Tính cách dưới góc độ tâm lý học xã hội
Dưới góc độ tâm lý học xã hội. Tính cách dân tộc hay tính cách con người ở một vùng miền, một địa phương nhất định được thể hiện trong những đặc điểm mang tính bản sắc, đặc điểm văn hóa của con người trong vùng miền hay dân tộc đó. Phạm Xuân Nam (2008) cho rằng mỗi dân tộc có bản sắc độc đáo riêng... Bản sắc dân tộc là tổng thể những tính chất, tính cách, đường nét, màu sắc biểu hiện ở mỗi dân tộc trong lịch sử và phát triển của dân tộc, đồng thời giúp dân tộc đó giữ vững được tính thống nhất, tính duy nhất, tính nhất quán, tính độc đáo của bản thân mình trong quá trình phát triển. Như vậy, tính cách con người trong một dân tộc, một cộng đồng đã mang trong mình những đặc điểm chung về mặt văn hóa, bản sắc của dân tộc, cộng đồng đó.
Nói về tính cách dân tộc, Gannhiep cho rằng: Tính cách của dân tộc, tư tưởng và văn hóa là một cái gì đó “rất khôn khéo”. Khi ta biết anh ta là ai và khi đó muốn gọi anh ta bằng từ nào đó mà cảm thấy rất khó thì thường nói tới cái chung nhất không chỉ đối với anh ta, mà chung cho cả dân tộc (Gannhiep, 1988). Theo nhà tâm lý học Nga T.G. Stefanenko (2003), tính cách dân tộc bị quy định bởi các nguyên tắc sau: Thứ nhất, tính cách dân tộc không phải là tổng số tính cách của từng thành viên của nó mà là những nét điển hình được thể hiện ở một số lượng lớn các thành viên của dân tộc đó. Thứ hai, không nên xem xét những nét nào đó là cái tiêu biểu cho một cộng đồng dân tộc. Ví dụ, tính kỷ luật không phải là nét tính cách quan trọng nhất của dân tộc Nhật và dân tộc Đức mà là nét tính cách chung cho nhiều dân tộc trên thế giới. Thứ ba, các nét tính cách có thể hiểu là tổng số các giá trị phụ thuộc vào điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội, lối sống và tín ngưỡng tôn giáo của dân tộc. Từ việc xem xét các nội dung nói trên, Vũ Dũng (2009) cho rằng tính cách dân tộc là những đặc điểm tâm lý bền vững của một dân tộc, được hình thành và biểu hiện trong hoạt động thực tiễn và trong giao tiếp.
Margaret Mead (1953) cho rằng những nghiên cứu về tính cách dân tộc là một thử nghiệm nhằm tìm ra cái cách mà ứng xử văn hóa được nhận biết hiện trong cấu trúc nội tâm thần của các cá nhân thành viên của nền văn hóa ấy. Khái niệm tính cách văn hóa chỉ toàn bộ những nét cá tính điều hòa trong ứng xử của những thành viên thuộc cùng một đơn vị xã hội và được tổ chức thành một “cấu trúc tính cách văn hóa”. Nói đúng hơn, đó là một sự trừu tượng hóa, một công cụ khái niệm dùng để chỉ cá tính nội tâm riêng của một tập hợp các cá nhân cùng chia sẻ một nền văn hóa tổng thể giống nhau: văn hóa dân tộc.
Trong khi nghiên cứu về tính cách dân tộc, tính cách cộng đồng, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới coi tính cách là một trong những đặc trưng của tâm lý dân tộc. Nói cách khác, tính cách của một cộng đồng, một dân tộc thể hiện bản sắc dân tộc đó. Các đặc trưng bản sắc dân tộc thể hiện qua việc các thành viên của công đồng chia sẻ các đặc điểm chung về tính cách, lối ứng xử, cách nghĩ… Những đặc điểm này được các thành viên của cộng đồng, của nhóm dân tộc đó nhận thức đầy đủ, đồng nhất mình với những đặc điểm tính cách đó và thừa nhận, tuân theo nó. Ivan Pavlov coi bản sắc dân tộc là một dạng của hiện tượng tâm lý tổng quát, đó là những nét đặc thù, những nét nổi bật (dẫn theo V. Pronikov, I. Ladanov, 2004). Một trong những biểu hiện rõ nét nhất được nhiều nhà nghiên cứu nói đến là tự ý thức của cá nhân về việc anh ấy/chị ấy thuộc về một nhóm xã hội, một dân tộc. Chẳng hạn, một số tác giả cho rằng, bản sắc nhóm là một khái niệm đa chiều bao gồm tự nhận dạng bản thân, đánh giá, điểm nổi bật, tầm quan trọng, sự gắn bó cả trên tình cảm và hành động với nhóm của mình (Ashmore, Deaux, & McLaughlin-Volpe, 2004; Tajfel & Turner, 1986) (dẫn theo Kosic, M., và Dimitrova, R., 2017). Bản sắc dân tộc là sự chia sẻ về nguồn gốc, tổ tiên, lịch sử và văn hóa trong một nhóm dân tộc qua đó, cá nhân gắn bó với dân tộc mình cả trên tình cảm và nhận thức (Verkuyten, 2005) (dẫn theo Kosic, M., và Dimitrova, R., 2017). Trong nghiên cứu về tự phân loại bản thân (self-categorization) và sự phân biệt chủng tộc, Verkuyten (1998) đã sử dụng định nghĩa về bản sắc cá nhân và bản sắc xã hội như sau: Bản sắc cá nhân có thể được định nghĩa như tự mô tả bản thân dưới góc độ cá nhân hay các phẩm chất/thuộc tính về mặt tính cách và mặt sinh học; bản sắc xã hội đề cập đến sự tự định nghĩa bản thân dưới góc độ phân loại là thành viên của xã hội (Brown và Turner, 1998, p.38), (dẫn theo Verkuyten, 1998). Như vậy, ngầm ẩn sau tự ý thức về sự thuộc về một nhóm xã hội hay dân tộc nào đó là sự chấp nhận của cá nhân đối với hệ giá trị của nhóm, là cách thức ứng xử theo những chuẩn mực nhất định, là lối sống và những tính cách nhất định đặc trưng cho nhóm hay dân tộc mà cá nhân tự ý thức rằng họ là thành viên.
Như vậy, ở bình diện tâm lý học xã hội, tính cách được nghiên cứu dưới góc độ nhóm, cộng đồng, dân tộc. Ở bình diện này, tính cách của một dân tộc, một cộng đồng thể hiện ở sự chia sẻ các đặc điểm chung trong lối sống, ứng xử, tự ý thức về bản thân mình thuộc về một dân tộc, một nền văn hóa… Cũng như tính cách cá nhân, tính cách dưới góc độ cộng đồng, dân tộc cũng được hình thành trong những điều kiện nhất định về môi trường sống, phương thức hoạt động giao tiếp của nhóm, cộng đồng, dân tộc đó.
(Hết)
Tài liệu tham khảo
-
Kosic, M., & Dimitrova, R. (2017). Collective identity assets for psychological well-being in Slovene minority and Italian majority adolescents in Italy. Current issue in personality psychology, Vol.5(1), 53-63.
-
Mead, M. (1953). National character. In: Kroeber, A.L. Anthropology today: an encyclopedic inventory, Chicago, p. 651.
-
Phạm Xuân Nam (chủ biên, 2008). Triết lý phát triển ở Việt Nam: mấy vấn đề cốt yếu. NXB Khoa học Xã hội.
-
Pronikov, V., và Ladanov, I. (2004). Người Nhật. NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
-
Stefanenko T.G. (2003). Tâm lý học dân tộc. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội (Lê Thị Minh Loan và Nguyễn Hữu Thụ dịch).
-
Nguyễn Quang Uẩn (2001). Tâm lý học Đại cương. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
-
Verkuyten, M.(1998). Self-categorization and the explanation of ethnic discrimination. Journal of cummunity and applied social psychology (8):395-407).
MVH
(Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An)