Phan Dũng đã trình bày các mức độ sáng tạo khác nhau theo quan điểm của G.S. Alshuller.
Có hai cách tiếp cận trong Sáng tạo học:
- Cách tiếp cận truyền thống: Lấy con người – chủ thể sáng tạo làm đối tượng nghiên cứu và quan niệm rằng đi tìm các quy luật sáng tạo là đi tìm các quy luật tư duy sáng tạo của con người. Theo cách này có logic học hình thức, tâm sinh lý học của bộ não, nghiên cứu những kinh nghiệm, mẹo, thủ thuật của những người sáng tạo… Cách tiếp cận truyền thống đã thu được nhiều kết quả.
- Cách tiếp cận không truyền thống: Thể hiện rõ nhất trong “Lý thuyết giải các bài toán sáng chế TRIZ” của G.S. Alshuller.
Các ý tưởng cơ bản dẫn đến xây dựng TRIZ:
- G.S. Alshuller cho rằng đi tìm các quy luật sáng tạo chính là đi tìm các quy luật phát triển khách quan.
- Các quy luật phát triển khách quan, khi được phản ánh trong tư duy con người, sẽ góp vai trò cơ chế định hướng cho họ trong giải quyết vấn đề.
- Theo G.S. Alshuller, sự xuất hiện các công cụ và loài người chọn phát triển các công cụ là con đường phát triển xã hội chứ không phải là phát triển các năng lực cơ thế.
G.S. Alshuller cho rằng các bài toán (vấn đề) khác nhau trước hết về mức độ khó và giữa mức độ khó của bài toán cho trước và mức sáng tạo của con người giải được nó có sự tương đương. Trên cơ sở nghiên cứu một số lượng lớn các sáng tạo đã được cấp Patent (bằng sáng chế), G.S. Alshuller phân ra 5 mức sáng tạo (hay còn gọi là 5 mức khó của bài toán) với mức thấp nhất là mức một và mức cao nhất là mức năm. Có thể nhìn nhận các mức độ sáng tạo qua các tiêu chí khác nhau:
Theo tiêu chí “Tính mới” (cho nhân loại):
Mức 1: Sử dụng ngay ý tưởng có sẵn, nhưng chưa ai dùng để giải bài toán.
Ví dụ: Patent Mỹ có số 3432874 có sáng tạo mức 1 như sau: Tiền thân khi ngâm bút vẽ trong nước để làm tan rã bột màu trước khi rửa, trọng lượng của bút vẽ làm cong các sợi lông dẫn đến làm giảm chất lượng bút vẽ. Cải tiến: Phao giữ cho bút vẽ nổi lơ lửng trong nước => nhược điểm của bút vẽ tiền thân được khắc phục.
Mức 2: Có vài ý tưởng có sẵn, người giải suy nghĩ để chọn ra ý tưởng tối ưu trong giải bài toán.
Ví dụ: Để làm nguội 1 chi tiết trong thiết bị, người ta có thể dùng cách trao đổi nhiệt giữa chi tiết và không khí, có thể bằng cách dùng không khí chuyển động (quạt), hoặc bằng không khí lạnh, hoặc bằng nước. Nếu chọn được ý tưởng tối ưu, thì có sáng tạo mức 2.
Mức 3: Người giải cải tiến ý tưởng có sẵn.
Ví dụ: Dùng dao để cắt cao su là ý tưởng có sẵn. Công ty Zengl của Đức cải tiến đưa ra loại dao nhiệt: Dao được cắm điện, 10 phút sau nó nóng đến nhiệt độ 400 độ, cắt cao su dễ dàng như cắt bơ.
Mức 4: Đưa ra ý tưởng mới.
Ví dụ: Sáng chế số 163559 của Liên Xô: Để kịp thời nhận được tín hiệu báo sự cố đối với những mũi khoan sâu, người ta đặt vào bên trong mũi khoan một ống nhựa hợp chất hoá học có mùi đặc biệt. Khi mũi khoan bị mòn hoặc bị gãy, chất hoá học sẽ thoát ra và những người thợ dễ dàng nhận biết kịp thời. Ý tưởng sáng tạo mới được đưa ra: Kiểm tra thông qua mùi. (trước đó người ta đã dùng hệ thống thông báo sự cố bằng âm thanh, ánh sáng (đèn nhấp nháy).
Mức 5: Sáng tạo ra nguyên lý hoạt động mới, trước đây chưa có.
Ví dụ: Từ thuyền chèo tay sang thuyền buồm, sang tàu thuỷ máy hơi nước có sự chuyển nguyên lý hoạt động này sang nguyên lý hoạt động khác.
Theo tiêu chí “sử dụng kiến thức”:
Ở mức 1: Sử dụng kiến thức của nghề, nơi bài toán này sinh ra là đủ để giải bài toán.
Ở mức 2: Sử dụng kiến thức của ngành chứa nghề, nơi bài toán này sinh ra.
Ở mức 3: Sử dụng kiến thức của bộ môn khoa học là cơ sở của ngành.
Ở mức 4: Sử dụng kiến thức bộ môn khoa học không phải là khoa học cơ sở.
Ở mức 5: Sử dụng kiến thức tổng hợp của nhiều bộ môn khoa học.
Như vậy, sáng tạo càng ở mức cao càng đòi hỏi kiến thức rộng. Nếu chỉ quan tâm đến kiến thức chuyên ngành hẹp thì khó đạt được mức sáng tạo cao. Và những người nào có khả năng chuyển những ý tưởng từ lĩnh vực này sang dùng được ở lĩnh vực khác thì thường đạt được mức sáng tạo cao hơn những người khác.
Theo tiêu chí “tính ích lợi” đối với nhân loại: Mức sáng tạo càng cao, ích lợi đối với nhân loại càng lớn. Ví dụ, các sáng tạo ở mức 5, trên thực tế, tạo ra những bước ngoặc trong lịch sử nhân loại.
Theo tiêu chí “số lượng người tham gia giải bài toán”: Mức khó của bài toán càng cao, số lượng người tham gia giải bài toán càng lớn.
Theo tiêu chí “Thời lượng dùng để giải bài toán”: Mức khó của bài toán càng cao, thời lượng giải bài toán càng kéo dài.
Theo tiêu chí “Chi phí” (trong đó có tiền) dùng để giải bài toán: Mức khó của bài toán càng cao, chi phí giải bài toán càng lớn.
Theo tiêu chí “Tính ích lợi” cho tác giả của một sáng tạo: Thực tế cho thấy, mức sáng tạo càng cao, ích lợi (kể cả quy ra tiền) cho tác giả của sáng tạo dó càng đến chậm và càng ít và ngược lại, vì mức sáng tạo cao thì càng khó nhanh chóng ứng dụng ngay được vào thực tiễn, trong khi đó chỉ khi thực tiễn cuộc sống tiếp nhận thì mới thu được ích lợi, kể cả tiền. Ví dụ, những sáng tạo mức thấp theo triết lý Kaizen (các cải tiến nhỏ và liên tục) của Nhật bản (những cải tiến trên cơ sở công nghệ đổi mới (sáng tạo mức cao) mà Nhật bản đã mua lại của phương Tây đã đem lại cho nước Nhật nhiều tiền để trở thành nền kinh tế đứng thứ hai thế giới.
Nhìn chung, các sáng tạo ở mức thấp, chủ yếu phụ thuộc vào năng lực cá nhân. Còn đối với các mức sáng tạo càng cao thì chúng không chỉ phụ thuộc vào năng lực cá nhân, mà phụ thuộc nhiều hơn vào môi trường (để có thể có điều kiện có kiến thức rộng, có điều kiện, kinh phí giải bài toán, có được sự hợp tác tốt của đồng nghiệp…).
Năm mức sáng tạo nêu trên là những sáng tạo có tính mới thế giới và thuộc lĩnh vực sáng tạo sáng chế.
Phan Dũng gọi những sáng tạo có tính mới riêng cho cá nhân người sáng tạo (chứ chưa phải là mới đối với nhân loại), ví dụ, những sáng tạo trong học tập, trong giải quyết các vấn đề khác nhau của cuộc sống như nuôi dạy con, giải quyết các xung đột gia đình… là sáng tạo mức “không” hay mức “zero”. Với sáng tạo mức “zero” thì ích lợi đến với chủ thể nhanh nhất và nhiều nhất. Vì vậy không nên coi thường những sáng tạo mức “zero”.
Hoa Lê (còn nữa)