Mô hình trí tuệ cảm xúc GENOS (Phần 1) (*)

18/06/2018

(Tamly)- Genos là trắc nghiệm đo lường trí tuệ cảm xúc tại nơi làm việc, trong đó trí tuệ cảm xúc có xu hướng được coi là kỹ năng. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra 7 kỹ năng,hay 7 thành phần của trí tuệ cảm xúc tại nơi làm việc theo mô hình này.

Trắc nghiệm trí tuệ cảm xúc GENOS được hai nhà nghiên cứu là Ben Palmer và Con Stough trường đại học Swinburne xây dựng và phát triển vào cuối những năm 1990 (Palmer & Stough, 2001). Tính đến nay trắc nghiệm GENOS đã có thay đổi và mở rộng cả trong nghiên cứu và thương mại.

Mô hình này có xu hướng coi trí tuệ cảm xúc là kỹ năng hơn là năng lực. Mô hình Trí tuệ cảm xúc GENOS gồm 7 kỹ năng cảm xúc cơ bản, đó là: kỹ năng nhận biết cảm xúc của bản thân, kỹ năng thể hiện cảm cúc, kỹ năng nhận biết cảm xúc người khác, kỹ năng luận giải cảm xúc, kỹ năng quản lý cảm xúc người khác, kỹ năng quản lý cảm xúc của bản thân và kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Trong phần 1, bài viết trình bày 4 kỹ năng của mô hình này.

1. Kỹ năng nhận biết cảm xúc của bản thân (Emotional Self-Awareness)

Nhận biết cảm xúc của bản thân là các kỹ năngvề nhận thức và hiểu biết về cảm xúccủa chính mình.Cảm xúc ảnh hưởng đến các quyết định, hành vi và sự thành công. Những người lãnh đạo có kỹ năng nhận biết cảm xúc bản thân là người có ý thức về vai trò ảnh hưởng của cảm xúc của mình và được trang bị tốt hơn để quản lý sự ảnh hưởng này một cách hiệu quả.

Khi lãnh đạo là người ý thức được cảm xúc của mình, họ hiểu được cảm xúc có vai trò ảnh hưởng như thế nào đến các quyết định, hành vi và hoạt động của họ và do đó quản lý tốt hơn ảnh hưởng này. Khi lãnh đạo không nhận biết được cảm xúc của họ, họ thường khó quản lý một cách hiệu quả ảnh hưởng này. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nhà lãnh đạo, bởi các quyết định, hành vi và hoạt động của họ có thể có tác động lớn tới thành công của con người mà họ lãnh đạo và của tổ chức.

2. Kỹ năng nhận biết cảm xúc của người khác (Emotional Awareness of Others)

Nhận biết cảm xúccủa người khác là kỹ năngnhận thức vàhiểu biếtcảm xúccủa người khác. Kỹ năng này giúp nhà lãnh đạo nhận diện được những điều làm cho mọi người có cảm xúc tích cực, như  cảm giác có giá trị, được lắng nghe, được chăm sóc, được tư vấn, và được thấu hiểu.

Nó cũng giúp các nhà lãnh đạo thể hiện  sự đồng cảm, tạo ra ý nghĩa và mục đích cho người khác. Khi các nhà lãnh đạo thể hiện kĩ năng này một cách hiệu quả, họ được xem như là người biết đồng cảm. Những người lãnh đạo thể hiện một cách không thường xuyên kĩ năng này, người khác sẽ cảm nhận họ như người vô cảm.

3. Kỹ năng thể hiện cảm xúc (Emotional Expression)

Đây là kỹ năng thể hiện cảm xúc của mình một cách có hiệu quả. Nó bao gồm việc thể hiện cái mình đang cảm thấy như thế nào vào thời điểm thích hợp, với mức dộ thích hợp và với con người thích hợp. Kỹ năng này giúp nhà lãnh đạo tạo ra môi trường của sự hiểu biết, cởi mở và tin cậy.

Người khác sẽ nhìn nhận một người lãnh đạo tốt ở kỹ năng này là một người nhiệt tâm và đáng tin cậy. Những người hay lảng tránh xung đột, tự vệ, hoặc thể hiện xảm xúc một cách không thích hợp có thể tạo ra một môi trường thiếu tin tưởng, thiếu sự hòa hợp, thiếu sự hiểu biết cho những người xung quanh gồm: Xây dựng sự tin cậy; Đưa ra những phản hồi hiệu quả; Làm việc hợp tác.

4. Kỹ năng luận giải cảm xúc (Emotional Reasoning)

Kỹ năng luận giải cảm xúc là kỹ năng sử dụng các thông tin về cảm xúc (từ mình và từ người khác) trong việc lập kế hoạch và ra quyết định một cách thích hợp. Nó bao gồm việc xem xét trạng thái cảm xúc của mình và người khác khi ra quyết định, việc kết hợp những thông tin về cảm xúc với các sự kiện và thông tin mang tính kỹ thuật, thông tin về quá trình ra quyết định cho những người khác.

Trạng thái cảm xúc chứa những thông tin quan trọng. Ví dụ, các cấp độ cam kết của đồng nghiệp thể hiện việc họ ủng hộ quyết định của mình đến đâu. Cảm xúc về thế giới nội tâm thường là những chỉ báo bên trong về sự hưởng ứng, sự sẵn sàng ủng hộ cá nhân quyết định.

Một người lãnh đạo biết kết hợp các thông tin cảm xúc này với thực tế và các yếu tố kỹ thuật trong việc ra quyết định thì có thể có những quyết định mở rộng, sáng tạo và thận trọng. Còn người lãnh đạo không bị hạn chế chỉ trong phạm vi yếu tố thực tế và kỹ thuật khi ra quyết định mà bỏ qua yếu tố cảm xúc họ thường bị hạn chế trong việc ra quyết định và mang tính rủi ro cao, ít nhận được sự ủng hộ của người khác.

Đỗ Thị Lệ Hằng

(Còn tiếp)

Chú thích: (*) Đề tài cơ sở “Bước đầu thích nghi thang đo trí tuệ cảm xúc ở nơi làm việc của Genos” do TS. Đỗ Thị Lệ Hằng làm chủ nhiệm, 2017.