Lịch sử của Sáng tạo học (hay Khoa học sáng tạo):
Demacritus (sống khoảng từ năm 460 đến 370 trước công nguyên) và Aristotle (384 -322 trước công nguyên) đã xây dựng các quy tắc để có được những cái mới nhờ lập luận đúng trong lĩnh vực logic học.
Archimedes (287 – 212 trước công nguyên), ngoài những công trình về toán và lý, còn là tác giả của các phương pháp giúp tạo ra các đối tượng mới từ những thành phần chuẩn. Trong số đó phải kể đến trò chơi gồm 14 miếng có hình dạng khác nhau làm thành tư ngà voi mà khi thay đổi cách sắp xếp có thể nhận được nhiều đối tượng như mũ, dao găm, thuyền…
Theo G.Polya, vào khoảng năm 300, Pappos – nhà toán học Hy lạp nổi tiếng, trong tập 7 của tác phẩm “Tuyển tập toán học” của mình đã nói về khoa học được đặt tên là Heuristics (Heuristics có gốc là từ Eureka – Tìm ra rồi). Pappos cho rằng Heuristics có mục đích nghiên cứu tư duy sáng tạo, nhận thức các quy luật của nó và xây dựng các phương pháp, quy tắc làm các phát minh và sáng chế.
Sau Pappos, nhiều nhà khoa học như Descartes, Bolzano, Leibnitz, Poincaré… đã cố gắng phát triển tiếp Heuristics để xây dựng nó thành hệ thống kiến thức hoàn chỉnh về quá trình giải quyết vấn đề, về hoạt động của tư duy… Tuy nhiên, khoa học này đã bị lãng quên và đến giữa thế kỷ 20 nó mới lại được nhớ đến và chuyển sang thời kỳ phát triển mới.
Ở Mỹ, thời kỳ mới này được đánh dấu bằng lời phát biểu của J.P.Guilford năm 1950 trong tư cách chủ tịch Hiệp hội tâm lý học Hoa kỳ, J.P.Guilford kêu gọi Hiệp hội này cần tập trung các nỗ lực nghiên cứu sáng tạo. Năm 1954, tại Buffalo, bang New York, Alex Osborn – tác giả của phương pháp não công (brainstorming) thành lập Tổ chức giáo dục sáng tạo (Creative Education Foundation – CEF). Từ năm 1955 đến nay, CEF hàng năm tổ chức những khoá học với tên gọi Trường giải quyết vấn đề mang tính sáng tạo (Creative Problem Solving Institute – CPSI). Từ năm 1972, CEF xuất bản Bản tin hàng tháng với tên gọi Sáng tạo trong hành động (Creativity in action). Năm1967 Trung tâm nghiên cứu sáng tạo (Center for Studies in Creativity – CSC) được thành lập ở Đại học Buffalo. Năm 1974 CSC bắt đầu đào tạo cử nhân và năm 1975 đào tạo thạc sỹ khoa học về sáng tạo và đổi mới. Hiện nay Mỹ là nước có số lượng các nhà chuyên môn, trung tâm, công ty, tổ chức, đại học hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo và đổi mới nhiều nhất thế giới.
Ở Tây Âu, Edward de Bono (người gốc malta, có bằng tiến sĩ tâm sinh lý học ở Anh) – tác giả của các phương pháp sáng tạo như tư duy chiều ngang, sáu chiếc mũ tư duy – thành lập công ty nghiên cứu nhận thức năm 1969 ở Cambridge và sau đó là Trung tâm nghiên cứu tư duy. Năm 1997, tại đại học Malta, ông khởi xướng đào tạo thạc sĩ nghệ thuật về sáng tạo và đổi mới. Theo Tudor Rickards, Đại học Tây Âu đầu tiên dạy chương trình sáng tạo và đổi mới là Trường Kinh doanh Manchester ở Anh, năm 1972. Bắt đầu từ năm 1994, tại Đại học Santiago de Cômpstela có Chương trình đào tạo thạc sĩ quốc tế dành cho những người nói tiếng Tây Ban Nha với tên gọi Thạc sĩ về sáng tạo ứng dụng toàn diện.
Ở Liên Xô nổi lên là Trường phái của G.S. Altshuller – tác giả của lý thuyết giải các bài toán sáng chế (Viết tắt khi chuyển sang ký tự Latinh là TRIZ). Lý thuyết này được bắt đầu xây dựng từ năm 1946. Altshuller cộng tác với Hiệp hội toàn liên bang của các nhà sáng chế thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu và áp dụng các phương pháp sáng chế vào năm 1968 và Học viện công cộng về sáng chế năm 1971.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, TRIZ mới được phương Tây biết đến và được tiếp nhận một cách nhanh chóng và sâu rộng do nó có nhiều ưu điểm. Ngày nay, thuật ngữ tiếng Nga viết theo ký tự Latinh này đã trở thành thuật ngữ quốc tế dùng cho cả thế giới. Mỹ du nhập TRIZ vào năm 1991 và nhanh chóng nhận thấy đây là “công nghệ mới mang tính cách mạng được đưa vào nước Mỹ”. Chỉ chưa đầy 10 năm, mỹ đã làm được nhiều việc như: đi học TRIZ, lôi kéo các chuyên gia TRIZ của Nga sang Mỹ, dịch các sách về TRIZ từ tiếng Nga sang tiếng Anh, xuất bản tạp chí TRIZ từ tháng 11/1996, thành lập Viện TRIZ ở California, Viện mang tên Altshuller nghiên cứu TRIZ tại Massachussets, Đại học TRIZ… Nhiều nước khác như Anh, Đức, Thuỵ Điển, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng ngày càng quan tâm đến TRIZ.
Như vậy, tên cổ điển của Sáng tạo học là Heuristics, còn tên hiện đại là Creatology.
Từ nửa sau của thế kỷ 19 bắt đầu xuất hiện những nghiên cứu của tâm lý học sáng tạo, nghiên cứu quá trình giải quyết vấn đề và ra quyết định. Từ đó Tâm lý học tư duy sáng tạo được xem là cơ sở, hạt nhân của sáng tạo học.
Các nghiên cứu của tâm lý học sáng tạo đi theo nhiều hướng. Ở thời kỳ đầu người ta tập trung vào những cá nhân có nhiều thành tích sáng tạo để xem họ có những điểm gì khác biệt so với những người khác về bẩm sinh, di truyền, các thói quen, các kinh nghiệm… Có nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa một số bệnh lý và các loại hình tài năng, thành phần máu của một số người, các thói quen chủ quan tạo cảm hứng sáng tạo của một số người như Puskin, Balzac thích uống cà phê đen, Schiller thích để táo ủng trong ngăn kéo bàn vì mùi của nó kích thích ông làm việc… Hướng nghiên cứu khác là nghiên cứu thực nghiệm: nghiên cứu quá trình suy nghĩ sáng tạo giải quyết vấn đề trong các điều kiện phòng thí nghiệm. Một hướng khác là nghiên cứu các yếu tố, quá trình tâm lý, các kiểu suy nghĩ đóng vai trò quan trọng trong tư duy sáng tạo như ngôn ngữ, ký hiệu, hình vẽ, liên tưởng, trí tưởng tượng, linh tính, tư duy phân kỳ (Divergent Thinking), tư duy hội tụ (Convergent Thinking)…
Những nghiên cứu trong các ngành khoa học kỹ thuật như lý thuyết hệ thống, thông tin, điều khiển học, máy tính điện tử… cũng có nhiều đóng góp cho sự phát triển của sáng tạo học.
Sáng tạo học có đối tượng nghiên cứu và tác động là tư duy sáng tạo (quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định) của con người, phát động các quy luật của tư duy sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng và phát triển các phương pháp nhằm hoàn thiện tư duy sáng tạo.
Hoa Lê (còn nữa)