Cảm nhận của sinh viên liên quan đến các ngành nghề mà họ đang theo học.
Những trải nghiệm của sinh viên liên quan đến ngành đang học sau khi họ đã có một thời gian học tập ở các trường đại học có thể xem như những chỉ báo chủ quan phản ánh tính đúng đắn của những quyết định lựa chọn ngành nghề của họ khi họ còn là học sinh THPT. Những kết quả thu được từ khảo sát về vấn đề này cho thấy một thực trạng rất đáng quan tâm. Theo khảo sát của Trung tâm tư vấn hướng nghiệp thuộc trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2005 thì hơn 50% sinh viên được khảo sát đã cho rằng mình đã không lựa chọn được ngành học phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân. Các kết quả khảo sát của chúng tôi năm 2008 không cho thấy tình trạng sáng sủa hơn.
-Chỉ có 37,9% số sinh viên năm thứ 2 được hỏi khẳng định rằng họ nhận thấy càng học càng cảm thấy rằng ngành họ đang học giống với những gì họ đã hiểu về ngành này khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông;
-34,7% - nhận thấy ngành đang học phù hợp với năng lực của họ;
- 50,5% - cảm thấy hứng thú với ngành đang học;
-45,0% - khẳng định sẽ vẫn chọn để được học ngành đang học nếu như ở vào tình huống có cơ hội lựa chọn lại, và
- 57,0% - muốn được làm đúng nghề đang học sau khi tốt nghiệp đại học.
Số còn lại phần đông cảm thấy khó trả lời về những vấn đề nêu trên hoặc khẳng định những trải nghiệm âm tính liên quan đến những vấn đề đó:
-26,3% số sinh viên càng học càng cảm thấy rằng ngành họ đang học không giống với những gì họ đã hiểu về ngành này khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông;
-15,3% - nhận thấy ngành đang học không phù hợp với năng lực của bản thân;
-10,5% - cảm thấy không hứng thú với ngành đang học;
-38,0% - khẳng định sẽ chọn học một ngành khác nếu như ở vào tình huống có cơ hội lựa chọn lại, và
- 21,0% - không muốn làm đúng nghề đang học sau khi tốt nghiệp đại học.
Những trải nghiệm nêu trên hầu như không có khác biệt khi so sánh những sinh viên đã được vào học trường đại học theo nguyện vọng 1, nguyện vọng hai hay nguyện vọng ba, hoặc nhóm sinh viên đã có những suy nghĩ về ngành nghề đang học ngay từ khi học lớp 10 hay lớp 11, lớp 12.
Những số liệu nêu trên không chỉ cho thấy ở vào thời điểm phải lựa chọn ngành học, nhiều học sinh không đủ thông tin hoặc không có những thông tin chính xác về các ngành nghề mà các em đã chọn, về năng lực và hứng thú của bản thân. Những lựa chọn sai lầm về ngành học do thiếu những tri thức và kỹ năng cần thiết đã không tạo ra được ở nhiều em sự hứng thú, gắn bó với nghề.
Trước đây, trong một thời gian dài, khi nghiên cứu về năng lực và hiệu quả làm việc của con người, các nhà nghiên cứu hầu như tập trung chủ yếu vào các quá trình nhận thức như tư duy, khả năng tri giác, tưởng tượng, trí nhớ… Nhưng những năm gần đây, khi nghiên cứu xúc cảm như một dạng trí tuệ, nhiều nhà tâm lý học đã đặc biệt chú ý đến vai trò của niềm say mê, hứng thú nghề của người lao động đối với hiệu quả công việc của họ. Trong một cuộc nghiên cứu 200 hoạ sỹ 18 tuổi sau khi họ tốt nghiệp trường mỹ thuật, Csikszentmihalyi nhận thấy rằng chỉ những sinh viên say mê vẽ mới trở thành hoạ sỹ giỏi. Những người được kích thích bởi giấc mơ nổi tiếng hay giàu có, phần lớn đã bỏ nghề sau khi nhận bằng tốt nghiệp. Hầu như tất cả những người thành đạt trong sự nghiệp đều khẳng định rằng, muốn có được thành tích thì trước hết người lao động phải say mê, hứng thú với lĩnh vực mà họ đang làm. Các kết quả khảo sát thực tiễn cũng cho thấy, trong số những sinh viên cảm thấy ngành đang học phù hợp với năng lực của bản thân hoặc hứng thú với ngành học có tỷ lệ số em gắn bó với nghề (muốn được làm đúng nghề hoặc vẫn lựa chọn ngành đang học khi ở vào tình huống có cơ hội được lựa chọn lại ngành học) cao hơn hẳn tỷ lệ tương ứng trong số những em không hứng thú với ngành học hoặc thấy ngành học không phù hợp với năng lực của bản thân.
Chúng ta hãy tưởng tượng nguồn nhân lực tiềm năng đang chuẩn bị thật sự tham gia vào lực lượng lao động của xã hội chỉ sau vài ba năm nữa mà có những trải nghiệm xúc cảm âm tính như vậy đối với ngành nghề đang theo học, có những băn khoăn trăn trở với nghề như vậy thì liệu hiệu quả làm việc của họ sẽ như thế nào? khả năng công hiến của họ cho gia đình, xã hội và cho chính bản thân họ sẽ đến đâu? Rất nhiều nghiên cứu cho thấy tính tích cực nghề nghiệp, hiệu quả làm việc của người lao động phụ thuộc rất nhiều vào những trải nghiệm xúc cảm của họ với lĩnh vực nghề nghiệp mà họ đang làm.
Sự thiếu hiểu biết về các loại ngành nghề, về năng lực và hứng thú nghề nghiệp của bản thân đã dẫn đến những lựa chọn sai lầm và điều đó sẽ gây lãng phí không chỉ cho xã hội mà cho chính bản thân các em khi phải bỏ ra khoảng thời gian 4 năm để học một nghề mà các em không thật sự hứng thú và rồi rất có thể sẽ rời bỏ nghề đó sau khi tốt nghiệp. Trách nhiệm trước tình trạng này một phần không nhỏ thuộc về các nhà giáo dục nói chung và giáo dục hướng nghiệp, tư vấn hướng nghiệp nói riêng.
Nhu cầu của học sinh THPT về tư vấn hướng nghiệp
Kết quả khảo sát cho thấy 78,0% số học sinh nhận thấy cần có cơ sở tư vấn hướng nghiệp cung cấp cho các em những thông tin cần thiết để các em có cơ sở đưa ra các quyết định cho bản thân trong lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT. Càng lên lớp cao hơn thì càng nhiều học sinh THPT thấy cần thiết phải có các cơ sở như vậy: nếu 71,0% số học sinh lớp 10 nhận thấy sự cần thiết này thì tỷ lệ tương ứng ở học sinh lớp 12 là 87,6%.
Nhu cầu được học môn giáo dục hướng nghiệp hoặc được hỗ trợ bởi các cơ sở tư vấn hướng nghiệp ở học sinh là khác nhau, bởi đây là những hình thức hướng nghiệp khác nhau. Có lẽ học sinh THPT cũng ý thức được điều này nên ý kiến của các em về sự cần thiết phải có những hoạt động này trong các cấp học khác nhau cũng khác nhau. Mặc dù đa số học sinh cho rằng nên có môn giáo dục hướng nghiệp từ năm học cấp II (55,1%) hoặc cấp III (33,8%), song một tỷ lệ đáng kể học sinh (11,1%) cho rằng môn giáo dục hướng nghiệp nên bắt đầu từ cấp I. Trong khi đó, đối với các cơ sở tư vấn hướng nghiệp thì phần lớn học sinh mong muốn có ở cấp PTTH (62,2%).
Những số liệu thu đươc từ khảo sát thực tiễn cho thấy rằng đã đến lúc những người có trách nhiệm cần quan tâm đúng mức đến hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT. Vấn đề không chỉ là đưa ra các quy định định hướng, mà là thật sự triển khai hoạt động này trong thực tiễn.
Lê Hương