Thông thường một mô hình sinh hoạt gia đình được nhiều người ưa thích là sau thời gian làm việc chính thức ở nơi làm việc, cả vợ, chồng cùng các con xum họp tại nhà riêng. Tuy nhiên, khi xã hội đang trên đà phát triển với nhịp độ cao về mọi mặt và tính cạnh tranh trên thị trường lao động ngày càng mạnh thì với không ít gia đình Việt Nam hiện nay, điều mong muốn giản dị đó nhiều khi cũng không thực hiện được. Người đàn ông và người phụ nữ có rất nhiều lý do chính đáng để không thể về nhà đúng giờ. Với người đàn ông điều này dễ được mọi người trong gia đình chấp nhận và thông cảm. Chẳng hạn, khi người đàn ông làm công sở, anh ta có thể thường xuyên về muộn (quá thời gian làm việc tại công sở theo quy định) và điều đó được nhiều người trong gia đình sãn sàng chấp nhận với những lý do: "đàn ông phải làm nhiều việc để khẳng định bản thân ngoài xã hội"; "đàn ông phải có nhiều bạn bè, họ có vui vẻ bia rượu với bạn bè cũng là chuyên dể thông cảm"; "họ phải giao tiếp với nhiều người để tạo quan hệ xã hội" v.v...Tuy nhiên với người phụ nữ thì dù có thể tham gia bất kỳ loại công việc chính đáng nào trong xã hội, những người trong gia đình, bao gồm cả gia đình mở rộng (cả ông bà nội, ngoại, họ hàng, anh chị em) luôn đòi hỏi họ phải đảm bảo dành nhiều thời gian cho gia đình. Mặc dù trong các cuộc khảo sát đại trà của Viện Tâm lý học (khảo sát bằng bảng hỏi) không có sự khác biệt trong các câu trả lời về cách ững xử của người đàn ông và người phụ nữ trong gia đình khi người chồng hoặc người vợ bận quá nhiều công việc ngoài xã hội, phải giảm bới thời gian dành cho gia đình. Trong những tình huống như vậy cả người đần ông và người phụ nữ đều khẳng định rằng họ sẽ chủ động thu xếp thời gian và công việc để gánh đỡ công việc gia đình cho vợ hoăc chồng mình. Song theo chúng tôi, do một số nguyên nhân nào đó, ví dụ những người trả lời đã trả lời theo mong muốn xã hội hay muốn hình ảnh gia đình mình trong mắt những người xung quanh được tốt đẹp, những số liệu đó cũng chỉ phản ánh một mẫu ứng xử lý tưởng hay cách thức ứng xử theo nguyên tắc "phải" mà người trả lời đã lĩnh hội được từ các chuẩn mực xã hội… Trên thực tế, ở không ít gia đình, sự thông cảm thường không được dành cho những người phụ nữ, dù cho họ có dành nhiều thời gian cho công việc một cách chính đáng.
“Chồng em thường xuyên đi làm về muộn thì được xem như chuyện bình thường. Nhưng nếu em đi làm về muộn là có khi anh ấy không nói gì, nhưng mặt cứ nặng ra”.
Hiện nay cũng không ít người đàn ông rất thông cảm với vợ, ủng hộ và hỗ trợ vợ trong thực hiện công việc ngoài xã hội, nhưng cũng không tránh khỏi có những lúc ứng xử thể hiện mong muốn sâu thẳm kia.
“Tôi rất mong muốn chồng tôi dành nhiều thời gian cho công việc. Nếu được như thế thì có về nhà muộn cũng không sao. Nhưng tất nhiên nếu đi chơi mà về muộn thì không thể chấp nhận được. Tôi là nhà báo nên thời gian làm việc cũng thất thường, nhiều khi tám chín giờ tối mới về đến nhà. Chồng tôi rất thông cảm với tôi, những lần tôi đi công tác xa nhà thì anh ấy rất thông cảm, dù phải ở nhà trông con. Song cũng có lúc mình đi làm về muộn thì anh ấy cũng không được vui lắm, nhưng không càu nhàu. Mình thấy chồng như thế thì mình cũng phải cố gắng làm sao sắp xếp thời gian hợp lý hơn để lần sau về sớm hơn một chút” (Nữ, 33 tuổi, đại học, phóng viên báo )
Cũng do những người trong cuộc hiểu được mâu thuẫn giữa các cách ứng xử theo chuẩn mực “phải” và cách ứng xử trên thực tế của mình nên những cách ứng xử nêu trên thường được giữ kín trong khuôn khổ gia đình hẹp, và trong nhiều trường hợp cũng không được bộc lộ ngay trong gia đình mở rộng.
Lê Hương