Khi nào thì nói dối trở thành vấn đề?
Đối với nhiều trẻ thì thái độ của xã hội đối với nói dối thường là phức tạp và dễ gây lẫn lộn. Đôi khi không nói thật lại được coi là tốt nếu mục đích là nhằm không làm cho người khác phật lòng. Hàng ngày trẻ cũng được chứng kiến người lớn nói nhiều điều không thật. Nhưng mặt khác, cố tình nói dối để “lừa” người khác là điều khó được chấp nhận. Nói dối là vấn đề vì nó làm suy giảm lòng tin.
Trẻ trước tuổi đến trường thường hay nghĩ ra những câu chuyện hoặc điều gì đó không có thực. Đôi khi chúng pha trộn giữa thực tế và tưởng tượng. Trong trường hợp này trẻ “nói dối” một cách không cố ý. Tuy nhiên đến độ tuổi tiểu học, trẻ đã biết phân biệt sự thực và tưởng tượng. Vì thế, nếu ở tuổi này mà trẻ nói dối thì đó là vấn đề cần xử lý.
Tại sao trẻ nói dối?
Trẻ nói dối vì nhiều lý do. Trẻ đã làm một việc gì đó và nhận ra rằng nếu cha mẹ, thày cô mà biết thì sẽ không cho phép chúng làm. Nếu nói thật mà chẳng “được” gì, thậm chí còn bị đau đớn thì thay vào đó trẻ có thể nói dối. Ví dụ, nếu trẻ nói thật rồi bị phạt nặng và thiếu công bằng thì có thể trẻ sẽ học cách nói dối để tránh bị trừng phạt.
Trẻ có thể học nói dối khi quan sát cha mẹ hay những người khác nói dối. Ví dụ, có người nói với con rằng “nếu có ai gọi điện thì nói bố không có nhà”. Khi thấy người khác làm hoặc là khi thấy nói dối mà lại “được” thì khả năng là trẻ sẽ bắt chước họ.
Trẻ cũng có thể nói dối như một cách thu hút sự chú ý hoặc để được bạn bè chấp nhận. Trẻ có thể bịa ra những điều mình đã “từng làm/từng thấy/từng có” khác với thực tế. Đôi khi nếu nhận ra rằng bạn cùng trang lứa khó chấp nhận mình thì trẻ có thể bịa chuyện để dễ được chấp nhận hơn. Số trẻ này có thể là những em cô độc, buồn chán hoặc mức độ tự trọng thấp. Thường thì những lời nói dối theo kiểu “khoác loác” sẽ kết thúc khi trẻ đi học tiểu học hoặc khi bị người khác phát hiện một, hai lần.
Làm sao biết được là trẻ đang nói dối?
Nếu không biết chắc khi nào trẻ nói thật thì rất khó giúp trẻ. Trẻ ở tuổi tiểu học thường cười hoặc có một vài dấu hiệu khác trên nét mặt khi nói dối. Hoặc là câu chuyện của trẻ nghe vô lý. Ví dụ khi giải thích về việc có 20.000 đồng, trẻ nói là do bạn cho. Các câu hỏi như khi nào, ở đâu, tên bạn ấy là gì hoặc trình tự câu chuyện thế nào…thường giúp phát hiện sự thật. Tuy vậy, một vài trẻ sẽ không chịu nhận là nói dối dù có bằng chứng.
Khuyến khích trẻ không nói dối như thế nào?
Trao đổi vấn đề với trẻ
Khi mọi người đều bình tĩnh, hãy giải thích cho trẻ biết rằng nói dối là không chấp nhận được và bố/mẹ muốn rằng lần sau con không làm như thế nữa. Khi trẻ đang nói dối mà người lớn trao đổi ngay chuyện này thì thường kém hiệu quả. Hãy cho trẻ chút thời gian để bình tĩnh trở lại và sẵn sàng lắng nghe.
Mô tả vấn đề
Nói một cách ngắn gọn và bình tĩnh cho trẻ biết là việc nói dối sẽ ảnh hưởng tới cha mẹ/thầy cô ra sao và tại sao đó lại là vấn đề - Tuấn, mẹ cảm thấy rất tức giận và thất vọng khi con nói dối. Lần sau mẹ sẽ khó tin những điều con nói. Nếu con tiếp tục nói dối, con sẽ thấy không còn ai tin tưởng con nữa.
Hỏi ý kiến trẻ
Hỏi trẻ xem tại sao trẻ cảm thấy là cần phải nói dối. Nhiều trẻ sẽ không trả lời rõ ràng được. Một số trẻ thì bao biện hoặc đổi lỗi cho người khác. Hãy tránh sa vào những tranh luận với con theo kiểu “được rồi, nhưng…”. Đơn giản là nói với trẻ rằng bạn muốn con từ nay trở đi sẽ nói thật.
Khích lệ trẻ nói thật như thế nào?
Cho trẻ cơ hội nói thật
Nói cho con biết là mẹ sẽ cho con cơ hội để trở thành người thật thà. Đôi khi hỏi con về một vài điều mà bạn đã biết. Kiểm tra nhanh rồi sau đó hỏi trẻ các câu như – con đã thu dọn đồ đạc trong phòng chưa? Con đã làm bài tập chưa? Con đã quét nhà rồi à? Như thế trẻ có thể thực hành nói thật về những điều chúng đã hoặc đang làm. Bạn sẽ biết ngay liệu trẻ có nói thật hay không vì vừa kiểm tra trước rồi.
Khen ngợi trẻ vì đã nói thật
Nếu trẻ nói thật, hãy khen ngợi – Ngoan quá, con đã nói thật cho mẹ biết – dù trẻ có làm đúng điều phải làm hay không. Điều quan trọng là khen ngợi trẻ vì đã nói thật cho dù chuyện xảy ra có không theo ý muốn.
Xử lý nói dối thế nào?
Hành động khi nghi ngờ
Nếu bạn nghi ngờ là trẻ không nói thật thì phải “can thiệp” ngay. Không phải lúc nào cha mẹ cũng chứng minh được là trẻ đã nói dối.
Cho trẻ biết vấn đề và hệ quả
Nếu trẻ nói dối, hãy cho trẻ biết vấn đề - Tuấn, con đang nói dối mẹ về bài tập (con chưa làm xong) – và hậu quả - ăn tối xong, con sẽ không xem hoạt hình.
Xử lý chuyện nói dối trước, sau đó hãy xử lý những gì làm trẻ nói dối. Áp dụng hệ quả phù hợp cho cả hai chuyện. Sử dụng hệ quả là tạm thời cắt bỏ một hoạt động hay quyền lợi nào đó của trẻ một cách hợp lý (vì thế nhiều khi người ta còn gọi là sử dụng hệ quả lôgíc). Ví dụ, bạn thấy lọ mực trong phòng trẻ bị đổ. Khi tìm hiểu tại sao bạn phát hiện trẻ đã nói dối. Hệ quả của việc nói dối này sẽ là không xem tivi trong một ngày và lau chùi những vết mực trên sàn nhà (cha mẹ có thể làm cùng).
Những trẻ nói dối cần có thời gian và hướng dẫn của người lớn để học được cách nói thật. Vai trò của người lớn rất quan trọng nhưng tấm gương của người lớn còn quan trọng hơn.
LVH (biên soạn theo tài liệu của TripleP, The University of Queensland, Australia)