ĐỌC SÁCH: TUYỂN TẬP TÂM LÝ HỌC CỦA L.X. VƯGỐTXKI

14/11/2011

(Tamly) - L.X. Vưgốtxki (1896-1934) là nhà tâm lý học người Nga. Ông là người đặt nền móng cho tâm lý học hoạt động là nền tâm lý học lấy khái niệm hoạt động trong học thuyết Mác- xít làm khái niệm công cụ then chốt nhất để đưa nền tâm lý học thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, bế tắc do đường lối duy tâm, nội quan, thần bí hoá tâm lý người, và đường lối duy vật máy móc, sinh vật hoá tâm lý người, tạo nên hồi cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX..
Tuy chỉ thọ có 38 tuổi - một khoảng thời gian không phải là dài đối với một đời người. Nhưng trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, ông đã cống hiến không chỉ cho nền tâm lý học Xô viết mà cho cả nền tâm lý học thế giới những đóng góp to lớn. Ngày nay tâm lý học thế giới coi ông và Piagiê là hai người sáng lập ra tâm lý học phát triển giữ vai trò then chốt cho lý luận phát triển người nói riêng, cho các khoa học nghiên cứu con người nói chung. Không những thế, các lý thuyết của L.X. Vưgốtxki đã được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới.
Ở nước ta, lý thuyết của L.X. Vưgốtxki đã được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong dạy học (DH). Dưới đây là một số luận điểm của Vưgốtxki và khả năng ứng dụng chúng vào lĩnh vực DH.

Một số luận điểm TLH của Vưgốtxki

* Luận điểm xuất phát và phương pháp nghiên cứu

Khi nói đến việc xây dựng tâm lý học Mácxít, Vưgốtxki đã phát hiện ra sai lầm cơ bản của đa số các nhà tâm lý học thế kỷ XX ở chỗ họ chỉ tiếp cận nhiệm vụ, coi nhiệm vụ có tính chất phương pháp là chủ yếu, còn điểm xuất phát lại từ lý thuyết tâm lý học cụ thể, gắn các luận điểm cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng với các lý thuyết đó bằng liên từ "và´. Vưgốtxki đã vạch ra sai lầm mang tính chất nguyên tắc của cách tiếp cận đó trong tác phẩm "Ý nghĩa lịch sử của khủng hoảng tâm lý". Ông chỉ rõ tâm lý học, hiển nhiên là khoa học có tính chất cụ thể. Mỗi lý thuyết khoa học đều có cơ sở triết học. Cơ sở triết học này khi ẩn, khi hiện. Vì thế, nếu không xây dựng lại nền tảng tâm lý học thì không được lấy kết quả sẵn có của nó để liên kết với các luận điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Chính vì vậy cần phải xây dựng một nền tâm lý học dựa trên cơ sở triết học Mácxít.

Toàn bộ sự nghiệp khoa học của ông được xuất phát từ hai giả thuyết: Về tính chất gián tiếp của các chức năng tâm lý người thông qua công cụ ký hiệu về nguồn gốc của các chức năng tâm lý cấp cao bên trong là từ hoạt động vốn lúc đầu ở bên ngoài, trong hoạt động thực tiễn và giao tiếp xã hội. Trên thực tế L.X. Vưgốtxki nghiên cứu tâm lý người bắt đầu từ các hoạt động thực tiễn của cá nhân. Tuy nhiên ông không chú ý nhiều đến bản thân hoạt động, mà tập trung vào công cụ của nó. Từ đó, xây dựng các nguyên tắc có tính chất phương pháp luận và các phương pháp cụ thể trong nghiên cứu tâm lý trẻ em: Nguyên tắc lịch sử - phát sinh; nguyên tắc gián tiếp thông qua công cụ; phương pháp phân tích theo đơn vị; phương pháp mang tính chất công cụ và phương pháp kích thích kép.

* Công cụ tâm lý và vai trò của nó đối với việc hình thành các chức năng tâm lý cấp cao ở trẻ em.

Trong chính trị kinh tế học, C.Mác đã nêu bật vai trò của công cụ, tính chất gián tiếp của hoạt động đến đối tượng thông qua công cụ. Chuyển vào trong tâm lý học, L.X Vưgốtxki cho rằng, trong các quá trình thuận lợi của con người có một phần tử gián tiếp đóng vai trò công cụ tâm lý đặc thù, giống như công cụ kỹ thuật trong hoạt động lao động. Về hình thức, công cụ tâm lý là các ký hiệu đa dạng, có thể là ngôn ngữ, các thủ thuật ghi nhớ, ký hiệu đại số, sơ đồ, bản vẽ, các quy ước,... nhưng chúng có điểm chung: Đều do con người sáng tạo ra, là cái chứa nghĩa xã hội và đóng vai trò là công cụ thuận lợi trong các quá trình hành vi của con người, L.X Vưgốtxki gọi đó là công cụ ký hiệu. Trong học thuyết của L.X Vưgốtxki, khái niệm công cụ ký hiệu là chìa khoá để giải quyết hàng loạt vấn đề về sự phát triển tâm lý trẻ em: Cấu trúc và bản chất xã hội của các chức năng tâm lý cấp cao; nguồn gốc, hướng, cơ chế và quy luật hình thành chúng trong đời sống cá nhân.

L.X Vưgốtxki phân chia các chức năng tâm lý trẻ em thành hai trình độ: Chức năng tâm lý cấp thấp (CNTLCT) và chức năng tâm lý cấp cao ( CNTLCC). CNTLCT (trình độ tự nhiên) được đặc trưng bởi quan hệ trực tiếp giữa kích thích của đối tượng (A) với phản ứng của cá thể (B), tạo nên cấu trúc 2 thành phần: kích thích  phản ứng (Cấu trúc này có cả ở động vật và người). CNTLCC (trình độ văn hoá) được đặc trưng bởi quan hệ gián tiếp giữa kích thích (A) với phản ứng (B) thông qua kích thích phương tiện (X), tạo nên cấu trúc 3 thành phần A  X và X  B. CNTLCC chỉ có ở người, là trình độ tự nhiên nhưng có sự tham gia của công cụ ký hiệu. Giống như công cụ kỹ thuật tham gia vào hoạt động thực tiễn, quy định hình thức và cấu trúc lại toàn bộ các thao tác của lao động, công cụ ký hiệu tham gia vào quá trình hành vi, làm thay đổi toàn bộ diễn biến của hành vi, tái tạo, sắp xếp lại toàn bộ cấu trúc của nó bằng tính chất của mình, tạo ra một thể trọn vẹn mới - hành động mang tính chất công cụ. Do ký hiệu công cụ có nội dung xã hội và là đại diện của mỗi nền văn hoá nhất định, nên các CNTLCC mang nội dung văn hóa - xã hội, có tính lịch sử - cụ thể.

*Các quy luật phát triển của trẻ em.

L.X Vưgốtxki cho rằng, cái quy định sự phát triển của trẻ em là quan hệ độc đáo, đặc thù giữa trẻ em với hiện thực bao quanh nó, trước hết là quan hệ xã hội. Ông gọi quan hệ đó là hoàn cảnh xã hội của sự phát triển trong mỗi độ tuổi. Động lực của sự phát triển trẻ em chính là sự phủ định, phá vỡ cơ sở phát triển của cả độ tuổi, tức là phá vỡ, phủ định hoàn cảnh xã hội của sự phát triển, thiết lập hoàn cảnh xã hội mới, cơ sở mới. Quy luật sự phát triển của trẻ em thực chất là quy luật thiết lập các quan hệ giữa trẻ em với hoàn cảnh xã hội của sự phát triển. Có ít nhất 3 quy luật chi phối quá trình này:

Quy luật cơ bản, đầu tiên là quy luật chuyển từ các CNTLCT thành các CNTLCC, chuyển từ hình thức và phương pháp hành vi trực tiếp, tự nhiên sang các chức năng tâm lý gián tiếp, nhân tạo trong quá trình phát triển văn hóa. Sự hình thành các CNTLCT theo con đường tiến hoá, từ dưới lên, còn CNTLCC theo con đường lĩnh hội, từ trên xuống, từ ngoài vào, trên cơ sở cải tổ các CNTLCT, nhờ sử dụng các công cụ ký hiệu. Nguồn gốc của các hoạt động ký hiệu không phải tuân theo con đường phát sinh cá thể mà là sản phẩm của một hệ thống các quan hệ xã hội, các hành vi có tính chất tập thể và hợp tác xã hội. Quy luật cơ bản và quan trọng nhất của hoạt động ký hiệu là: "Bất kỳ hoạt động ký hiệu nào của trẻ em bao giờ cũng là hình thức xã hội của sự hợp tác và trong toàn bộ quá trình phát triển cho đến điểm cao nhất của nó, vẫn bảo toàn phương thức vận hành mang tính chất xã hội. Lịch sử các CNTLCC là lịch sử chuyển các phương tiện tổ chức tâm lý cá nhân. Quá trình hình thành các CNTLCC ở trẻ em thực chất là quá trình trẻ em lĩnh hội kinh nghiệm xã hội - lịch sử được kết tinh trong các công cụ ký hiệu do loài người sáng tạo ra, là quá trình trẻ học cách sử dụng các công cụ ký hiệu đó, biến chúng từ chỗ là phương tiện của giao tiếp xã hội ở bên ngoài thành phương tiện tâm lý của cá nhân ở bên trong.

Quy luật thứ 2 phản ánh quan hệ đặc trưng của cá nhân với xã hội. Quan hệ giữa các CNTLCC không bao giờ là quan hệ trực tiếp vật chất (vật lý) giữa cá thể người với người, chúng là các hình thức hành vi xã hội mang tính chất tập thể, trong quá trình phát triển đã trở thành phương tiện thích ứng của cá nhân, các dạng hành vi và tư duy cá nhân. Nói cách khác, các CNTLCC xuất hiện từ các hình thức hành vi xã hội mang tính tập thể.

Quy luật thứ 3 là quy luật phát sinh xã hội của các dạng hành vi cấp cao. Quy luật cơ bản của quá trình này là: Bất kỳ CNTLCC của trẻ em trong quá trình phát triển đều được thể hiện hai lần: Lần đầu là hoạt động tập thể, hoạt động xã hội, là chức năng tâm lý bên ngoài; Lần thứ hai là hoạt động cá nhân, là chức năng tâm lý bên trong.

Thực ra, quy luật hình thành phát triển trẻ em cũng chính là quy luật hình thành các CNTLCC. Những cấu trúc tâm lý này không phải là cái gì khác, mà là quan hệ của trật tự xã hội được đưa vào nhân cách, tạo ra cơ sở cấu trúc xã hội của nhân cách con người. Chúng là các quy luật chuyển chức năng tâm lý bên ngoài vào bên trong sự phát triển trẻ em. Trong các quy luật này, Vưgốtxki đặc biệt nhấn mạnh vai trò của ký hiệu với tư cách là công cụ tâm lý quy định tính chất xã hội - lịch sử của các chức năng tâm lý và nhấn mạnh vai trò quyết định của hoạt động hợp tác giữa trẻ em với người lớn thông qua công cụ ký hiệu.

NH.