Không phải cường độ hay tần suất các vụ gây gổ sẽ phá hủy một gia đình mà đó là một "cơ chế hủy diệt" dựa vào tiến trình có 4 giai đoạn: chỉ trích, khinh bỉ, hắt hủi, xa cách.
Nhà tâm lý Mỹ John Gottman đã nhận diện được 4 giai đoạn chủ yếu đó và trong suốt 20 năm ông đã thống kê lại các từ ngữ, cử chỉ, điệu bộ và nhịp tim của hơn 2000 cặp vợ chồng đang cãi nhau. Ông nói rằng có thể tiên đoán chính xác đến 94% những cặp nào bền vững và cặp nào đi đến chỗ chia tay.
Kết luận của ông ngược với một lý thuyết rất phổ biến cho rằng các vấn đề về tiền bạc, tình dục hay tính khí bất đồng sẽ dẫn đến đổ vỡ. Đúng ra, theo ông, sự gia tăng những hiểu lầm mới là nguyên nhân. Không được chia sẻ, một lời chỉ trích nhỏ sẽ tạo ra một bất mãn, sau đó nó biến thành sự khinh bỉ.
Các nhận xét của Gottman tạo ra một hy vọng cho các cặp mà cuộc hôn nhân đang ở bờ vực. Bởi vì để ra khỏi cái vòng luẩn quẩn đó, chỉ cần nhận diện những thái độ khiến hai người trở nên xa cách với nhau và thay đổi chúng. Chuyện của Sara và Robert là một minh chứng cho lý luận này.
Sara 39 tuổi, là giám đốc một văn phòng công tác xã hội. Còn Robert, chồng cô 40 tuổi và điều hành một xưởng in nhỏ tại Toronto, Canada. Họ không có con và sau 15 năm hôn nhân, dường như họ rất hợp ý nhau: không bao giờ to tiếng. Nhưng phía sau bề ngoài đó, "quá trình hủy diệt" đang tiến triển. Một buổi tối nọ, lúc đang xem truyền hình, Sara quay sang hỏi Robert xem có nên tỉa thảm cỏ trước khi đi nghỉ cuối tuần không. Anh gật đầu. Sau đó chị lại nói rằng tốt hơn họ nên ở nhà để anh có thể sơn lại nhà bếp. "Tùy em", anh chồng nói rồi lên phòng ngủ.
Sáng hôm sau, trước khi đi làm, Sara trách về thái độ hờ hững của chồng. "Tại sao cứ phải em nghĩ đến việc tỉa thảm cỏ. Tại sao anh không thể nhận ra nhà bếp cần được sơn lại?". Robert nằm trên giường im lặng nhìn lên trần nhà. Bề ngoài, cuộc tranh luận đã xảy ra vì mỗi người không quan tâm giữ gìn căn nhà theo cùng một cách.
Thực ra, vấn đề sâu sắc hơn: Sara ngày càng không chịu nổi thái độ thản nhiên của Robert. Chị có cảm tưởng như anh không quan tâm đến các vấn đề của chị. Anh càng im lặng, các nhận xét của chị ngày càng cay độc hơn. Cứ căng thẳng mãi, cuối cùng hai người không còn chịu đựng nhau được nữa. Robert cho rằng mọi hành động của vợ chứng tỏ sự thiếu tình yêu, và Sara cũng nghĩ thế.
Đến một buổi sáng tháng 11/1993, Robert đã phản ứng lại lời chỉ trích của vợ: "Ở nhà này anh cảm thấy không hạnh phúc", rồi anh rời khỏi nhà trước khi vợ đi làm về.
Đó là điều mà Gottman gọi là một tình huống ngõ cụt cổ điển: một bên là người vợ luôn tìm kiếm niềm an ủi tình cảm, bên kia là người chồng không thể bộc lộ cảm xúc ra ngoài. Thực ra, hai giới tính có những thái độ khác nhau về cơ bản. Xã hội khuyến khích phụ nữ biểu lộ tình cảm nhưng đòi hỏi đàn ông phải đè nén để quay sang hành động. Điều nghịch lý là dường như đàn ông có hệ thần kinh nhạy cảm hơn.
Cuộc nghiên cứu của Gottman đã cho thấy họ phản ứng mạnh mẽ hơn phụ nữ đối với cơn stress của sự cãi cọ: huyết áp và nhịp tim của họ tăng đáng kể và họ cần nhiều thời gian hơn để bình tâm lại. Do vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi 85% số người "câm nín" lại là đàn ông. Tránh né cuộc tranh cãi vì sợ bị chìm ngập bởi nỗi lo âu hay thịnh nộ, họ chọn sự câm lặng như một hệ thống phòng vệ.
Sara và Robert không thể sống thiếu nhau. Nhưng vì hiểu rằng sự quyến luyến nhau không đủ để giúp họ thoát ra khỏi ngõ cụt nên họ đã đến nhờ cố vấn về gia đình. Dần dần họ đã cùng nhau ra ngoài giải trí, và hai tháng sau đó Robert đã trở về mái ấm. Họ bớt chỉ trích nhau nhưng nếu điều đó có xảy ra, Robert không chui vào vỏ sò nữa, không im lặng để chồng chất ẩn ức. Anh cũng đáp lại, nhưng đồng thời không nghĩ rằng chị tìm cách hạ thấp anh hay không còn yêu anh nữa. Còn Sara cũng luôn nhớ rằng, anh từng là "người chồng đáng yêu nhất".
Như thế, việc cãi cọ có thể giúp giải tỏa những căng thẳng dồn nén trong lòng. Nếu không thể tránh được bất đồng quan điểm đi đến to tiếng, việc tranh cãi sẽ tốt hơn sự câm nín nếu mỗi người biết chừng mực trong các lời nói của mình và đừng vượt qua ngưỡng "nguy hiểm", nhất là đừng nghĩ rằng cãi cọ là biểu hiện của sự giảm bớt tình yêu.
(Theo Tài hoa trẻ)