Cụm từ "nữ trí thức" thể hiện hai hàm ý: nữ (cá nhân hay nhóm người có giới tính là nữ) và có nghề nghiệp là trí thức. Vì vậy, nói đến nhu cầu của nữ trí thức ít nhất cũng cần bàn đến những nhu cầu trong cuộc sống nói chung của nhóm trí thức là nữ và nhu cầu của họ về hoạt động nghề nghiệp, đồng thời tìm hiểu mối quan hệ giữa hai loại nhu cầu đó ở nhóm khách thể này.
Tuy nhiên, nhu cầu của con người rất đa dạng, để đánh giá được chính xác đòi hỏi phải có những nghiên cứu hệ thống và chuyên sâu. Trong bài viết này, với những tư liệu nghiên cứu của mình, chúng tôi chỉ đề cập đến một số nhu cầu trong cuộc sống và nhu cầu về hoạt động nghề nghiệp của nữ trí thức mà thôi.
1. Tương quan giữa nhu cầu cuộc sống và nhu cầu được làm việc ở nữ trí thức
Có thể khẳng định rằng với nữ trí thức, nhu cầu có một cuộc sống gia đình hạnh phúc, một cuộc sống vật chất và tinh thần sung túc và phong phú là một nhu cầu phổ biến và có tính bao trùm, song với không ít người, nhu cầu được làm việc cũng có ý nghĩa không kém phần quan trọng. Điều này thể hiện qua những số liệu dưới đây:
Quan niệm về sự thành công trong cuộc sống
Khi nói đến sự thành công, nhiều người thường gắn nó với sự nghiệp và vì vậy thường bàn về nó khi câu chuyện liên quan đến giới nam. Tuy nhiên cũng có những cách nhìn nhận khác nhau. Với hai quan niệm: 1) Người được xem là thành công trong cuộc sống là người có cuộc sống gia đình hạnh phúc và sung túc; và 2) Sự thành công trong cuộc sống không thể tách rời sự thành đạt trong nghề nghiệp thì người nữ trí thức nghiêng về quan niệm nào? Kết quả khảo sát năm 2008 trên sáu trăm nữ trí thức thuộc các lĩnh vực ngành nghề khác nhau, tại các địa bàn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế cho thấy 52,5% số nữ trí thức lựa chọn quan niệm thứ nhất và 47,5% - nghiêng về quan niệm thứ hai. Sự lựa chọn này hơi khác so với nam trí thức (39,8% nam trí thức lựa chọn quan niệm thứ nhất và 60,2% - lựa chọn quan niệm thứ hai). Như vậy có thể thấy rằng, đối với hơn 1/2 số nữ trí thức tham gia nghiên cứu, gia đình có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhu cầu có một gia đình hạnh phúc và một cuộc sống sung túc là một nhu cầu có tính xuyên suốt và nó là nhân tố chi phối toàn bộ cuộc sống của họ. Song đối với khoảng gần 1/2 số nữ trí thức còn lại, bên cạnh gia đình và cuộc sống sung túc thì hoạt động nghề nghiệp cũng là nhân tố cấu thành quan trọng góp phần tạo nên cảm nhận về sự thành công của cuộc sống.
Cảm nhận về hạnh phúc luôn gắn chặt chẽ với cuộc sống gia đình, vì vậy hầu hết nữ trí thức (92,8%) khẳng định gia đình yên ấm, hoà thuận là một yếu tố tạo nên hạnh phúc. Tuy nhiên, ngoại trừ giá trị gia đình, thì có thể thấy nữ trí thức đề cao cả các giá trị xã hội và giá trị cá nhân, giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Họ vừa coi trọng các giá trị cho xã hội mà họ có thể tạo ra (cảm thấy mình là người có ích cho mọi người, cho xã hội - 50,5%), vừa coi trọng cuộc sống vật chất (có cuộc sống đầy đủ, sung túc - 49,2%) và vừa coi trọng sự thoả mãn nhu cầu tinh thần cá nhân thông qua sự tham gia vào hoạt động nghề nghiệp mà họ yêu thích (được làm công việc ưa thích - 47,9%). Đối với họ, các giá trị này có ý nghĩa gần như nhau. Một lần nữa, những số liệu này cho thấy nữ trí thức có nhu cầu cao về những giá trị vật chất đảm bảo cuộc sống của họ và gia đình, vừa có nhu cầu về hoạt động nghề nghiệp và qua đó đóng góp cho xã hội, cho dân tộc.
Tuy nhiên, định hướng giá trị như vậy chỉ tồn tại ở khoảng 1/2 số nữ trí thức. Những số liệu thu được từ phân tích so sánh chéo cũng khẳng định một điều rằng những giá trị nêu trên khá độc lập với nhau, chúng dường như không có mối tương quan loại trừ hay tương hỗ lẫn nhau. Những người coi trọng giá trị cuộc sống vật chất đầy đủ, nhấn mạnh giá trị gia đình hoặc không lựa chọn những giá trị này đều có thể là những người coi trọng giá trị công việc, giá trị thể hiện bản thân trong xã hội hoặc giá trị vì lợi ích của xã hội.
Xem xét cụ thể hơn thang giá trị của nữ trí thức ở từng nhóm tuổi cho thấy những điểm đáng chú ý như sau: Những nữ trí thức trong độ tuổi từ 30 đến 39 là những người có nhu cầu có một cuộc sống vật chất đầy đủ, đồng thời được làm công việc yêu thích và được thể hiện năng lực của bản thân nổi rõ hơn cả, trong khi đó nhóm 40 đến 49 tuổi có nhiều người có nhu cầu được thừa nhận trong xã hội hơn. Nhiều nữ trí thức nhìn nhận rõ hơn về những giá trị của gia đình khi bước sang mốc cuộc đời từ tuổi 30 trở đi. Có lẽ đặc thù của quá trình trưởng thành trong cuộc sống và hoạt động nghề nghiệp, những trải nghiệm trong từng giai đoạn cuộc đời đã tạo ra sự khác biệt này. Những người quản lý và sử dụng nữ trí thức cần hiểu rõ những khác biệt này để có những biện pháp kích thích họ làm việc một cách nhiệt tình và hiệu quả.
(Còn tiếp).
Lê Hương