Bất bình đẳng giới thể hiện trong vai trò của người quyết định hay thực hiện các công việc khác nhau của gia đình

19/05/2010

(Tâm lý) – Hiện nay vẫn có những gia đình hoặc người chồng, hoặc người vợ giữ vai trò quyết định việc làm cho các thành viên khác trong gia đình và trong nhiều trường hợp cán cân nghiêng về phía người chồng nhiều hơn.
Hiện nay, về cơ bản, các thành viên trong các gia đình Việt Nam tự quyết định việc làm ngoài xã hội của mình hoặc cả hai vợ chồng cùng nhau bàn bạc về việc này sao cho phù hợp nhất với hoàn cảnh riêng của mỗi gia đình. Điều này hoàn toàn đúng với những gia đình mà người vợ, người chồng đã có công việc ổn định trước khi kết hôn, hoặc với những người làm trong các lĩnh vực công, trong các doanh nghiệp, những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao... Tuy nhiên, vẫn có những gia đình hoặc người chồng, hoặc người vợ giữ vai trò quyết định việc làm cho các thành viên khác trong gia đình và trong nhiều trường hợp cán cân nghiêng về phía người chồng nhiều hơn. Các kết quả nghiên cứu của Viện Tâm lý học năm 2006 cho thấy, không phân biệt nam hay nữ là người cung cấp thông tin, cả hai giới đều khảng định người chồng là người có vai trò quyết định nhiều hơn (Nam trả lời: 18,3% - do chồng quyết định; 3,9% - do vợ quyết định; Nữ trả lời: 16,8% - do chồng quyết định và 11,2% - do vợ quyết định, p = 0,051). Song, dù ai là người quyết định thì trong phần lớn các trường hợp, cả hai vợ chồng đều là người thực hiện các quyết định đó.
Vai trò của đàn ông hay phụ nữ liên quan đến việc làm có thu nhập sẽ thể hiện rõ hơn trong những gia đình có nguồn thu nhập từ buôn bán nhỏ hoặc các gia đình làm nông nghiệp, chăn nuôi. Điểm đặc thù của những gia đình này là việc làm có thu nhập thường được nhiều thành viên trong gia đình cùng tham gia và chính vì thế vai trò của giới được thể hiện rõ hơn. Xảy ra một số trường hợp sau đây. Người quyết định có thể là người vợ, người chồng hoặc cả hai vợ chồng. Người thực hiện cũng bao gồm ba mẫu người đó với sự kết hợp đa dạng như chồng quyết định - chồng thực hiện, chồng quyết định - vợ thực hiện, vợ quyết định - chồng thực hiện; vợ quyết định - vợ thực hiện v.v...
Kết quả khảo sát cho thấy, hiện nay trong những gia đình này vai trò của người đàn ông vẫn khá lớn trong so sánh với vai trò của người phụ nữ. Dao động trong khoảng từ 30% đến 50% số gia đình trong đó người đàn ông vừa là người quyết định, vừa là người thực hiện các loại công việc có liên quan đến việc kinh doanh buôn bán của gia đình. Người vợ trong vai trò là người quyết định chỉ dao động từ khoảng 18% đến 22% và trong vai trò là người thực hiện dao động từ 7% đến 16%. Những số liệu này không chỉ phản ánh quyền uy của mỗi giới trong gia đình, mà sự chêch lệch cao hơn của các số liệu thể hiện vai trò thực hiện của đần ông so với vai trò thực hiện của người phụ nữ trong gia đình, cũng như so với các số liệu thể hiện vai trò quyết định của chính người đàn ông còn gián tiếp cho thấy thực trạng ứng xử trong quan hệ vợ - chồng liên quan đến công việc trong các gia đình Việt Nam hiện này rất phức tạp.. Một mặt, trong cuộc sống hàng ngày người đàn ông không chỉ là những người "chỉ huy" mà còn tích cực tham gia thực hiện những kế hoạch đã được vạch ra. Nói cách khác, trong việc đảm bảo kinh phí cho sinh hoạt gia đình người đàn ông "chung lưng đấu cật", chia sẻ với người phụ nữ rất nhiều. Mặt khác, những số liệu nêu trên cũng phần nào phản ánh định kiến giới trong xã hội trong việc phụ nữ hay nam giới thực hiện những công việc nhất định. Trong phần lớn các gia đình Việt Nam hiện nay người đàn ông vẫn có "uy quyền" hơn người phụ nữ, họ thường là người quyết định nhiều việc liên quan đến cuộc sống gia đình, đặc biệt là những công việc được cho là “quan trọng”, “những việc lớn”. Người đàn ông cũng thường có sức khoẻ hơn và được cho là có vai trò “nhà ngoại giao" của gia đình trong quan hệ với xã hội nên họ cũng thường là người thực hiện. Tuy nhiên cũng có những gia đình trong đó người phụ nữ là người có tiếng nói quyết định cao nhất (đó thường là những gia đình mà hoạt động kinh tế do người phụ nữ đảm nhận và thu nhập chủ yếu của gia đình do họ cung cấp). Song vì trong xã hội vẫn tồn tại định kiến giới nên trong thực tiễn cuộc sống có rất nhiều công việc khi thực hiện đòi hỏi phải có những giao tiếp xã hội như buôn bán, ký kết giao dịch... thì dù đàn ông có thể không phải là người quyết định hay người xây dựng kế hoạch kinh doanh, nhưng họ vấn được người phụ nữ cử đi đại diện để tạo ra "cái thế, cái oai" với đối tác, vì như thế công việc dễ đạt hiệu quả hơn.
Trong các gia đình có thu nhập từ nông nghiệp hoặc chăn nuôi vai trò của người chồng, người vợ trong việc quyết định các loại công việc liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của gia đình cũng theo xu hướng nêu trên, mặc dù tỷ lệ số gia đình trong đó cả hai vợ chồng cùng quyết định tăng cao hơn so với những gia đình có kinh doanh buôn bán nhỏ.
Lê Hương