Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thường xuyên nghe dư luận xã hội phê phán những hành vi leo lề, lằn vạch, vượt đèn đỏ gây ách tắc giao thông, chen lấn, xô đẩy mua hàng giảm giá, nhận quà miễn phí hay những hành vi “hôi của” trước người gặp nạn, tranh cướp ấn ở đền chùa, bẻ hoa trong lễ hội, phá cổng trường để đăng ký cho con học... Điều đáng nói là tuy xã hội ngày càng phát triển nhưng các hành vi kiểu này không những không giảm đi mà vẫn liên tục xảy ra và dường như ngày càng tăng lên. Phải chăng chúng ta thiếu đi đức tính “nhường nhịn’ trong bản năng của mỗi người?
Trong đời sống thường ngày, thái độ nhường nhịn được điều chỉnh chủ yếu bằng đạo đức, thói quen, phương tục và văn hóa ứng xử. Tuy vậy, ở những quan hệ kinh tế, chính trị, pháp lý... thì thái độ nhường nhịn không phải là không có điều kiện để thể hiện hoặc không thể không có ảnh hưởng. Tác giả cho rằng, sự thiếu hụt nhường nhịn trong ứng xử nói chung của người Việt Nam hiện nay đã đến mức nghiêm trọng và nguy hiểm.
Trước thực tiễn và yêu cầu bức thiết nêu trên, tác giả Phan Tân đã tiến hành tập hợp, phân tích các thông tin đã được công bố trên báo chí và các trang mạng liên quan đến chủ đề này thành cuốn sách “Xây dựng xã hội nhường nhịn”. Cuốn sách được chia thành 4 phần.
Phần 1: Bối cảnh của một xã hội nhường nhịn và thiếu nhường nhịn. Trong phần này tác giả đưa người đọc ngược dòng thời gian về ngàn năm trước, từ thời cha ông ta để lại đã có nhiều câu chuyện quý báu về tinh thần đoàn kết hay những thiên hùng ca về sự ứng xử nhường nhịn... Truyền thống đó được duy trì và nỗ lực phát triển cho đến thời hiện đại - không phải ngẫu nhiên mà chúng ta có các mặt trận đoàn kết dân tộc. Hiện nay, khi xã hội ngày càng phát triển, dường như càng thiếu vắng sự nhường nhịn.
Phần 2: Xã hội thiếu nhường nhịn. Trong phần này tác giả chỉ rõ sự thiếu nhường nhịn tập trung ở các mặt như: trong ăn - mặc - ở, trong du lịch - lễ hội, trong giáo dục, đào tạo, trong giao thông, trong văn hóa, trong sản xuất kinh doanh..
Phần 3: Đi tìm nguyên nhân. Ở phần này tác giả giải trình các nguyên nhân từ căn cốt lịch sử, truyền thống đến con người hiện đại, sự méo mó về văn hóa chuyển đổi, sự thiếu sự định vị cá nhân, di họa của nền giáo dục và năng lực, bản tính và tác phong người Việt...
Phần 4: Xây dựng xã hội nhường nhịn: đất nước- xã hội- con người có thể? Tại sao không?. Trong phần này tác giả đã so sánh nước ta với các nước khác trên thế giới, từ đó nêu lên khát vọng của xã hội - khát vọng của những người tử tế, của những hành động tử tế. Cuối cùng, tác giả đã đưa ra một số giải pháp, những nỗ lực cần thiết nhằm xây dựng một xã hội nhường nhịn.
Cuốn sách hiện nay đã có ở Thư viện Tâm lý học, xin mời các độc giả đón đọc!
Phạm Thu Huyền