Để tìm hiểu thực trạng mức độ thực hiện các công việc ở trường, lớp, trong nhóm bạn của HSTHCS, chúng tôi đã tiến hành khảo sát bằng bảng hỏi trên 656 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 của bốn trường trung học cơ sở ở Hà Nội và Hưng Yên. Có 4 mức độ để khách thể lựa chọn khi trả lời các câu hỏi.
“Hoàn toàn sai”: 1 điểm
“Phần lớn là sai”: 2 điểm
“Phần lớn là đúng”: 3 điểm
“Hoàn toàn đúng”: 4 điểm
Như vậy, điểm càng cao thì khả năng thực hiện công việc càng lớn. Điểm trung vị của thang đo là 2,5.
Kết quả khảo sát cho thấy, điểm trung bình (ĐTB) toàn thang đo mức độ thực hiện các công việc ở trường, lớp, trong nhóm bạn của HSTHCS là 2,92 với độ lệch chuẩn (ĐLC) là 0,57. Nhìn chung, HSTHCS tham gia các công việc ở trường , lớp và trong nhóm bạn khá tích cực. Trong một số công việc, các em đã thể hiện được sự năng động, khả năng tự quyết định, năng lực tự tổ chức các hoạt động của mình, đây chính là những biến đổi về chất trong các hoạt động của HSTHCS.
Trong các nội dung thể hiện những công việc của các em ở trường, lớp thì tính tích cực với việc học tập được thể hiện rõ rệt nhất (ĐTB = 3,42; ĐLC =0,76) trong toàn thang đo. Các em đã chủ động trong quan hệ với thầy cô giáo và bạn bè. Điều này được phản ánh cụ thể: có 55,6% các em được hỏi cho rằng hoàn toàn chủ động hỏi lại thầy cô hoặc bạn bè khi chưa hiểu rõ những điều thầy cô giảng, có 34,5% các em cho rằng phần lớn là đúng, chỉ có tỉ lệ rất nhỏ (3,2%) các em cho rằng hoàn toàn sai, nghĩa là chưa bao giờ các em dám chủ động hỏi thầy cô hoặc bạn bè khi chưa hiểu rõ những kiến thức đã học, có 6,7% các em cho rằng rất ít khi thực hiện việc này.
Việc tham gia vào các hoạt động xã hội mà nhà trường và Đoàn , Đội tổ chức cũng là nội dung được các em lựa chọn nhiều (ĐTB =3,37; ĐLC = 0,81), điều đó cho thấy các em đã có ý thức tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội mà các đoàn thể tổ chức với tư cách là những thành viên. Cụ thể, có tới 53,9% các em trong diện khảo sát trả lời rằng luôn luôn tham gia vào các hoạt động đó, có 33,1% các em cho rằng có tham gia nhưng không đầy đủ, chỉ có 4,0% các em trả lời là chưa bao giờ tham gia vào các hoạt động đó, và có 9,0% các em rất ít khi tham gia. Như vậy, có thể nói các em HSTHCS tham gia rất tích cực vào các hoạt động đoàn thể, thông qua các hoạt động này các em được thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình đối với các hoạt động tập thể, được tham gia các hoạt động như người lớn.
Bàn bạc với các bạn để quyết định nội dung và phương thức tổ chức các hoạt động hoặc các buổi sinh hoạt ngoại khoá và tự tổ chức sinh nhật đều có điểm trung bình là 2,86. Như vậy, các em đã bước đầu thể hiện khả năng tổ chức, tự quyết định trong những công việc của mình như người lớn. Có 34,7% các em cho rằng hoàn toàn đúng và có 33,1% các em cho rằng phần lớn là đúng khi được hỏi về việc tự tổ chức sinh nhật. Việc bàn bạc với các bạn để quyết định nội dung và phương thức tổ chức các hoạt động hoặc các buổi sinh hoạt ngoại khoá có đến 24,1% các em trả lời là hoàn toàn đúng và 36,9% các em cho rằng phần lớn là đúng. Tỉ lệ các em chưa bao giờ thực hiện những việc này là rất nhỏ ( 16,3% và 16,8%). Có thể nói, HSTHCS đã chủ động, tự thực hiện một số những công việc của các em, các em đã có thể tự quyết định hình thức, nội dung và cách tổ chức những việc đó, đó chính là sự thể hiện từng bước khả năng độc lập của lứa tuổi này, đồng thời qua những công việc đó các em dần tích luỹ được kinh nghiệm để tham gia vào nhiều hoạt động khác như một người lớn.
Cùng với việc quyết định nội dung và phương thức tổ chức các hoạt động ngoại khoá, các em còn cùng nhau tổ chức một số trò chơi phục vụ cho việc học tập của mình (ĐTB = 2,73; ĐLC = 1,13). Có đến 32,1% và 30,7% các em trả lời là hoàn toàn đúng và phần lớn là đúng khi được hỏi về vấn đề này. Số liệu đã cho thấy phần nào sự thể hiện tính độc lập, sáng tạo, chủ động của các em trong lĩnh vực học tập.
Bên cạnh sự năng động, tích cực trong các hoạt động học tập thì việc tổ chức, tham gia các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ là hoạt động các em tham gia ít nhất (ĐTB = 2,66; ĐLC = 1,04). Cụ thể, có 18,5% các em trả lời chưa bao giờ thực hiện công việc này, có 21,7% các em trả lời là rất ít khi thực hiện. Phải chăng việc tổ chức các hoạt động thể thao hiện nay ở các trường trung học cơ sở chưa được quan tâm bằng những hoạt động khác, hay các em học sinh bây giờ có những hoạt động khác cuốn hút các em hơn, để lý giải hiện tượng này cần có những nghiên cứu cụ thể hơn.
Các em tự tổ chức đi chơi khi có thời gian rỗi là nội dung trong thang đo có số em lựa chọn không nhiều ( ĐTB = 2,71; ĐLC = 0,95). Thực trạng này cũng là điều dễ hiểu vì hiện này các em HSTHCS khó có thể tự tổ chức đi chơi, một phần các em phải dành thời gian cho học tập, một phần bố mẹ không yên tâm để các em đi chơi một mình. Các em ở nông thôn thì lại càng ít có cơ hội để tổ chức vì ngoài thời gian học các em còn phải giúp gia đình nhiều công việc khác. Các em ở thành phố thường được bố mẹ đưa đi học và đón sau khi tan học.
Như vậy, nhìn chung, HSTHCS hiện nay đã bước đầu thể hiện được tính tích cực cũng như khả năng độc lập, chủ động trong quá trình tham gia một số hoạt động ở trường, lớp và trong nhóm bạn. Tuy nhiên, tính tích cực, chủ động thể hiện ở trong học tập hoặc tham gia các phong trào của nhà trường nhiều hơn trong các hoạt động khác như tự tổ chức đi chơi hoặc tự tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ.
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Minh Hạc, Đặng Xuân Hoài, Trần Trọng Thuỷ (đồng chủ biên). Hoạt động, giao tiếp và chất lượng giáo dục. NXB ĐHQG Hà Nội – 2002, tr 54.
Vũ Quỳnh Châu