Ở tuổi thiếu niên là thời kỳ phức tạp đánh dấu sự chuyển từ tuổi ấu thơ sang tuổi người lớn bao hàm nhiều biến đổi quan trọng về các mặt tâm sinh lý và xã hội. Năng lực nhận thức của thiếu niên phát triển gần với tư duy của người lớn, thuộc phạm trù "hình thức´ cho phép thao tác những khái niệm trừu tượng có thể đảo ngược hoàn toàn trong lôgíc thực hành. Cha mẹ ly hôn vào lúc con ở lứa tuổi thiếu niên thì trẻ sẽ không đặt ra vấn đề phải tìm hiểu sự việc như giai đoạn trước, diễn biến tâm lý của con cái lứa tuổi này ít phát sinh vấn đề hơn. Vì đây là lúc quan hệ tương tác cha mẹ - con cái không còn như trước. Con càng ngày càng xa lánh bố mẹ. Nếu bố mẹ tái hôn có thể đẩy trẻ vào cảnh đối nghịch với bố dượng hay là mẹ kế. Trẻ có thể bứt khỏi gia đình để đi theo nhóm bạn bè có nét giống nó.
Chương VI của cuốn sách có đề cập đến vị trí của trẻ em trong gia đình. Để nắm bắt được những hậu quả của việc ly hôn đối với trẻ cần xem lại vị trí của trẻ trong mối quan hệ với gia đình và gia đình cũng là một bộ phận của xã hội. Sự phát triển tâm lý của trẻ không thể tách rời quan hệ của nó với tư cách là một thành viên xã hội được thiết lập ngay từ khi mới đẻ.
Hiện nay tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng đòi hỏi phải tăng cường chất lượng quan hệ gia đình (theo nghĩa rộng - gia đình lớn với ông bà, chú bác, nội ngoại) để giúp trẻ trưởng thành về mặt tâm lý và xác lập được chỗ đứng trong xã hội. Bên cạnh quan hệ dòng tộc thì quan hệ mẹ con, quan hệ cha con là trục chính trong các quan hệ, nó ảnh hưởng phần lớn tới quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Nếu quan hệ này không được xác lập một cách tích cực - người mẹ và người cha không làm tròn bổn phận của mình, xác lập quan hệ một cách thái quá thì việc dẫn đến lệch lạc trong nhân cách của trẻ là điều không thể tránh khỏi. Đặc biệt là khi bố mẹ ly hôn nếu quan hệ mẹ con quấn quýt với nhau trong một thời gian quá dài, đứa trẻ có thể trở thành "cục bướu của mẹ" không thích hợp với sự phát triển cá nhân của trẻ.
Như vậy, ở phần II này đã cho thấy tình huống ly hôn có gắn với các giai đoạn phát triển của trẻ. Ở từng giai đoạn việc ly hôn có ảnh hưởng khác nhau tới trẻ và việc ly hôn cũng ảnh hưởng nhiều tới quan hệ của trẻ đối với gia đình dòng họ, đối với bố mẹ. Trong hoàn cảnh đó tiếng nói của trẻ có được cha mẹ chú ý hay không lại liên quan đến khuôn khổ của gia đình chia ly hay đoàn tụ. Song dù thế nào cũng không nên đặt cho lời nói của trẻ có một sức mạnh quá đáng, sức mạnh toàn năng, vì điều này không đem lại an toàn cho nó. Sử dụng lời nói của trẻ và đặt nó vào vị trí đối tượng người nghe tức là cha mẹ đã giúp nó trưởng thành dưới sự che chở của họ.
Rõ ràng, khi cha mẹ ly hôn sẽ dẫn đến những khó khăn tâm lý cho trẻ. Đây là điều không thể tránh khỏi. Làm thế nào để phòng ngừa những khó khăn tâm lý xuất hiện ở trẻ khi bố mẹ ly hôn. Đây là nhiệm vụ của những nhà chuyên môn. Nhiệm vụ của các bác sỹ nhi khoa đã được nêu lên hàng đầu trong phần IV. Các tác giả cho rằng sự xuất hiện các rối loạn tâm lý ở đứa trẻ sau khi cha mẹ ly hôn không phải là không tránh được. Sự hiểu biết các nhân tố tiêu cực (như mâu thuẫn giữa người cha và người mẹ hay sự bỏ rơi của một bên cha, mẹ) là cần thiết để ngăn ngừa những rối loạn đó và hướng dẫn công việc cho những người tiếp xúc làm việc với đứa trẻ, các bậc cha mẹ và những nhà chuyên môn về công tác trẻ em.
Qua các công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các trẻ em trai từ 3 đến 4 tuổi có cha mẹ ly hôn có khuynh hướng khá rõ về tính xúc động, hơi ương bướng (khó vâng lời người lớn) và khó kiểm soát những xung động của nó. Đến tuổi lên 7 trẻ có thêm tính hay cáu gắt và đi tìm giới hạn trong quan hệ của nó với người lớn. Còn đối với trẻ em gái 3 tuổi việc cha mẹ ly dị không ảnh hưởng đến tâm trạng các em. Lên 4 tuổi các em gái tỏ ra kín đáo hơn, dễ dàng tách mình ra khỏi nhóm của nó. Lên 7 tuổi xu hướng khép mình lại xa lánh mọi người trở nên rõ rệt hơn. Một cách tổng quát so với các trẻ em trai, các em gái có ít phản ứng hơn đối với sự xáo trộn xảy ra trong gia đình.
Các tác giả kết luận những ứng xử thuộc loại cáu gắt phải được quan tâm sớm ở trẻ em trai vì chúng tác động nhanh hơn đến sinh hoạt gia đình và nhà trường. Còn với các trẻ em gái thì những biểu hiện kín đáo tự khép mình trong đời sống nội tâm là đáng báo động. Sự ức chế càng nghiêm trọng nếu không được người lớn chú ý sớm.
Như vậy, việc phòng ngừa những rối nhiễu tâm lý cho trẻ phải được thực hiện từ rất sớm và thường xuyên kể cả khi cha mẹ chưa có quyết định ly hôn. Còn khi cha mẹ đã ly hôn rồi và những rối nhiễu đã xảy ra thì việc can thiệp của các nhà chuyên môn là rất cần thiết. Đây cũng chính là nội dung chính của phần IV trong cuốn sách. Các tác giả đề cập đến tất cả các mức độ can thiệp: từ việc giúp đỡ các bậc cha mẹ một cách cá nhân như gặp gỡ trò chuyện cùng cha mẹ. Việc gặp gỡ trò chuyện cùng cha mẹ không phải để chứng tỏ sự thành thạo hơn người của các nhà chuyên môn, mà mục đích là sử dụng sự hiểu biết để giúp các cặp vợ chồng vượt qua cơn khủng hoảng mà họ đang phải đối mặt. Nhưng sự giúp đỡ này không phải là thay họ giải quyết vấn đề mà là giúp họ đối diện với vấn đề của mình và tự họ tìm ra phương thức giải quyết. Nhà chuyên môn không được xen vào nội dung các nhận định của thân chủ mà phải để họ làm chủ những quyết định của mình. Việc gặp gỡ của nhà tư vấn tâm lý với những cặp vợ chồng sắp ly hôn là nhằm tránh những nhầm lẫn nghiêm trọng, đảm bảo cho hai bên lắng nghe ý kiến của nhau và giúp cho khủng hoảng trong gia đình không đi xa hơn. Và nếu việc gặp gỡ trao đổi với họ không thể cứu vãn được tình thế ly hôn thì công tác hoà giải phải được tính đến. Tuy nhiên, trong khi thực hiện hoà giải phải tránh không nên bị lôi cuốn vào những việc mà kết quả thất bại đã thấy trước và phải nhắc lại vấn đề hoà giải viên không phải làm thay phần việc của toà án. Những người làm công tác hoà giải cần đề phòng phỉ báng quyền cha mẹ của thân chủ, hăm doạ thân chủ, quy kết tâm lý. Điều này sẽ gây nên những hậu quả trái ngược với mong đợi của những người làm công tác chuyên môn và khoét thêm những nỗi đau cho những cặp vợ chồng ly hôn.
Tóm lại, cuốn sách Khi cha mẹ ly hôn có thể nói là một bức tranh khá đầy đủ mô tả về việc ly hôn của các cặp vợ chồng. Ở đó hình ảnh của đứa trẻ trong gia đình có cha mẹ ly hôn được mô tả tương đối rõ nét. Từ sự phát triển tâm sinh lý qua các giai đoạn tương ứng với những mẫu ứng xử hành vi mà trẻ có bố mẹ ly hôn trong giai đoạn đó; từ những tổn thương tâm lý mà trẻ gặp phải trước và sau khi bố mẹ ly hôn cho đến những cách phòng ngừa và điều trị để giúp trẻ vượt qua khủng hoảng của gia đình. Kể cả vị trí của trẻ trong gia đình khi còn có cha mẹ đến lúc phải ở với một trong hai người thì vị trí đó có ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý trẻ. Hơn nữa, các tác giả đã khá toàn diện khi kết hợp các kết quả của các công trình nghiên cứu lý thuyết của các tác giả đi trước với việc quan sát thực nghiệm, tư vấn tâm lý để đưa vào đó những ca trị liệu tâm lý do bố mẹ tổn thương. Sự kết hợp này đã bổ sung cho sự thiếu hụt của phương pháp quan sát đơn thuần. Ở đây vai trò của nhà tâm lý trị liệu và bác sĩ nhi khoa - nói cách khác vai trò của những nhà chuyên môn đã được đề cập tương đối rõ nét trong phòng ngừa và khắc phục những hậu quả cho các cặp vợ chồng sau khi ly hôn. Một số phương pháp trị liệu cho cả vợ chồng và con cái đã được đề cập tới trong tác phẩm này.
Tuy nhiên, do khuôn khổ của tác phẩm không phải là lớn, nên những phương pháp trị liệu, những biện pháp khắc phục khó khăn sau khi ly hôn mới được mô tả nhưng chưa đầy đủ, do vậy việc ứng dụng vào trong thực tiễn chắc chắn sẽ có khó khăn.
Mặc dầu vậy những phân tích về mặt tâm lý của trẻ khi bố mẹ ly hôn là điều đáng ghi nhận trong hoàn cảnh nước ta hiện nay khi mà để đưa ra được những kết luận như của các tác giả cũng cần phải có nhiều những nghiên cứu khác mới có thể thực hiện được.
Từ sự phân tích về những tổn thương tâm lý của trẻ sau khi bố mẹ ly hôn chúng tôi thấy rằng:
- Trong khi giải quyết những vụ ly hôn ở những cặp vợ chồng đã có con, các toà án nhất thiết phải tranh thủ ý kiến của các chuyên gia tâm lý nhằm bảo vệ tối ưu quyền lợi cho trẻ. Đặc biệt phải để cho các em có quyền được lựa chọn sống với ai cho dù các em ở bất kỳ lứa tuổi nào, là nam hay là nữ. Sự lựa chọn này được xác định trên cơ sở những tiếp cận chuyên môn của các nhà tâm lý và các nhà cán sự xã hội trong khi làm việc với đứa trẻ. Các nhà tâm lý này không chỉ quan tâm tới đứa con - chuẩn bị là "nạn nhân" của ly hôn của bố mẹ - mà là tìm hiểu đứa trẻ theo một quá trình, từ khi nó sinh ra, những trải nghiệm của nó với bố mẹ, những tình cảm gắn bó cũng như niềm tin mà trẻ có với bố mẹ.
- Ở một số nước trước khi tiến hành đăng ký kết hôn cô dâu và chú rể phải trải qua một lớp tập huấn dành cho những người chồng, người vợ tương lai. Điều đó sẽ giúp họ nhận thức đúng đắn về cuộc sống gia đình và có những kỹ năng sống phòng ngừa ly hôn. Điều này nếu được áp dụng ở Việt Nam thì có lẽ con số ly hôn có khả năng sẽ giảm.
- Các cặp vợ chồng phải cân nhắc kỹ trước khi kết hôn. Đừng vì quá cả nể mà kết hôn bừa bãi. Trong trường hợp không thể sống với nhau được nữa thì cũng nên giải quyết việc chia tay một cách có văn hoá. Không nên lôi kéo con trẻ về phía mình để chống lại đối phương. Không nên chỉ vì muốn hành động và nói cho hả giận trong một thời gian ngắn ngủi nào đó mà để lại những tổn thương tâm lý lâu dài, khó làm dịu đi nỗi đau đã gây nên cho con cái.
- Gia đình họ hàng của trẻ không nên vì tức giận bố/mẹ cháu mà nói xấu họ trước mặt trẻ. Điều đó chỉ càng làm tổn thương trẻ. Hãy quan tâm tới trẻ và lắng nghe trẻ, thông cảm và chia sẻ với trẻ để làm vơi đi phần nào nỗi đau trong tâm hồn trẻ thơ do bố mẹ gây nên.
- Không ai có thể thay thế được vị trí của bố mẹ trong tâm hồn trẻ. Dù trẻ ở với ai đi chăng nữa thì hai bên bố mẹ luôn tạo điều kiện để con cái được gặp gỡ thường xuyên với họ. Bố mẹ nên nhanh chóng thiết lập quan hệ con người xã hội với nhay vì đây là việc làm hết sức thiết thực vì quyền lợi của những đứa con.
Ngọc Hà
(Hết)