Văn hóa và lối sống của thanh niên Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế

21/12/2010

Để bước đầu xây dựng những nguyên tắc cho cách tiếp cận đối với chủ đề chính và góp phần nhận diện những xu hướng biến đổi của văn hóa và lối sống của thanh niên Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, trong khuôn khổ của bài viết này chúng tôi xin đề cập tới một số khái niệm công cụ và khía cạnh phương pháp luận của các vấn đề nghiên cứu.
Trong khuôn khổ bài nghiên cứu này chúng tôi không đi sâu phân tích và trình bày kỹ về những vấn đề lý thuyết và cách tiếp cận đối với các đối tượng nghiên cứu phức tạp là thanh niên, văn hóa thanh niên và lối sống thanh niên. Tuy nhiên, để bước đầu xây dựng những nguyên tắc cho cách tiếp cận đối với chủ đề chính và góp phần nhận diện những xu hướng biến đổi của văn hóa và lối sống của thanh niên Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, trong khuôn khổ của bài viết này chúng tôi xin đề cập tới một số khái niệm công cụ và khía cạnh phương pháp luận của các vấn đề nghiên cứu.

1. Thanh niên, tiếp cận từ góc độ xã hội học - dân cư có thể định nghĩa là một bộ phận phức hợp của dân cư của một quốc gia - dân tộc bao gồm tất cả các cá thể ở trong độ tuổi từ 15 đến 29. Như vậy, bộ phận dân cư được gọi là “thanh niên” này chỉ phân biệt một cách tương đối với các bộ phận dân cư khác của quốc gia - dân tộc ấy trên một tiêu chí duy nhất là giới hạn độ tuổi. Nếu sử dụng thuật ngữ “nhóm xã hội” để chỉ tập hợp xã hội – dân cư “thanh niên” này thì có thể thấy “nhóm” này có đường ranh giới nhóm (group boundary) rất mong manh, chẳng khác nào hai sợi dây ảo chắn giữa hai đầu một khúc sông luôn luôn chảy, bởi lẽ các thành viên của nhóm liên tục vào ở đầu này và ra ở đầu kia do quy luật vận động tự nhiên của sự “lớn lên” hay “già đi” của các thành viên. Và điều này cho thấy “thanh niên” là một nhóm xã hội - dân cư “động” chứ không phải là một nhóm “tĩnh”, ổn định. Đặc trưng này hàm chứa cả những ưu điểm và cả những nhược điểm của nhóm xã hội - dân cư “thanh niên”. Một mặt, nhờ quy luật là nhóm “động” thường xuyên cho nên nó luôn là chủ thể chuyển tải liên tục các giá trị liên thế hệ, nhưng mặt khác nó rất khó xác lập cho mình những giá trị xác định có thể tạo nên một bản sắc nhóm bền vững (sustainable group identity). Vì vậy, việc nghiên cứu, khám phá những định hướng giá trị, xác định những chiều cạnh khách quan và chủ quan của văn hóa và lối sống của nhóm này hết sức khó khăn và luôn hàm chứa độ dung sai và rủi ro cao.

Với tính cách là một nhóm xã hội - dân cư, “thanh niên” không chỉ “động” và phức hợp xét theo chiều dọc mà còn hết sức phức hợp theo chiều phẳng ngang, bởi lẽ nó hàm chứa trong đó những cá thể ở độ tuổi thanh niên có nguồn gốc xuất thân khác nhau, thuộc mọi giai tầng trong xã hội, với các trình độ học vấn, tôn giáo, sắc tộc, giới tính, thành thị và nông thôn và với nhiều ngành nghề khác nhau, dưới sự tác động của nhiều định hướng ý thức hệ, tư tưởng, truyền thống, mô hình ứng xử và với nhiều loại thói quen, tập tục vv... khác nhau. Hơn nữa, xét riêng về độ tuổi thì nhóm xã hội - dân cư “thanh niên” cũng chỉ là một nhóm lớn, bao gồm trong đó nhiều nhóm nhỏ thuộc các độ tuổi khác nhau. Một số người chia “thanh niên” thành 3 tiểu nhóm (subgroup) ở các độ tuổi 14-17, 18-21, 22-25 (ở đây giới hạn cho tuổi “vị thành niên và thanh niên” được tính từ 14 đến 25).1 Trong khi đó một số nhà nghiên cứu khác lại chia “thanh niên” thành các tiểu nhóm theo các độ tuổi 15- 19, 20-24 và 25-29.2 Trong một chuyên khảo xuất bản gần đây, Đặng Cảnh Khanh lại chia “dân số thanh niên” thành hai nhóm lớn theo các độ tuổi, 15 - 24 và 25 - 34 (ở đây giới hạn độ tuổi của thanh niên được tính từ 15 đến 34).

Ngoài tiêu chí độ tuổi, nhóm xã hội - dân cư “thanh niên” còn có thể được chia thành các tiểu nhóm khác nhau, như thanh niên thành thị, thanh niên nông thôn (nếu lấy địa bàn cư trú làm tiêu chí phân biệt), hay thanh niên công nhân, thanh niên nông dân hoặc thanh niên trí thức (nếu lấy nghề nghiệp làm tiêu chí phân biệt)... Ngoài ra, các yếu tố khác như tộc người, tôn giáo, giới tính, giàu - nghèo... cũng có thể được coi là tiêu chí để phân biệt các tiểu nhóm trong nhóm lớn “thanh niên”.

Qua đó có thể thấy “thanh niên” là một nhóm xã hội dân cư có tính phức hợp(hetrogenousness) rất cao, hàm chứa trong đó nhiều sự đa dạng (diversities) về độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, địa bàn cư trú, định hướng giá trị, lợi ích, tâm linh và các mô hình ứng xử (modes of behaviors) và lựa chọn xã hội (social preferences)... Vì vậy, trong nghiên cứu về văn hóa thanh niên và lối sống thanh niên cần phải đặc biệt lưu ý đến tính phức hợp và tính đa dạng cao của nhóm xã hội - dân cư này, đồng thời phải luôn luôn đặt nhóm đó trong mối liên hệ với các nhóm xã hội - dân cư, xã hội - nghề nghiệp, xã hội - giai cấp hoặc những cộng đồng dân cư khác nhau để xem xét, tham chiếu. Để khám phá và nhận diện đầy đủ hơn tính phức hợp và đa dạng trong cấu trúc xã hội, trong định hướng giá trị, trong mô thức ứng xử và trong lối sống của thanh niên thì nhất định các nghiên cứu, khảo sát về thanh niên cần phải dựa trên hai cách tiếp cận căn bản là tiếp cận đa chiều (multi-dimensional approach) và liên ngành (multi-disciplinary approach). Đây là một đòi hỏi có tính phương pháp luận trong nghiên cứu về thanh niên, và thực tế đây là một đòi hỏi rất khó khăn mà nhà nghiên cứu không dễ gì đáp ứng được, cho dù họ có ý thức đầy đủ và rõ ràng về tính chính đáng của đòi hỏi này.

Dù là nhóm xã hội - dân cư có tính phức hợp và đa dạng rất cao như đã chỉ ra ở trên, “thanh niên” vẫn có những đặc điểm, đặc trưng chung, tạo nên tính thống nhất (unity), những sự tương đồng (similarities) là cơ sở cho độ cố kết của nhóm (group cohesion).

Cái chung, cái thống nhất căn bản nhất của “thanh niên” chính là ở tuổi trẻ, ở độ tuổi “thanh niên” của tất cả các thành viên. Trong cuộc đời của mỗi con người thì tuổi thanh niên có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Xét từ góc độ tâm - sinh lý thì đây là giai đoạn con người chuyển biến từ một đứa trẻ thành một người trưởng thành với sự hoàn thiện cơ thể về mặt sinh học và những chuyển biến về tâm - sinh lý, tình cảm rất điển hình của “tuổi dậy thì”. Xét từ góc độ “con người -xã hội” thì tuổi thanh niên chính là giai đọan mỗi con người chuẩn bị hành trang cho toàn bộ cuộc đời mình: học vấn, nghề nghiệp, thử nghiệm và lựa chọn văn hóa, kinh nghiệm, lối sống trên cở sở định hình dần hệ giá trị của riêng mình, trở thành công dân thực thụ với đầy đủ những quyền lợi và nghĩa vụ do luật định, lựa chọn bạn đời và lập gia đình (hay không lập gia đình)...

Với ý nghĩa nhóm xã hội - dân cư thì thanh niên cũng có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia - dân tộc. Hồ Chí Minh từng nói: “Một năm bắt đầu bằng mùa xuân, cuộc đời bắt đầu bằng tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của dân tộc.” Thanh niên là nhóm xã hội - dân cư có sứ mệnh đón nhận sự “trao truyền” giá trị, bàn giao nhiệm vụ, ủy thác trách nhiệm, gửi gắm niềm tin của thế hệ đi trước (thế hệ già đã và đang giữ vai trò lãnh đạo gia đình - cộng đồng - quốc gia dân tộc). Vì vậy, có thể nói thanh niên chính là tương lai của toàn cộng đồng, dân tộc. Nếu thế hệ thanh niên không được chuẩn bị chu đáo để tiếp nhận sự bàn giao sứ mệnh, kế tục các thế hệ đi trước thì số phận và tương lai của toàn bộ cộng đồng quốc gia - dân tộc sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Chính vì vậy mà các thế hệ đi trước (của tất cả các dân tộc và trong nhiều thời đại lịch sử) đều thường rất quan tâm tới việc đào tạo, rèn luyện, gây ảnh hưởng với thanh niên bằng nhiều phương thức khác nhau, chuẩn bị để họ nhận lãnh trách nhiệm với dân tộc và cộng đồng, kế tục sự nghiệp của các thế hệ đi trước. Trong Di chúc của mình, Hồ Chí Minh căn dặn Đảng và nhân dân ta: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Do tầm quan trọng của mối quan hệ liên thế hệ này mà sự giao phó - nhận lãnh, bàn giao - kế tục, trao truyền - tiếp nhận giữa các thế hệ “già” và thanh niên cũng luôn luôn nảy ra những xung đột phức tạp, đôi khi khá gay gắt. Về phía các thế hệ “già”, họ thường có xu hướng trở nên bảo thủ, coi những lựa chọn, những chế định và những mô hình, chính sách, quan niệm... của thế hệ đi trước là tuyệt đối đúng, lo ngại thế hệ kế tục sẽ chỉnh sửa hoặc thay đổi, phủ nhận tất cả, mà quên rằng đó là lựa chọn và quyết định có tính lịch sử của thế hệ của họ mà thôi. Hơn nữa, họ cũng thường coi thanh niên là những người non nớt, không đủ bản lĩnh và kinh nghiệm để thay thế cho thế hệ của họ, cho dù họ cũng từng trải qua thời thanh niên và ý thức đầy đủ được rằng việc họ nhường chỗ cho thế hệ trẻ hơn là một tất yếu khách quan.

Về phía thanh niên thì không được quên rằng sứ mệnh của họ là người kế tục, nhận lãnh trách nhiệm, sứ mệnh và các giá trị của các thế hệ già. Tuy nhiên, vì họ là thế hệ của những người trẻ tuổi, là sản phẩm đích thực của thời đại mà họ đang sống chứ không phải thuần túy chỉ là sản phẩm đào tạo, bồi dưỡng của thế hệ “già”. Vì vậy họ là lớp người vô cùng năng động, không bị động mà luôn luôn chủ động, tích cực trong việc chuẩn bị hành trang cho tương lai của bản thân mình và của quốc gia - dân tộc. Vì vậy, bên cạnh những gì họ bị ảnh hưởng do tiếp nhận những sự trao truyền, giáo dục của thế hệ đi trước thì họ luôn luôn có lựa chọn của riêng mình và thế hệ mình. Ngoài ảnh hưởng của thế hệ “cha chú” trong cộng đồng gia đình hay quốc gia - dân tộc, trong thời đại toàn cầu hóa, họ còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố văn hóa, tri thức, kinh nghiệm, giá trị và lựa chọn của các cộng đồng và cá nhân khác trên thế giới. Với tất cả những điều kiện đó, thanh niên thường có xu hướng thử nghiệm nhiều khả năng, nhiều lựa chọn, ngay cả khi họ còn chưa được chuẩn bị đủ tốt cho những thử nghiệm đó, vì đối với họ, dù có phạm sai lầm vẫn có thời cơ làm lại, thử nghiệm lại. Và vì vậy, phần đông thanh niên thường có xu hướng hoài nghi, kiểm chứng lại những lựa chọn, chế định và quan niệm của thế hệ đi trước, thậm chí cố tình phủ nhận, làm khác, coi đó như một phương thức để khẳng định tư cách “người lớn” của mình. Đó là nguyên nhân thường dẫn đến những “lệch chuẩn” trong ứng xử văn hóa của thanh niên. Khi những thử nghiệm bị thất bại, những “lệch chuẩn” bị lên án thì thanh niên sẽ rơi vào tình trạng bi quan, chán nản, phản kháng và thậm chí là phạm tội.

Tính trẻ, năng động, ưa thử nghiệm và dễ phạm sai lầm và xung đột với thế hệ đi trước chính là mẫu số chung, là đặc điểm chung của thanh niên ở mọi thời đại, mọi quốc gia - dân tộc. Hơn nữa, càng về sau và càng ở các quốc gia - dân tộc văn minh, hiện đại, tình trạng này càng bộc lộ rõ, phức tạp và gay gắt hơn. (Trong các xã hội thời cổ đại và trung đại thì khoảng thời gian dành cho tuổi “thanh niên” của con người thường rất ngắn, bởi khi đó con người “chưa kịp lớn đã phải già”, vừa bước qua tuổi vị thành niên đã buộc phải làm người lớn với đầy đủ chức phận của mình. Còn ở các nước chậm phát triển hiện nay thì nhìn chung tốc độ thay đổi tri thức, kinh nghiệm, kinh tế và văn hóa là chậm hơn so với các nước phát triển. Vì vậy sự khác biệt thế hệ giữa thanh niên và thế hệ già thường nhỏ hơn, đơn giản hơn nên các “xung đột thế hệ” cũng dường như ít gay gắt và phức tạp hơn.)

Qua những phân tích ở trên thì có thể khẳng định tính trẻ và năng động là một trong những đặc trưng chung của thanh niên ở tất cả các quốc gia - dân tộc và trong các thời đại lịch sử khác nhau. Lịch sử đã chứng minh rằng các hệ tư tưởng, tôn giáo, học thuyết, chính sách, chế định, pháp luật và luật tục thường là sản phẩm của các thế hệ lớn tuổi, nhưng các khởi xướng (initiative) xã hội, văn hóa, lối sống các trào lưu và các phản kháng xã hội – chính trị, các giáo phái, các dòng thời trang và âm nhạc… thường xuất hiện trong thanh niên, bắt nguồn từ thanh niên. Cuối cùng đời sống các cộng đồng, các quốc gia - dân tộc và toàn nhân loại chỉ tái lập được sự ổn định tương đối, sự hài hòa và phát triển bền vững khi sự tương tác liên thế hệ và giữa thanh niên và nhóm người “già” tìm được tiếng nói chung và đạt được những sự nhân nhượng thích hợp (rational compromise), đồng thời những xung đột “bề ngang” giữa các giai cấp và các nhóm xã hội khác nhau tìm được sự thỏa thuận về lợi ích. Ngoài đặc trưng chung có tính bao trùm nói trên, trong mỗi cộng đồng cư dân và mỗi quốc gia - dân tộc và ở từng thời kỳ lịch sử thanh niên còn có những đặc điểm chung khác. Để khám phá những đặc điểm chung này cần có những khảo sát liên ngành cụ thể.

 
PGS.TS. Phạm Hồng Tung
Nguồn: www.chungta.com