng chế (thông tin patent), chọn lọc từ những sáng tạo mức ba trở lên thuộc các lĩnh vực sáng tạo khác nhau. Các thông tin patent là các thông tin về sáng tạo sáng chế xác thực, chính thức được công nhận về mặt Nhà nước, được phân loại theo các tiêu chuẩn cụ thể nhất định (như về ngành nghề, lĩnh vực, chức năng kỹ thuật...) và được lưu trữ trong các thư viện chuyên. Những thông tin mà nhà sáng chế kỹ thuật phải làm hồ sơ đăng ký gửi Cơ quan nhà nước về patent (nơi cấp đăng ký bản quyền sáng chế) gồm: 1) Mô tả sáng chế tiền thân; 2) Mô tả giải pháp của mình khác tiền thân ở những điểm nào? (tính mới); 3) Đạt mục đích sáng chế của mình nhằm khắc phục những nhược điểm gì hoặc/và tạo thêm những ưu điểm gì (tính lợi ích) mà tiền thân chưa có. G.S. Altshuller còn gọi các thủ thuật là các nguyên tắc
Từ năm 1946, số lượng các thủ thuật mà G.S. Altshuller tìm ra tăng dần theo thời gian, đến năm 1970 ông chọn ra 40 thủ thuật sáng tạo cơ bản. Các thủ thuật mà G.S. Altshuller tìm ra có tính hệ thống, chúng hỗ trợ cho nhau, bổ xung cho nhau trong việc giải quyết bài toán.
Về nguyên tắc, các thủ thuật sáng tạo có thể tìm được bằng cách sau:
-Nhà nghiên cứu so sánh sáng chế cải tiến với sáng chế tiền thân xem sáng chế cải tiến có tính mới gì, nhờ vậy, mâu thuẫn kỹ thuật mới nào có trong sáng chê stiền thân được giải quyết.
-Nhà nghiên cứu đặt ra và tưởng tượng trả lời các câu hỏi một cách logic: “Giá mình đang ở sáng chế tiền thân, cần nghĩ về hướng nào để tạo ra tính mới trong sáng chế cải tiến, đồng thời giải quyết mâu thuẫn kỹ thuật có trong sáng chế tiền thân?”
-So sánh và đặt các câu hỏi cho rất nhiều cặp sáng chế cải tiến - tiền thân, nhà nghiên cứu thu được rất nhiều câu trả lời. Xử lý những câu trả lời này, nhà nghiên cứu có thể khái quát được các thao tác tư duy đơn giản, tương đối độc lập và thường được sử dụng để giải quyết các loại mâu thuẫn kỹ thuật thường gặp, tạo ra sự phát triển.
Bạn có thể tìm hiểu nội dung các thủ thuật và lợi ích của chúng trong quyển 4 của bộ sánh.
Hoa Lê (còn nữa)