Bộ sách �sáng tạo và đổi mới� của Phan Dũng (Bài 1)

04/11/2011

(Tamly) - Một trong những điểm thu hút sự chú ý của nhiều độc giả đối với bộ sách là tính ứng dụng cao của những gì được trình bày trong bộ sách. Vì vậy, những ai quan tâm đến sáng tạo và đặc biệt, mong muốn có được những sáng tạo trong thực tiễn cuộc sống và trong công việc thì nên tham khảo bộ sách này.

Bộ sách “Sáng tạo và đổi mới” của tác giả Phan Dũng gồm 7 quyển, được xuất bản bởi Nhà xuất bản Trẻ, năm 2010. Trong bộ sách này tác giả đã trình bày quan điểm về sáng tạo của G.S. Alshuller - tác giả của lý thuyết giải các bài toán sáng chế (viết tắt khi chuyển sang ký tự Latinh là TRIZ), đồng thời cũng là thày của tác giả và những đóng góp, thu hoạch của bản thân tác giả sau nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy về sáng tạo. Một trong những điểm thu hút sự chú ý của nhiều độc giả đối với bộ sách là tính ứng dụng cao của những gì được trình bày trong bộ sách.

Với một số bài trên trang Webssite Tamly.com.vn, xin chia sẻ cùng những người quan tâm về một số nội dung mà với tôi, chúng rất có ích.

Trước hết, tác giả Phan Dũng bàn về phương pháp luận sáng tạo và đổi mới (PPLST&ĐM). Theo tác giả, đó là bộ môn khoa học liên ngành, có các khái niệm của mình và các khái niệm lấy từ các khoa học khác.

Tác giả đưa ra một số khái niệm, mà theo tôi, độc giả cần tìm hiểu khi đọc bộ sách này.

Khái niệm phương pháp và phương pháp luận.
Phương pháp được hiểu là cách thức, quá trình thực hiện một công việc nào đó với hiệu quả cao, là cách đạt mục đích.
- Phương pháp luận: thường hiểu theo hai nghĩa: 1) Khoa học về phương pháp; 2) Hệ thống (tập hợp) các phương pháp dùng trong một khoa học hoặc trong một lĩnh vực nào đó.
Trong bộ sách PPLST&ĐM, Phan Dũng dùng theo nghĩa thứ 2.

Theo ông, PPLST&ĐM là hệ thống các công cụ dùng để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, là hệ thống các phương pháp của bộ óc để thực hiện việc biến đổi thông tin thành tri thức, tri thức đã biết thành tri thức mới với năng xuất, hiệu quả và tính điều khiển cao. Điều cần nhấn mạnh là trong PPLST&ĐM, tư duy được đề cập đến phải là tư duy hướng tới hành động, chứ không phải tư duy vị tư duy.

Tác giả đã đưa ra quan niệm về sáng tạo. Sáng tạo (Creativity) là hoạt động tạo ra bất kỳ cái gì có đồng thời tính mới và tính ích lợi. Tính mới được hiểu là bất kỳ sự khác biệt nào của đối tượng cho trước so với đối tượng tiền thân của nó (đối tượng cùng loại ra đời trước đó về mặt thời gian). Tính ích lợi do tính mới tạo ra có thể rất đa dạng như tăng năng xuất, hiệu qủa, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, giảm giá thành, có thêm chức năng mới, sử dụng thuận tiện hơn, tạo thêm các xúc cảm, thẩm mỹ tốt… Cần lưu ý rằng tính ích lợi chỉ thể hiện ra khi đối tượng cho trước “làm việc” theo đúng chức năng và trong phạm vi áp dụng của nó.

Tính mới và tính ích lợi có thể được hiểu ở những cấp độ khác nhau: ở cấp độ đối với cá nhân và/hoặc đối với xã hội, nhân loại.

Vấn đề hay còn gọi là bài toán, là tình huống, ở đó người giải biết mục đích cần đạt, nhưng:
+ Chưa biết cách đạt đến mục đích; hoặc
+ Chưa biết cách tối ưu đạt đến mục đích trong một số cách đã biết.
Vì vậy, vấn đề có thể là câu hỏi chưa có câu trả lời, các bài tập các loại phải giải khi đi học, lựa chọn nghề nghiệp chuyên môn để được đào tạo, xin việc làm, tìm nhà ở, thu nhập, mua sắm, hôn nhân, nuôi dạy con, chăm sóc sức khoẻ… Cuộc đời của mỗi người là chuỗi các vấn đề cần phải giải quyết, chuỗi các quyết định cần phải đưa ra .

Quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định còn gọi là tư duy sáng tạo với nghĩa sau:
+ Tư duy (suy nghĩ) sáng tạo (Creative Thinking) là quá trình suy nghĩ đưa người giải: 1) Từ không biết cách đạt mục đích đến biết cách đạt mục đích; hoặc 2) Từ không biết cách tối ưu đạt mục đích đến biết cách tối ưu đạt mục đích trong một số cách đã biết.

Đổi mới (Innovation): là quá trình thực hiện tạo ra cái mới sao cho các hệ thống liên quan tiếp nhận cái mới đó một cách đầy đủ, ổn định và bền vững để các hệ liên quan hoạt động tốt hơn.

Khái niệm “Đổi mới” gần giống khái niệm sáng tạo ở chỗ nó có đồng thời tính mới và tính ích lợi. Tuy vậy, nó được tách ra để nhấn mạnh hai điểm:
+ Quá trình thực hiện bao gồm tư duy, hành động chân, tay của nhiều người và sử dụng nguồn lực như vốn, nguyên vật liệu, trang thiết bị, năng lượng, kiến thức…
+ Tiếp nhận cái mới đó một cách đầy đủ, ổn định và bền vững.

Toàn bộ quá trình giải quyết vấn đề, nhìn theo thời gian, có thể chia thành sáu giai đoạn sau:
1) Xác định tình huống vấn đề xuất phát ưu tiên cần giải.
2) Xác định cách tiếp cận đối với tình huống vấn đề xuất phát ưu tiên (hay còn gọi là xác định bài toán cụ thể đúng cần giải).
3) Tìm thông tin giải bài toán.
4) Tìm ý tưởng giải bài toán.
5) Phát triển ý tưởng thành thành phẩm.
6) Áp dụng thành phẩm vào hệ thực tế.

Tác giả nhấn mạnh rằng, sáng tạo không phải vị sáng tạo, mà sáng tạo vị đổi mới hoàn toàn. Theo tác giả, phát triển có logic của nó. Logic này mang tính khách quan, được thể hiện trong các quy luật phát triển ở các mức độ cụ thể - khái quát khác nhau. Logic của sự phát triển cũng chính là logic của sáng tạo và đổi mới. Có nghĩa là, về nguyên tắc, con người chủ quan phải có logic suy nghĩ phù hợp với logic khách quan của sự phát triển thì mới có thể đật được năng xuất và hiệu quả

Các sáng tạo của con người khởi đầu mang tính cá nhân rất lớn, xuất phát từ nhu cầu cá nhân và nhằm thoả mãn các nhu cầu cá nhân. Nhìn từ góc độ này, có thể phân thành hai loại sáng tạo: 1) Sáng tạo nhằm nhận thức (biết, hiểu, giải thích…) và 2) Biến đổi (cải tạo…) hiện thực khách quan cũng như chính bản thân người sáng tạo. Loại sáng tạo thứ nhất thuộc về phát minh (Discovery) và loại sáng tạo thứ hai thuộc về khái niệm sáng chế (Invention).

Khởi đầu, phát minh, theo nghĩa rộng nhất, được hiểu là hoạt động phát hiện (mới) của con người ra đối tượng (bất kỳ cái gì) tồn tại có sẵn trong hiện thực khách quan, độc lập với con người như vùng đất mới, loài vật mới, ngôi sao mới… Sau này, khi các khoa học hình thành và phát triển, khái niệm phát minh thường được dùng để chỉ những phát minh khoa học lớn trong những ngành khoa học cơ bản.

Sáng chế, theo nghĩa rộng nhất, là hoạt động của con người tạo ra đối tượng không tồn tại sẵn có trong hiện thực khách quan.

Bình thường, đa số mọi người giải quyết vấn đề theo cách “Thử và sai” (Trial and Error method). Phương pháp này có những ưu điểm sau:
- Không cần phải học khi ở những vấn đề xuất phát chưa có tiền lệ
- Thích hợp với những bài toán mà số lời giải có thể có ít và chi phí cho mỗi phép thử không đáng kể, chấp nhập được.

Nhưng nó có những nhược điểm sau:
- Lãng phí lớn.
- Tính ì tâm lý cản trở sáng tạo.
- Năng xuất phát ý tưởng thấp.
- Các tiêu chuẩn đánh giá “đúng”, “sai” hoặc không có, hoặc có thì mang tính chủ quan và ngắn hạn.
- Thiếu cơ chế định hướng từ bài toán đến lời giải.

Chú thích: có thể tìm đọc những vấn đề nêu trên trong quyển 1 của bộ sách có tên là “Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới”

Hoa Lê (còn nữa)