Sự khác biệt về mức độ tham gia các công việc gia đình của học sinh THCS

13/12/2010

(Tamly) - Khi tìm hiểu mức độ tham gia các công việc gia đình của học sinh trung học cơ sở (HSTHCS), chúng tôi thấy rằng, việc thực hiện có sự khác nhau giữa học sinh nông thôn và học sinh thành phố, giữa học sinh lớn và học sinh nhỏ.(Xem thêm bài Mức độ thực hiện công việc gia đình của học sinh trung học cơ sở)

1. Sự khác biệt giữa học sinh thành phố và học sinh nông thôn
Kết quả phân tích cho thấy có sự khác biệt giữa thành phố và nông thôn về mức độ thực hiện công việc trong gia đình ở các em học sinh, học sinh nông thôn thực hiện thường xuyên hơn học sinh thành phố (2,40 > 2,27; với p < 0,05).
Sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn được thể hiện ở từng công việc cụ thể như học sinh nông thôn làm nhiều hơn học sinh thành phố trong công việc nấu cơm (3,07 > 2,51; p < 0,05), đi chợ mua thức ăn ( 1,98 > 1,88; p < 0,05); được mẹ giao lại tiền để chi tiêu ( 1,50 > 1,26; p < 0,05); chăm sóc em hoặc giúp anh chị làm các việc trong gia đình ( 2,83 > 2,60; p < 0,05); tự sắp xếp một số công việc trong gia đình khi bố mẹ vắng nhà ( 1,95 > 1,94; p < 0,05).

2. Sự khác biệt giữa học sinh lớn và học sinh nhỏ
Xét điểm trung bình về mức độ thực hiện công việc gia đình, kết quả phân tích cho thấy học sinh càng lớn thì mức độ thực hiện công việc càng thường xuyên hơn. Học sinh khối 7, 8, 9 thực hiện các công việc trong gia đình nhiều hơn học sinh khối 6 (2,2 < 2,31; 2,34; 2,49; p < 0,05). Học sinh khối 9 thường xuyên giúp đỡ bố mẹ các công việc nhà hơn học sinh khối 7 và 8 ( 2,49 > 2,31 và 2,49 > 2,34; p < 0,05).
Cụ thể, các em lớp 9 và lớp 8 giúp bố mẹ dọn nhà, đổ rác, tưới cây… nhiều hơn các em lớp 6 ( 2,91 > 2,73 và 2,98 > 2,73; p < 0,05).
Các em lớp 9 cũng đảm nhận công việc nấu cơm nhiều hơn các em lớp 6 và lớp 8 ( 2,94 > 2,64 và 2,94 > 2,72; p < 0,05). Trong công việc này, học sinh lớp 7 cũng thực hiện nhiều hơn học sinh lớp 6 ( 2,88 > 2,64; p < 0,05).
Học sinh khối 7, 8, 9 thường xuyên rửa bát sau khi ăn hơn học sinh khối 6 ( 2,98; 3,02; 3,19 > 2,67; p < 0,05).
Học sinh khối 7, 8, 9 chăm chỉ giặt quần áo hơn học sinh khối 6 ( 2,35; 2,25; 2,69 > 1,90; p < 0,05) và học sinh khối 9 cũng làm nhiều hơn học sinh khối 7 và khối 8 ( 2,69 > 2,35; 2,35; p < 0,05).
Khi được hỏi về trách nhiệm chăm sóc bố mẹ và người thân trong gia đình khi họ bị ốm thì học sinh khối 9 có trách nhiệm cao hơn học sinh khối 6 và khối 7 ( 2,68 > 2,45; 2,43; p < 0,05).
Trong việc trông coi, quán xuyến gia đình khi bố mẹ vắng nhà thì học sinh khối 9 cũng thể hiện trách nhiệm nhiều hơn học sinh khối 6 ( 2,57 > 2,34; p < 0,05).
Học sinh khối 9 được bố mẹ bàn bạc, hỏi ý kiến về một số việc chung của gia đình nhiều hơn học sinh khối 6, 7, 8 ( 1,98 > 1,74; 1,69; 1,78 với p < 0,05).
Trong các việc như tự sắp xếp công việc thay bố mẹ hoặc được mẹ giao lại tiền để chi tiêu thì học sinh khối 9 được bố mẹ tin cậy hơn học sinh khối 6 ( 2,05 > 1,84; 1,48 > 1,27 với p < 0,05).
Như vậy, có thể nói rằng, học sinh càng lớn các em càng đảm trách nhiều công việc, từ đó các em thể hiện trách nhiệm của mình đối với các công việc của gia đình, nhất là những công việc đòi hỏi tinh thần trách nhiệm và khả năng tự lập cao, qua đó các em dần xác lập được vai trò và tự khẳng định mình trong quan hệ với người lớn.

3. Sự khác biệt giữa học sinh nam và học sinh nữ
So sánh giữa học sinh nam và học sinh nữ, không thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về mức độ thực hiện công việc trong gia đình. Nhưng khi xem xét từng công việc cụ thể lại thấy có nhiều công việc học sinh nam thực hiện thường xuyên hơn học sinh nữ. Cụ thể, ĐTB của học sinh nữ cao hơn học sinh nam ở các công việc như tự nấu cơm (2,98 > 2,58; p < 0,05), rửa bát sau khi ăn (3,2 > 2,69; p < 0,05), giặt quần áo (2,54 > 2,0; p < 0,05), mẹ giao lại tiền để chi tiêu (1,42 > 1,34; p < 0,05). Trong đó, tự giặt quần áo là công việc có độ chênh lệch lớn nhất (d = 0,54). Kết quả phân tích cho thấy, hiện nay, các em nữ tham gia công việc nội trợ trong gia đình nhiều hơn các em nam, điều này cũng phản ánh phần nào ảnh hưởng của giới đến sự phân công lao động trong gia đình.

Tóm lại, kết quả khảo sát trên 656 học sinh thuộc 4 khối 6, 7, 8, 9 của 4 trường THCS ở Hà Nội và Hưng Yên cho thấy:
- Học sinh nông thôn thực hiện các công việc trong gia đình để giúp đỡ bố mẹ thường xuyên hơn học sinh thành phố.
- Học sinh lớn thực hiện một số công việc trong gia đình nhiều hơn các em nhỏ hơn.
- Không tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa giữa các em nam và nữ khi xem xét toàn thang đo mức độ thực hiện những công việc gia đình. Nhưng trong từng công việc cụ thể như rửa bát, nấu cơm, giặt quần áo, chi tiêu khi mẹ giao tiền thì các em nữ thực hiện nhiều hơn các em nam.

Quỳnh Châu