Tuy nhiên, theo rất nhiều nghiên cứu, sự cách biệt về thế hệ, tức là sự khác biệt giữa thế hệ trẻ và thế hệ già không quá lớn. Thế hệ trẻ và thế hệ già, trên thực tế, có nhiều giá trị và khát vọng giống nhau. Đặc biệt, giữa trẻ vị thành niên (TVTN) và bố mẹ chúng thì điều đó càng đúng. (theo Kathleen Stassen Berger (1998), The Developing Person Through the Life Span, Worth Publishers).
Một số nghiên cứu cho thấy có sự nhất trí cơ bản giữa bố mẹ và TVTN ở các quan điểm về chính trị, tôn giáo, giáo dục, nghề nghiệp và các giá trị sống. Thực chất, hầu như mọi biểu hiện hành vi của TVTN đều trực tiếp chịu ảnh hưởng của gia đình.
Tuy nhiên, biểu hiện của cách biệt thế hệ không lớn không có nghĩa rằng bố mẹ và con cái họ cùng nhận thức vấn đề theo cách như nhau. Thực tế cho thấy các thành viên của mỗi thế hệ trong mối quan hệ cha mẹ-con cái có cái nhìn khác nhau về mối quan hệ đó vì mỗi thế hệ có quan điểm và nhu cầu khác nhau. Theo kinh nghiệm, mỗi thành viên có mối quan tâm đến gia đình khác nhau. Bởi vì họ đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau, mỗi thế hệ có một khuynh hướng tự nhiên để nhìn gia đình mình theo một cách nhất định. Các bậc cha mẹ quan tâm đến việc duy trì các giá trị của bản thân họ, vì thế, họ thường không thích xuất hiện những khác biệt, họ than phiền về sự thay đổi hoặc ảnh hưởng của bạn bè đối với con cái, cố gắng gìn giữ những điều từ lâu vốn có. Mặt khác, trẻ vị thành niên để ý nhiều đến sự ngăn cấm và áp đặt của bố mẹ làm mất cái tôi độc lập của chúng, do đó, chúng thường quan trọng hoá vấn đề này. Ví dụ: mâu thuẫn về quy định giờ giấc có thể được TVTN xem như là bằng chứng của những giá trị lỗi thời của bố mẹ, hoặc thiếu tin tưởng vào con cái, trong khi đó, bố mẹ có thể chỉ xem đó như một vấn đề quản lý, họ cho rằng chỉ muốn trẻ đi ngủ đúng giờ.
Nguyễn Thị Hoa