Ly hôn là một hiện tượng xã hội để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người chồng, người vợ, đặc biệt là cho những đứa con. Hiện nay tình hình ly hôn tăng rất mạnh. Ở các nước phương Tây "một phần ba các cuộc hôn nhân dẫn tới kết cục ly hôn" (Theo Ouradou, Trường Đại học Tổng hợp Toulouse, Pháp, 1992). Còn ở nước ta, đơn cử số liệu có liên quan đến vấn đề này, ở quận Hai Bà Trưng với 30 vạn dân trên tổng số 72.000 hộ trong giai đoạn từ năm 1987 đến năm 1995, mỗi năm ở quận này có từ 2.200 đến 3000 đôi kết hôn và toà án nhận, giải quyết từ 400-500 vụ kiện ly hôn, bằng 1/5 số vụ đã kết hôn bị tan vỡ (Báo Đại đoàn kết, 1996).
Rõ ràng hiện tượng ly hôn chiếm con số không nhỏ và điều này có ảnh hưởng đối với đời sống vợ chồng cũng như đối với con cái. Những tổn thương về mặt thể chất và tinh thần sau khi ly hôn là điều không thể tránh khỏi. Nó không chỉ ảnh hưởng tới người cha, người mẹ mà còn để lại nhiều chấn thương cho những đứa con. Nghiên cứu về vấn đề này đã có rất nhiều công trình đề cập tới. Trong số đó cuốn "Khi cha mẹ chia tay" của đồng tác giả GS. Gerard Poussin và Elisabeth Martin Lebrun (Người dịch: Nguyễn Văn Sự, NXB Phụ nữ, Hà Nội - 2003) cũng đặt ra nhiều vấn đề để chúng ta phải suy ngẫm.
Cuốn sách được cấu trúc thành 4 phần với 14 chương.
Ở Phần I của cuốn sách đề cập đến Quan hệ giữa cha mẹ và con cái khi ly hôn. Trong phần này các tác giả đã đề cập đến những "rối loạn chức năng trong quan hệ giữa cha, mẹ và con cái khi xảy ra ly hôn".
Theo các tác giả, khi nói "chức năng người cha hay chức năng người mẹ" tức là người ta muốn chỉ những việc cha mẹ phải làm đối với con cái xét theo nhiều góc độ khác nhau của quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Quan hệ giữa cha mẹ và con cái được gọi chung là quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
Nói về rối loạn chức năng làm cha mẹ đối với con cái khi ly hôn là nói đến trong điều kiện mới, vợ chồng con cái không ở chung với nhau nữa, cha mẹ có làm tròn trách nhiệm và quyền hạn của mình đối với con cái không ? Việc thực hiện không đầy đủ chức năng ấy có tác động tâm lý đến con như thế nào ? Làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất tác động tâm lý đến trẻ sau khi bố mẹ ly hôn, v.v... Những vấn đề này được giải quyết trong 4 chương thuộc phần I.
Với tiêu đề Bố mẹ chia tay nhau rồi con ở với ai ở chương I là một câu hỏi làm đau lòng những người làm cha, làm mẹ. Nhưng vượt lên tất cả là nỗi đau của đứa trẻ khi sống với cha thì không có mẹ và ngược lại. Rõ ràng, trong điều kiện bình thường em có quyền được hưởng sự chăm sóc đầy đủ của cả cha lẫn mẹ, nhưng trong hoàn cảnh này bỗng nhiên trẻ rơi vào cảnh thiếu 1 trong 2 người mà chúng thương yêu. Theo thống kê thì 80% các trường hợp ly hôn người mẹ xin nhận nuôi con, chỉ 10% về ở với bố và 10% còn lại về ở với người thứ ba (ông bà hay họ hàng). Vấn đề đặt ra là sau khi trẻ về ở với 1 trong 2 người cha hoặc mẹ thì những khó khăn nào sẽ xảy ra đối với trẻ?
Điều này đã được các tác giả tập trung phân tích những tai hoạ xảy ra sau khi ly hôn như nguy cơ bị bắt cóc. Thoạt nghe có vẻ hơi ly kỳ, ai bắt cóc và bắt cóc ai ? Thực tế theo một vài thống kê con số bắt cóc chiếm một phần rất nhỏ (khoảng 0,003%) các trường hợp và thường được gán cho ông bố bắt cóc con, duy nhất có 1 trường hợp mẹ đến bắt cóc con.
Nguyên nhân của sự bắt cóc được nhấn mạnh do sự khủng hoảng vai trò của người làm cha. Khi quyền đến thăm con của người chồng không được tôn trọng buộc anh ta phải có những dự tính để khẳng định quyền làm cha của mình. Có thể khẳng định rằng nguy cơ bắt cóc hiếm khi xảy ra, nhưng khi lâm vào trường hợp này thì đứa trẻ là người bị thiệt thòi nhất, khả năng chấn thương về mặt tinh thần sẽ rất lớn nếu nó không được gặp lại mẹ nó nữa.
Bên cạnh nguy cơ bắt cóc là nguy cơ vô điều kiện. Nguy cơ vô điều kiện có thể được hiểu là khi con ở với cha hoặc mẹ thì sẽ được người kia đến để đưa đi ăn uống, đưa đi chơi... và hậu quả có thể xảy ra do cha mẹ uống nhiều rượu, do không làm chủ được các phương tiện giao thông.
Ngoài ra nạn bạo hành ở nam giới gây ra cho nữ giới, việc quấy rối tình dục, việc cha mẹ được giả định là có rối nhiễu tâm trí, việc một số bậc cha mẹ tìm cách trả thù đối phương bằng cách không cho người chồng/vợ đến thăm con, và quan điểm "con tôi là tất cả đối với tôi"... dẫn đến việc thực hiện vai trò làm cha, làm mẹ của mình một cách rất đáng trách. Vô hình chung bố hoặc mẹ đã biến đứa trẻ thành những "con mồi", thành những công cụ để trả thù đối phương. Và điều đó sẽ khó tránh khỏi những tổn thương tâm lý khi họ đã đẩy trẻ vào hoàn cảnh phải đối kháng lại người mà lẽ ra chúng phải thương yêu và kính trọng.
Ở chương II của phần I đã đề cập đến Tâm bệnh lý ở những gia đình ly hôn. Các tác giả khẳng định trong mọi trường hợp khi gia đình tan vỡ đều đem lại đau khổ cho cả hai bên vợ chồng và con cái. Một số bậc cha mẹ có những nhược điểm trong cấu trúc tâm lý sẽ rất có hại trong việc thực hiện chức năng làm cha, làm mẹ của mình. Tuy nhiên với các bậc cha mẹ bị "nhiễu tâm" sẽ không đáng lo ngại bằng các bậc cha mẹ "loạn trí". "Nhiễu tâm" có thể xảy ra sau khi ly hôn nhưng cũng có khả năng đã diễn ra trước khi ly hôn làm cho cuộc sống vợ chồng không thể tiếp tục kéo dài và quyết định đi đến ly hôn. Mặc dầu không nguy hiểm như "loạn trí" nhưng những rối nhiễu tâm lý từ cha mẹ được tái diễn nhiều lần không thể không để lại hậu quả xấu đối với trẻ. Trẻ mất dần lòng tin vào bố mẹ. Hình ảnh bố mẹ phai nhạt dần trong tâm trí chúng và cuối cùng trẻ chỉ còn biết yêu chính bản thân mình. Do vậy, để khắc phục những tâm bệnh lý sau khi ly hôn cần có sự can thiệp sớm của các nhà chuyên môn.
Trong hoàn cảnh gia đình như vậy thì đứa con có vai trò gì sau khi cha mẹ ly hôn. Đây chính là vấn đề được đặt ra ở chương III của phần này.
Trong các tình huống ly hôn và ly thân, đứa trẻ thường được xem như nạn nhân bị động. Nhưng thực ra nó ít nhiều có vai trò chủ động và điều này được thể hiện không những ở trẻ lớn mà còn ở cả trẻ nhỏ.
Chẳng hạn với trẻ bé thì thường bày ra các mưu kế để đánh vào tình thương yêu của cả bố và mẹ. Nếu có điều gì chỉ một bên cho phép còn bên kia không thì với bên này nó nói là bên kia đã đồng ý cho phép nó làm, ngược lại với bên kia thì trẻ lại nói bên này đã đồng ý. Nếu bố mẹ không tỉnh táo sẽ dễ mắc vào cái bẫy do con giăng ra và không trả nó vào đúng địa vị làm con mà lẽ ra trẻ phải làm.
Với những trẻ đã trở thành "người lớn" thì mọi chuyện có vẻ dễ chịu hơn. Nhiều trẻ khôn ngoan để duy trì mối quan hệ giữa hai bố mẹ. Khi bố mẹ có điều gì tức giận chúng sẽ tránh đề cập đến người kia để làm cho bố hay mẹ bực mình. Trong trường hợp khi người cha/ mẹ mà trẻ cảm thấy không đủ tư cách (nghiện rượu, doạ giết người kia...) thì trẻ sẽ tìm cách để chấm dứt những cuộc gặp gỡ nhằm đảm bảo an toàn cho cả nó và người nuôi dưỡng. Cũng có trường hợp trẻ đòi chấm dứt những cuộc thăm viếng của cha/mẹ để làm vừa lòng người kia.
Ngoài ra, sau khi bố mẹ ly hôn, đứa con còn có thể đóng vai trò truyền tin giữa cha và mẹ, là "thầy thuốc chữa trị" làm xoa dịu nỗi đau của cả hai người. Xong không phải mọi chuyện lúc nào cũng suôn xẻ. Nhiều trẻ đã rơi vào tình huống bị "giằng co" giữa bố - mà và điều này làm trẻ rất khổ tâm, đa số rơi vào trường hợp mệt mỏi, ủ rũ và rơi vào trạng thái cô đơn kéo dài.
Ở chương cuối của phần I có đề cập đến truyền thống văn hoá và quyền cha mẹ các tác giả có đề cập đến nguồn gốc xuất thân của cha hoặc mẹ để giải thích cho lý do ly hôn và cách nhìn nhận trong việc con cái đi gặp bố/mẹ. Nguồn gốc văn hoá của cha mẹ là yếu tố không thể thiếu trong việc giải quyết các vấn đề sau khi cha mẹ ly hôn.
Để hiểu được trẻ sống như thế nào sau khi cha mẹ ly hôn, ở phần II của cuốn sách với tiêu đề Tâm lý trẻ em có cha mẹ ly hôn đã gắn tình huống ly hôn của cha mẹ với sự phát triển của trẻ.
Với trẻ còn bú, tưởng chừng như sự chia tay của bố mẹ không ảnh hưởng gì tới trẻ, nhưng thực ra, trẻ rất nhạy cảm với tâm trạng của bố và mẹ. Sau khi chia tay, sự đảo lộn trong cuộc sống, tâm trạng trầm nhược, lo lắng, sợ hãi của bố mẹ, và nhất là mẹ, sẽ có thể ảnh hưởng đến sự chăm sóc con cái. Trẻ còn bú khó mà hiểu được lý do của những sự thay đổi, nó cảm nhận được sự đảo lộn nhưng không hiểu được ý nghĩa ra sao. Nó không diễn tả được bằng lời nói thì diễn tả bằng đảo lộn trong cơ thể. Vì vậy trẻ có thể quấy khóc ban đêm, đái dầm hay ỉa đùn lúc đang ngủ mà trước đây trẻ không mắc phải.
Bước vào tuổi lên 2, đứa trẻ khó kiểm soát được cử chỉ của nó một cách tế nhị. Nó thường xuyên biểu lộ tính hung hăng (hay cắn). Tính hung hăng thể hiện dấu hiệu của sự đau khổ về tinh thần. Lúc này lời nói của bố mẹ có thể giúp trẻ tìm lại ý nghĩa của những tình cảm đang lay động nó. Khi bố mẹ kiểm soát được những xúc động của bản thân thì có thể giúp trẻ giải toả được những kìm nén gây nên sự đau khổ trong tâm hồn trẻ.
Giai đoạn trẻ 2-3 tuổi là quá trình phát triển tâm - vận động đang diễn ra mạnh mẽ. Lúc này nếu bố mẹ ly dị có thể làm đảo lộn sự phát triển tâm - vận động của trẻ, làm giảm các năng lực đầu tư vào các lĩnh vực khám phá mới như tập đi, tham gia trò chơi, giữ sạch sẽ. Trẻ sẽ không hiểu nổi, không làm chủ được tình hình do bố mẹ ly hôn gây ra, khiến nó bất lực, không kiểm soát được những điều gì đang diễn ra trong cơ thể. Chính điều này trẻ lại cho rằng đó là điều duy nhất trẻ có thể làm được để gây sự chú ý cho bố mẹ và mong muốn duy trì quan hệ giữa bố và mẹ để trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
Trong giai đoạn này thường là trẻ đã biết nói, nhưng nếu ở giai đoạn này mà trẻ chậm biết nói rất có khả ăng do trẻ không thích ứng được với cách thức giao tiếp của bố mẹ dành cho nó. Đây cũng có thể là biểu hiện trẻ khó chấp nhận các thay đổi bất thần xảy ra do bố mẹ ly dị. Chậm biết nói nếu không phải do nguyên nhân thực thể mà do nguyên nhân tâm lý thì bố mẹ cần lưu ý để giúp con phát triển và hoàn thiện ngôn ngữ, từ đó giúp con tránh được những lệch lạc trong quá trình hoàn thiện nhân cách.
Giai đoạn trẻ từ 3-6 tuổi. Ở tuổi này trẻ đã trở thành "trẻ lớn", làm chủ được lời nói, đạt được những tiến bộ trong tâm - vận động và đi học mẫu giáo. Mặc cảm "Ơdipe" được hình thành ở tuổi này, mức độ giải toả nhất thời mặc cảm có ý nghĩa căn bản đối với việc xây dựng cuộc sống cảm xúc sau này ở trẻ. Các biểu hiện tâm lý của trẻ mạnh mẽ phong phú và đa dạng hơn. Nếu bố mẹ ly dị vào giai đoạn này có thể gây nên những nhiễu loạn trong ứng xử ở bước đầu của đời sống học đường. Trẻ có thể sẽ sống khép mình, xa lánh mọi người hoặc có thể gây gổ với người lớn và các bạn. Trẻ có mặc cảm tội lỗi là do nó mà bố mẹ bỏ nhau. Một số trẻ cảm thấy bất lực không thể chấp nhận thực tế của tình huống do bố mẹ ly hôn. Thái độ của bố mẹ lúc này rất quan trọng đối với trẻ để trẻ tự tin và đồng nhất mình với bố hoặc mẹ để phát triển nhân cách một cách thuận lợi.
Giai đoạn tiềm ẩn từ 6-14 tuổi. Thời kỳ này đánh dấu một bước thay đổi sâu xa trong cách suy nghĩ của trẻ. Trẻ đã đạt được những thành tựu đáng kể trong nhận thức. Thời kỳ này ứng vói sự suy giảm của mặc cảm Ơdip và từ bỏ những cảm xúc với những đối tượng hay tình huống bất lợi. Nếu bố mẹ ly hôn vào lúc con 6-8 tuổi, tình cảm của con đối với cả hai người sẽ nồng nàn hơn trước. Nếu trẻ ở với ai thì nó sẽ bám chặt lấy người ấy khó dứt ra được. Tuy vậy đứa con vẫn hướng ý nghĩ của mình về người bố hoặc mẹ đã ra đi. Còn ở độ tuổi 9-12 tuổi trẻ đã có khả năng chấp nhận thực tế hơn. Tuy vậy nó vẫn luôn muốn biết tại sao bố mẹ lại bỏ nhau. Nó có thể tự hỏi tại sao bố mẹ lại bỏ nhau để mình ra nông nỗi này ! Nếu trẻ cho là mình có lỗi nó có thể tự phạt mình bằng cách trở nên hỗn xược, bướng bỉnh, "quậy phá" để chuộc lỗi . Nếu nó cho là bố có lỗi nó sẽ xử sự thô lỗ cục cằn với bố. Lúc này lời khuyên của người lớn được trẻ tin yêu sẽ giúp trẻ lấy lại sự cân bằng.
(Còn nữa)
Ngọc Hà