(Tamly) - Sự khác biệt về học vấn có tác động rõ nét đến nhận thức của người dân về tài nguyên, môi trường, nhưng hầu như không có tác động đến thái độ của người dân đối với việc bảo vệ môi trờng ở cấp độ xúc cảm và cấp độ hành vi.
Học vấn
Ở một mức độ nhất định, trình độ học vấn là chỉ số thể hiện trình độ phát triển con người. Vì vậy, chúng tôi đã chú ý tìm hiểu khả năng tác động của nhân tố này đối với nhận thức, thái độ cũng như hành vi của người dân trong quan hệ với tài nguyên, môi trường.
Các kết quả khảo sát thực tiễn của chúng tôi cho thấy trình độ học vấn có những mối quan hệ khác nhau đối với những vấn đề nêu trên. Nhìn chung, trình độ học vấn có mối quan hệ tích cực tương đối rõ nét đối với những khía cạnh liên quan đến nhận thức của người dân về tài nguyên, môi trường. Điều này được thể hiện ở những điểm sau đây:
- Những người có trình độ học vấn cao hơn thường hiểu biết tốt hơn những nguyên nhân và hậu quả của thực trạng suy giảm tài nguyên, ô nhiễm môi trường hiện nay. Có thể lấy hai trường hợp cụ thể là nhận thức về nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và nhận thức về hậu quả của việc suy giảm trữ lượng, chất lượng rừng và động vật rừng làm ví dụ. Nếu lấy số lượng các nguyên nhân, hậu quả mà những người dân tham gia khảo sát đã trả lời đúng làm một tiêu chí đánh giá điều này thì những số liệu thu được cho thấy nhận thức của những người có trình độ học vấn thấp, đặc biệt là cấp I, cấp II kém hơn hẳn những người có trình độ học vấn cao hơn. Chẳng hạn, trong số những người có trình độ học vấn cấp I, cấp II có 19.9% số người không trả lời đúng được một nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nào thì số liệu tương ứng ở nhóm có trình độ cao đẳng, đại học là 12,4%. Trong khi đó chỉ có 8,8% số người có trình độ học vấn cấp I, cấp II trả lời đúng được 4 nguyên nhân thì ở nhóm người có trình độ cao đẳng, đại học là 25,6% (với p < 0,001). Hoặc có tới 34,6% số người có trình độ cấp I, cấp II không nêu đúng được hậu qủa nào của việc suy thoái tài nguyên rừng và chỉ có 11,8% số người nêu được 4 hậu quả. Trong khi đó các số liệu tương ứng ở nhóm những người có trình độ cao đẳng, đại học là 14,0% và 27,1% (với p < 0,01).
- Những người có trình độ học vấn cao thể hiện thái độ (ở cấp độ nhận thức) đối với vấn đề bảo vệ môi trường tích cực hơn những người có trình độ học vấn thấp. Họ thấy rõ hơn trách nhiệm của người dân trong việc cùng nhà nước thực hiện bảo vệ môi trường: ĐTB của nhóm cao đẳng, đại học = 3,22, ĐTB của nhóm cấp I, cấp II = 3,13, và của nhóm cấp III = 3,11, với p < 0,05; nhấn mạnh hơn đến việc phải chú trọng bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế: ĐTB của nhóm cao dẳng, đại học = 3,21, ĐTB của nhóm cấp I, cấp II = 3,11, với p < 0,05 (ĐTB tối thiểu = 1; ĐTB tối đa = 4; ĐTB càng cao thể hiện người dân càng thấy rõ trách nhiệm của mình trong bảo vệ môi trường, càng coi trọng việc bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế).
- Đối với việc thực thi pháp luật và những quy định của nhà nước đối với việc bảo vệ môi trường thì những người có trình độ học vấn cao hơn có những đòi hỏi nghiêm khắc hơn. Trên cơ sở những hành vi gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường của người dân trong thực tiễn cuộc sống, những người có trình độ học vấn cao (cao đẳng, đại học) đánh giá hiệu quả của việc thực thi các luật bảo vệ môi trường trong thực tiễn cuộc sống thấp hơn hẳn những người có trình độ học vấn thấp hơn (cấp I, cấp II). Chẳng hạn, trong số những người có trình độ học vấn cấp I, cấp II có 34,5% số người cho rằng việc thực thi các luật bảo vệ môi trường trong thực tiễn là không tốt, (trong đó chỉ có 2,5% số người đánh giá rất không tốt) và 65,5% - đánh giá tốt (trong đó 34,4% - đánh giá ở mức rất tốt) thì các số liệu tương ứng ở nhóm có trình độ cao dẳng, đại học là 61,6% và 38,4% (trong đó 13,5% - đánh giá rất không tốt và chỉ có 15,8% - đánh giá rất tốt, với p < 0,05).
Tuy nhiên, sự khác biệt về học vấn hầu như không có tác động đến thái độ của người dân đối với việc bảo vệ môi trường ở cấp độ xúc cảm và cấp độ hành vi, cũng như đối với hành động thực tiễn của người dân. Các kết quả thu được từ khảo sát thực tiễn của chúng tôi cho thấy hầu như không có những khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê ở những khía cạnh nêu trên khi so sánh các nhóm dân có trình độ học vấn khác nhau.
Những kết quả này cho thấy rằng để người dân thực sự tham gia vào bảo vệ môi trường bằng những hành động của họ trong thực tiễn cuộc sống thì sẽ là không đủ nếu chỉ chú trọng vào việc nâng cao nhận thức môi trường của họ.
Lê Hương