1. Đặt vấn đề
Giao tiếp là hoạt động không thể thiếu đối với con người nói chung và HS đầu lớp 1 nói riêng. Bước chân vào trường tiểu học, HS lớp 1 bắt đầu thiết lập các mối quan hệ xã hội trong nhà trường. Trong trường tiểu học, giao tiếp của các em thường xảy ra trong các mối quan hệ với thầy, cô giáo, cán bộ nhân viên của trường, với bạn cùng lớp, bạn cùng trường và tập thể.
Giao tiếp có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống cũng như sự phát triển của HS lớp 1: trong giao tiếp, mỗi HS vừa là nguồn phát ra thông tin, vừa là nơi tiếp nhận thông tin. Thu nhận và xử lý thông tin là con đường quan trọng để hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách. Qua giao tiếp, các em thiết lập và vận hành được mối quan hệ với bạn, với thầy cô, nhờ vậy mà tìm được sự bình yên trong đời sống tình cảm để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống nhà trường, đặc biệt là trong học tập. Hơn thế, nhờ giao tiếp, các em hiểu nhau, có được những ấn tượng tốt về nhau qua đó có tình cảm với nhau. Giao tiếp góp phần to lớn trong việc hình thành và phát triển khả năng hợp tác, tinh thần cộng đồng trách nhiệm để hoàn thành những nhiệm vụ chung của tổ, tập thể lớp...
Tuy nhiên, do đặc điểm lứa tuổi, phạm vi giao tiếp của HS thường hẹp. Các em chủ yếu quan hệ với những người thân trong gia đình, bạn bè cùng xóm phố; với bạn cùng tổ, cùng lớp và với thầy cô giáo phụ trách lớp. Nội dung giao tiếp của các em thường xoay quanh việc học tập, vui chơi, sinh hoạt tập thể, trao đổi về sách báo, "bàn luận" về những điều xảy ra trong cuộc sống thực của các em. Nhìn chung, giao tiếp của các em còn đơn giản và mang tính chất cảm xúc. Hình thức giao tiếp chủ yếu của các em là giao tiếp trực tiếp bằng hành động với vật thể (cho quà, trao đổi sách báo, cho mượn đồ dùng học tập...), bằng cử chỉ, hành vi và bằng ngôn ngữ.
Khó khăn tâm lý (KKTL) trong việc thiết lập các mối quan hệ giao tiếp với bạn sẽ được nghiên cứu qua 8 biểu hiện sau: Thích chơi với bạn; Không dám hỏi bài bạn mỗi khi không làm được bài; Đánh nhau với bạn; Cãi nhau với bạn; Bị bạn trêu chọc; Trêu chọc bạn: Sợ chơi với bạn; Các bạn trong lớp không thích chơi cùng.
2. Phương pháp và khách thể nghiên cứu
Sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu tâm lý như điều tra bằng bảng hỏi, quan sát, phỏng vấn sâu, trong đó phương pháp điều tra bằng bảng hỏi là phương pháp chủ yếu. Các phương án trả lời được cho điểm theo mức 3 - 2 - 1 tương ứng với mức độ: trên 3 lần - 1đến 3 lần - không lần nào, hoặc thường xuyên - thỉnh thoảng - không bao giờ.
Khách thể nghiên cứu là 547 học sinh lớp 1 ở 4 tỉnh thành Hà Nội, Hà Tây (cũ), Cà Mau và Trà Vinh. Nghiên cứu được thực hiện trong năm học 2007 - 2008.
3. Kết quả nghiên cứu
So với các mặt KKTL trong học tập và sinh hoạt khác, HS đầu lớp 1 có KKTL ở mức cao nhất khi thiết lập các mối quan hệ giao tiếp với bạn, nhưng KKTL này vẫn nằm ở mức trung bình (ĐTB nhóm = 1,89).
Theo cảm nhận của HS đầu lớp 1, biểu hiện khó khăn nhất trong việc thiết lập các mối quan hệ giao tiếp với bạn là các em không dám hỏi bài bạn mỗi khi không hiểu bài (ĐTB = 2,45), và khó khăn thứ hai là cảm nhận của HS về việc các bạn trong lớp không thích chơi cùng (ĐTB = 2,43). Xếp thứ ba là việc bị bạn trêu chọc trong khi chơi cùng các bạn (ĐTB = 2,20). Cả ba biểu hiện này đều vượt ngưỡng trung bình chung (2.0) và đây là những biểu hiện KKTL ở mức cao nhất trong tất cả các biểu hiện KKTL ở 6 mặt được nghiên cứu (hành vi thực hiện nội qui học tập; hành vi thực hiện nền nếp sinh hoạt và học tập; hành động đọc, viết, làm toán; sự tự chủ khi chuyển trạng thái từ học sang chơi và ngược lại; thái độ đối với học tập và sự thiết lập các mối quan hệ trong giao tiếp với bạn). “Sợ chơi với bạn” là biểu hiện HS đầu lớp 1 thấy mình ít gặp hơn cả khi thiết lập quan hệ giao tiếp với bạn (ĐTB = 1,26).
Tìm hiểu lý do vì sao "các bạn trong lớp không thích chơi cùng" chúng tôi được biết, đầu lớp 1 là giai đoạn các em HS đang tìm hiểu nhau về mọi mặt, ví dụ: bạn có học giỏi không, bạn có ngoan không, bạn có sạch sẽ không, bạn có hay nhường nhịn mỗi khi chơi không v.v… Quá trình tìm hiểu lẫn nhau phải cần có một thời gian các em mới chọn ra được bạn chơi mà mình thích và sau đó rất có thể sẽ là bạn thân. Khi được hỏi "vì sao mà con lại nghĩ rằng bạn không thích chơi với con" có nhiều lý do đưa ra, nhưng chủ yếu là: không làm theo ý bạn (28,8%), bạn không thích con (25,0%) (vì sao bạn không thích thì con không biết), cãi nhau với bạn (9,1%)…
Ở đây, việc trẻ cãi nhau với bạn, đánh nhau với bạn, bị bạn trêu chọc hay trêu chọc bạn đều vượt ngưỡng trung bình. Điều đó cho thấy, trong quan hệ với bạn, trẻ chưa làm chủ được tình cảm của mình, có gì không vừa ý là trẻ thể hiện ngay, cho nên việc đánh nhau và cãi nhau rất dễ xảy ra. Có 36,6% HS trong 2 tuần đầu đi học lớp 1 đã bị bạn trêu chọc và trong số đó trêu trên 3 lần là 20,5% và từ 1-2 lần là 79,5%. Phản ứng của trẻ khi bị bạn trêu chọc chủ yếu là mách thầy/cô (63,8%), mặc kệ bạn (17,1%), trêu lại bạn (5,5%) và đánh lại bạn hoặc khóc (cùng 5,0%).
Mặc dù số HS có nhu cầu chơi cùng bạn chiếm đa số (95.6%), nhưng vẫn có 4,4% HS không muốn chơi cùng các bạn.
Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi đã tham gia dự giờ một số lớp học với một số buổi học và giờ ra chơi. Kết quả cho thấy, một số cháu biểu hiện không có nhu cầu vui chơi. Cụ thể, các cháu cứ quanh quẩn ở bàn của mình, đọc truyện hoặc ngồi một chỗ xem các bạn chơi, trông đồ cho các bạn chơi… Qua trò chuyện, trẻ cho biết những lý do chủ yếu sau đây làm các cháu không thích chơi với bạn:
- Không thích ra chơi vì các bạn hay xô đẩy;
- Không thích chơi vì sợ bạn bắt nạt;
- Thích ngồi xem các bạn chơi thôi;
- Sợ chơi nhiều ra mồ hôi làm bẩn quần áo;
- Chỉ thích chơi với anh chị lớp lớn vì các anh chị ấy hay nhường nhịn...
Có thể nói rằng, những câu trả lời ngắn gọn của trẻ cũng ẩn chứa những thông điệp đáng quan tâm. Thứ nhất, trẻ không dám chơi vì sợ (sợ bẩn, sợ bạn). Thứ hai, trẻ thích chơi với anh chị lớn hơn để mong mình được nhường nhịn, che chở. Điều này có thể là do trẻ không tự tin vào bản thân hoặc không chấp nhận thực tế mình đã là HS mà vẫn muốn bé bỏng để được nuông chiều. Thứ ba, trẻ sống khép mình, đặc biệt là những trẻ hướng nội. Tuy nhiên, số trẻ không thích chơi với bạn chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong toàn mẫu, còn đa số trẻ đều có nhu cầu chơi với bạn. Điều đó cho thấy, vui chơi với bạn vẫn là một trong những hoạt động giao tiếp cơ bản của các em. Có thể các em gặp một số khó khăn nhất định khi giao tiếp với bạn, nhưng dần dần trong quá trình học tập và sinh hoạt các em sẽ hiểu nhau và thích nghi được với nhau. Quá trình giao tiếp này nếu diễn ra thuận lợi sẽ tạo điều kiện tốt cho trẻ thích ứng dần với hoạt động học tập.
Điểm nổi bật ở KKTL trong việc thiết lập các mối quan hệ trong giao tiếp với bạn là thiếu hụt kĩ năng giao tiếp với nhau. Do thiếu hụt kĩ năng giao tiếp với bạn nên chỉ có 4,8% HS không gặp KKTL trong việc thiết lập mối quan hệ giao tiếp với bạn, còn lại 82,7% HS gặp KKTL ở mức trung bình và 12,5% có KKTL ở mức cao khi giao tiếp với bạn.
Không phân biệt nam hay nữ, nhìn một cách tổng thể, HS đầu lớp 1 đều có những khó khăn như nhau khi thiết lập mối quan hệ giao tiếp với bạn. Tuy nhiên, trong 4 biểu hiện KKTL khi giao tiếp với bạn thì HS nữ gặp khó khăn nhiều hơn HS nam. Khác biệt lớn nhất giữa HS nam và HS nữ về khó khăn trong giao tiếp với bạn là ở biểu hiện "bị bạn trêu chọc" (d=-0,12 và P<0,001), tiếp theo là "cãi nhau với bạn" (d=-0,09 và P<0,001).
Qua quan sát và trò chuyện với các em chúng tôi thấy rằng, các em gái nhút nhát hơn hay e ngại và sợ sệt hơn nam. Trong vui chơi với bạn, các bạn nam có thể đánh nhau hoặc cãi nhau xong một lúc lại chơi với nhau. Nhưng con gái khi đã "te" (không chơi) với bạn có khi phải mất một vài hôm mới chơi lại với nhau, thậm chí có thể không chơi lại. Có khi chỉ vì những lý do rất vụn vặt cũng làm các em gái chơi với bạn này mà không chơi với bạn khác. Ví dụ, "Con thích chơi với Thư bởi bạn ấy có hai bím tóc xinh, con không thích chơi với Trí bởi vì Trí chơi với Lộc mà Lộc thì hay bắt nạt con" (PVS Tr. H.A, HS, lớp 1, HN). Như vậy, sự nhút nhát, e ngại hay "cố chấp" là những nguyên nhân cản trở các em gái trong quá trình giao tiếp với bạn.
Khu vực sinh sống của các HS lớp 1 có tác động nhất định đến những biểu hiện trong việc thiết lập các mối quan hệ giao tiếp của HS. Cụ thể: HS nông thôn thường “đánh nhau với bạn”; “trêu chọc bạn”; “sợ chơi với bạn” và thường không được các bạn trong lớp chơi cùng hơn HS thành phố (độ chênh lệch về ĐTB giữa hai nhóm khách thể lần lượt là 0,18 với P<0,001; 0,08 với P<0,05; 0,07 với P<0,01).
Tóm lại, HS đi học đầu lớp 1 có KKTL trong việc thiết lập các mối quan hệ giao tiếp với bạn. Chính vì vậy, GV và các bậc phụ huynh có con đi học lớp 1 cần nhận diện được những khó khăn mà HS và con em mình gặp phải trong quan hệ với bạn để giúp các em hạn chế và khắc phục KKTL những ngày đầu đi học tiểu học.
Vũ Ngọc Hà
Viện Tâm lý học