Tính cộng đồng trong hoạt động cưới xin và tang lễ của người Xơ Đăng và Ba Na ở Tây Nguyên

11/12/2018

(Tamly) - Cũng như tất cả các tộc người khác nhau trên mảnh đất Việt Nam, người Xơ Đăng và người Ba Na cũng phải trải qua những sự kiện quan trọng, những mốc quan trọng trong cuộc đời như cưới xin, qua đời. Tuy nhiên, mỗi một tộc người đều có cách thể hiện khác nhau thể hiện tính cộng đồng của tộc người đó. Vậy, trong hoạt động cưới xin và tang lễ của người Xơ Đăng và người Ba Na ở Tây Nguyên, tính cộng đồng của họ được thể hiện như nào?

Tính cộng đồng trong hoạt động cưới xin 

Hôn nhân của các cặp đôi người Xơ Đăng và người Ba Na không có phải là ngày vui và là mối quan tâm của riêng cặp đôi, của gia đình nhà trai hoặc gia đình nhà gái, mà là của cả cộng đồng làng. Khi trong làng có gia đình tổ chức lễ cưới thì đó là ngày vui của cả cộng đồng. Dân làng tự nguyện đến chia vui. Quà mừng cho cặp đôi, cho gia đình có đám cưới là ghè rượu, con gà hay mấy quả trứng. Quà không mang nhiều ý nghĩa vật chất, mà mang nhiều ý nghĩa tinh thần, miễn là có một chút quà để đến mừng đôi trẻ. Trong lễ cưới, trước sự chứng kiến của người dân, già làng đại diện cho dân làng sẽ trao cần uống rượu, cùng một ít thức ăn cho cô dâu chú rể với mục đích cầu mong sự chia sẻ ngọt bùi và gắn bó đạo vợ chồng. Với chàng trai Xơ Đăng, Ba Na còn có nghi thức chia tay đám con trai ở nhà rông chưa lấy vợ. Tập tục cưới xin của các tộc người ở đây thể hiện tính cộng đồng rất cao.

Tính cộng đồng trong  hoạt động tang lễ

Trong xã hội Xơ Đăng và Ba Na, niềm vui của mỗi cá nhân, mỗi gia đình là niềm vui của cộng đồng và ngược lại nỗi buồn, đau thương, mất mát của mỗi gia đình cũng là nỗi đau chung của cộng đồng dân làng. Khi trong làng có gia đình nào có người qua đời, thì tính cộng đồng được thể hiện rất rõ. 

Tiến hành tang lễ là việc của cả cộng đồng dân làng. Mọi người nghỉ việc ruộng rẫy để cùng chia sẻ đau buồn với tang gia và tùy tâm mang theo đồ ăn thức uống: gà, rượu ghè, trứng... đến để tổ chức đám ma, cùng khóc lên những lời tiễn biệt và cùng tang gia lo việc tang lễ thật chu đáo. Sự chia sẻ nỗi buồn còn được thể hiện trong việc di chuyển (không đi đâu ra khỏi làng), không tham gia, tổ chức những hoạt động vui chơi thể hiện sự vui mừng như không được đánh chiêng, không được uống rượu, mà chỉ tham gia những hoạt động sinh hoạt hàng ngày như câu cá, săn bắn, lấy rau, lấy măng; đặc biệt các thanh niên thể hiện sự chia buồn bằng cách ngủ ở nhà người chết.

Một số ý kiến của người dân Ba Na và Xơ Đăng cho thấy có một vài điểm đã thay đổi so với trước kia trong việc tổ chức tang lễ. Về thời lượng tiến hành tang lễ: Nếu trước kia, hoạt động tang lễ thường kéo dài mấy ngày nhưng từ ngày giải phòng đến thời điểm hiện nay thì hoạt động tiến hành tang lễ chỉ kéo dài trong vòng hai ngày một đêm. Về các khoản đóng góp: Nếu trước kia, dân làng thường đóng góp bằng vật chất, ít hoặc nhiều, tùy tâm và tùy gia đình, thì ngày nay, hình thức đóng góp đã được thay đổi bằng tiền, cũng tùy điều kiện từng gia đình, từng mối quan hệ. Điều này được giải thích là do đời sống cũng được nâng lên, việc góp bằng tiền tiện lợi hơn và nhà có người qua đời cũng có tiền để chi trả những đồ lễ phải mua sắm. Dường như tình người vẫn không có gì thay đổi, tính cộng đồng vẫn được thể hiện qua sự gắn két và tương trợ lẫn nhau trong những tình huống khó khăn hoặc sự kiện quan trọng, nhưng suy nghĩ và cách thức thể hiện đã có sự thay đổi mang tính tiện lợi, thực tế và có vẻ phù hợp với đời sống hơn. 

Bích Ngọc