Tại sao trẻ ở tuổi chập chững lại làm đau bạn cùng chơi?
Trẻ hay cắn khi mọc răng. Để cảm nhận sự mọc răng, giai đoạn này trẻ muốn cắn những vật an toàn, êm, mềm.
Một số trẻ cắn, cào, giật tóc, đẩy hoặc đánh bạn chỉ để “xem” chuyện gì sẽ xảy ra. Làm đau người khác, trẻ luôn nhận được phản ứng nào đó - thường là “ấn tượng” - từ “nạn nhân”. Vô tình những phản ứng này lại làm trẻ phấn khích và khả năng sẽ tiếp tục làm như vậy (trẻ không biết là cắn sẽ làm người khác đau; ở tuổi này trẻ cũng chưa biết thông cảm).
Trẻ có thể làm đau người khác vì đang ấm ức hoặc tức giận. Giai đoạn chập chững có thể là khoảng thời gian gây nhiều ấm ức, tức giận cho trẻ: các thứ không được theo ý mình, không đủ từ vựng để diễn đạt ý mình với người khác. Làm đau người khác có thể cũng là cách trẻ đạt được những gì chúng muốn như làm cho trẻ khác phải “thả” đồ chơi ra cho mình. Nếu trẻ đạt được ý muốn theo cách này thì khả năng dễ xảy ra là hành vi đó sẽ tiếp diễn.
Giúp trẻ thế nào để phòng tránh làm đau người khác?
Trông trẻ cẩn thận
Cố gắng tiên đoán vấn đề và phòng tránh nếu có thể. Đầu tiên hãy trông trẻ cẩn thận, đặc biệt là khi trẻ đang chơi với bạn khác và trong các tình huống mà trước đây trẻ đã từng cắn bạn. Bạn phải xử lý nhanh chóng nếu con mình có biểu hiện chuẩn bị làm đau người khác.
Khích lệ trẻ chơi ngoan
Ở tuổi này trẻ thường ngồi gần nhau nhưng chơi riêng nhiều hơn là chơi theo kiểu hợp tác. Khi trẻ chơi ngoan hãy khen ngợi, khích lệ, chú ý tới trẻ. Nói với trẻ về những thứ mà trẻ đang chơi: “con đang ghép một ngôi nhà thật đẹp”; “cái ô tô này chạy thật nhanh”; “hôm nay con chơi thật ngoan”; “mẹ rất thích khi con chơi vui và ngoan với bạn như hôm nay”…
Trong những lần đầu, bạn hãy khen thưởng trẻ vì chúng đã chơi ngoan với các bạn khác trong một hoạt động nào đó. Phần thưởng có thể là được nghe kể hay đọc truyện, một trò chơi, một gói bim bim…Hãy nói với trẻ là bạn rất vui khi trẻ chơi ngoan như thế.
Giúp trẻ nói ra điều mà trẻ muốn
Nếu trẻ gặp khó khăn khi nói hay diễn đạt điều mình muốn thì hãy dạy trẻ vài từ như “Con hay nói: Hùng, bây giờ đến lượt tớ!”. Khích lệ trẻ khi trẻ nói một cách rõ ràng, “lịch sự” điều mà mình muốn.
Làm gì khi trẻ làm đau người khác?
Nói cho trẻ biết phải làm gì để thay thế
Luôn luôn hành động nhanh chóng khi trẻ làm đau người khác. Nói một cách kiên quyết cho trẻ biết phải làm gì thay thế cho việc làm đau bạn. Ví dụ “Lan, không được đánh Trung. Con hãy hỏi Trung nếu muốn mượn đồ chơi của bạn”. Hãy khen ngợi nếu trẻ làm theo hướng dẫn của cha mẹ, thày cô.
Thực hành những cử chỉ nhẹ nhàng
Bước tiếp theo là chỉ cho trẻ thấy làm thế nào để thể hiện các cử chỉ nhẹ nhàng ví dụ như vuốt tóc (thay cho giựt tóc), cầm tay bạn (thay cho đẩy hay cấu bạn). Người lớn cùng với trẻ thực hành những cử chỉ nhẹ nhàng, thân ái theo cách như vậy. Nếu trẻ chưa muốn làm theo thì hãy hướng dẫn thông qua hành động. Nếu hành vi làm đau người khác ở trẻ vẫn tiếp diễn trong vòng 1 giờ sau khi đã động viên và hướng dẫn như trên, hãy sử dụng các cách sau đây:
Nói cho trẻ biết vấn đề và hệ quả của hành vi đó
Người lớn có thể nói “Tuấn, con vẫn làm đau Lan. Con phải đi vào chỗ kia ngồi yên lặng một lúc (góc tạm lắng)
Đưa trẻ tới chỗ thực hiện thời gian tạm lắng ngay lập tức
Thời gian tạm lắng là thời gian người lớn không chú ý tới trẻ nữa, trẻ phải ngồi yên lặng ở bên cạnh khu vực các bạn khác đang chơi vui mà không được tham gia. Lưu ý thời gian tạm lắng không được kéo dài quá mức cần thiết (thường số phút bằng số tuổi hoặc chỉ đủ để trẻ bình tĩnh trở lại, nếu không đó sẽ là trừng phạt chứ không phải biện pháp tích cực). Nói với trẻ rằng trẻ phải im lặng một lúc trước khi nó có thể tham gia chơi lại cùng các bạn.
Cho phép trẻ quay trở lại hoạt động cùng các bạn
Khi trẻ im lặng, bình tĩnh trở lại sau 1, 2 phút thì điều quan trọng là phải để trẻ tham gia trở lại hoạt động theo cách thức không làm đau người khác. Nếu chuyện đó lại tiếp diễn thì có thể lặp lại thời gian tạm lắng. Một số lần như vậy có thể giúp trẻ học được cách không làm đau bạn cùng chơi.
LVH (biên soạn theo tài liệu của TripleP, The University of Queensland, Australia)