Trong nhiều năm qua việc tuyên truyền vế quyền con người, về bình đẳng giới ở nước ta đã được thực hiện thường xuyên và trên diện rộng, nên nhiều người đã hiểu bình đẳng giới là nam nữ có thể làm các công việc như nhau và có quyền ngang nhau. Tuy nhiên, với không ít người, những tri thức về bình đẳng giới mới chỉ có giá trị trên bình diện nhận thức, họ hiểu rằng cần ứng xử bình đẳng như nhau với cả hai giới, nhưng về mặt tâm lý, trong những mong muốn sâu thẳm mà nhiều khi không được con người ý thức rõ ràng vẫn tiềm ẩn tâm thế, thể hiện cách đối xử bất bình đẳng đối với phụ nữ. Những cách ứng xử bất bình đẳng của người chồng hoặc của những thành viên khác trong gia đình đối với phụ nữ, hoặc của chính người phụ nữ đối với bản thân mình thể hiện rõ trong tình huống điển hình sau đây.
Trong phần lớn các gia đình Việt Nam hiện nay người vợ, người chồng đều đi làm việc để có thu nhập. Tuy nhiên, vị thế xã hội của việc làm và quá trình thăng tiến trong hoạt động nghề nghiệp lại có tác động khá mạnh đến cách ứng xử giữa hai vợ chồng cũng như giữa các thành viên trong gia đình. Theo các số liệu khảo sát thực tế của chúng tôi thì phần lớn số người tham gia trả lời có thái độ vui mừng khi vợ hoặc chồng mình được thăng tiến trong công việc (73,6% số người trả lời). Thái độ này không khác biệt nếu so sánh giữa nam và nữ. Tuy nhiên đàn ông có vẻ như không muốn điều đó xảy ra với vợ mình nhiều hơn so với việc người vợ không muốn điều đó xảy ra với chồng mình (6,0% đàn ông và 1,3% phụ nữ). Theo đánh giá của chúng tôi, những kết quả này chịu tác động nhiều bởi tâm thế trả lời theo mong muốn xã hội của những người tham gia khảo sát, hay nói cách khác, thể hiện cách ứng xử trên bình diện nhận thức hơn là trên bình diện thực tiễn cuộc sống. Thông thường người chồng không có phản ứng gì đối với việc làm của người vợ, song trong nhiều trường hợp điều đó chỉ duy trì được khi vị thế xã hội việc làm của người vợ, hay chức vụ của người vợ ngoài xã hội không cao hơn vị thế xã hội việc làm hay chức vụ xã hội của người chồng. Chẳng hạn, nếu người vợ làm nghề thuộc tầng lớp trí thức, còn người chồng làm công nhân hoặc người vợ đảm nhận chức vụ quản lý, còn người chồng chỉ là cán bộ bình thường dưới quyền vợ hoặc trình độ chuyên môn của vợ (học vị) cao hơn (thậm chí chỉ là vợ đạt được sớm hơn) chồng thì những người xung quanh và bản thân người trong cuộc sẽ thường cảm thấy tình huống đó là một sự "bất bình thường", tạo ra sự "lép vế" cho nam giới, làm lung lay "uy quyền" của họ trong gia đình. Về mặt tâm lý, dù nói ra dưới dạng những câu đùa vui hay không nói ra, những người xung quanh vẫn thường có những suy nghĩ băn khoăn về "tình cảnh khó chịu" của người chồng và khi tình huống đó đã xảy ra thì họ cũng thường đòi hỏi người vợ phải có cách ứng xử thật khéo léo, tế nhị trong quan hệ với chồng, tránh làm cho chồng “bị mất mặt”. Tình huống này có “giá trị” đến mức mà nếu như có bất kỳ mâu thuẫn nào trong quan hệ vợ - chồng xảy ra thì nó cũng sẽ được xem như là một trong những nguyên nhân quan trọng. Cách nhìn nhận như vậy của nhiều người trong xã hội sẽ làm cho những người trong cuộc, dù có tiến bộ đến đâu trong vấn đề bình đẳng giới cũng không thể vô tư hoàn toàn. Mâu thuẫn giữa nhận thức và những mong muốn ở tầng sâu tiềm thức làm cho các cách ứng xử của những người trong cuộc trong những tình huống nhạy cảm trở nên rất đa dạng, có thể là hành động cấm đoán, là lời nói không vui, nhưng nhiều khi chỉ là những biểu hiện nét mặt theo kiểu "chiến tranh lạnh" mà tác động tâm lý âm tính của những biểu hiện tâm lý đó thì thật khó lường.
Thế nhưng tất cả những vấn đề tâm lý nhạy cảm đó lại sẽ không nảy sinh nếu có tình huống ngược lại: người vợ làm công việc có vị thế xã hội thấp hơn công việc của chồng hoặc chức vụ xã hội của người vợ thấp hơn của người chông. Điều này dường như được đương nhiên chấp nhận là bình thưòng và do đó không mảy may gây ra bất cứ một phản ứng tâm lý nào của những người xung quanh và những người trong cuộc.
Công danh sự nghiệp của người đàn ông có thể được đánh giá theo nhiều khía cạnh khác nhau như vị thế xã hội của nghề anh ta đang làm, địa vị xã hội hoặc mức thu nhập từ công việc...
“Theo tôi, công việc đối với người đàn ông là rất quan trọng. Tôi thì không bao giờ mong muốn là mình làm ra nhiều tiền hơn chồng đâu. Tôi rất mông muốn là chồng tôi làm ra nhiều tiền hơn tôi. Nhưng công việc còn phụ thuộc vào môi trường làm việc, vào nhiều mối quan hệ. Vì vậy, mình mong muốn như vậy thôi, nếu mà không đạt được thì mình cũng phải chấp nhận... Tôi muốn lẽ ra chồng tôi phải làm công việc gì đó danh giá hơn một chút, nhưng chồng mình lại không đạt được điều đó, nên nhiều khi tôi cũng thấy hơi phiền lòng và cũng hơi buồn. Dĩ nhiên buồn thì mình cũng phải động viên chồng thôi chứ không phải là dè bỉu thế này thế nọ” (Nữ, 33 tuổi, đại học, phóng viên báo).
Lê Hương