Dù đi làm, nhưng khi trong gia đình có việc đột xuất cần có người ở nhà để giải quyết thì phụ nữ thường là người chủ động nghỉ việc hoặc phải nghỉ việc. Mặc dù, theo số liệu khảo sát của Viện Tâm lý năm 2006, không ít cặp vợ - chồng trong những tình huống như vậy đã cùng nhau bàn bạc để xem ai là người nên nghỉ việc thì hợp lý hơn (58,5% số người được hỏi khẳng định điều này), nhưng các kết quả thu được cũng cho thấy, so với nam giới, nhiều phụ nữ chủ động nghỉ việc để giải quyết việc gia đình hơn nam giới (44,9% so với 22,1%). Đặc biệt, không một phụ nữ nào tham gia khảo sát lại chủ động đề nghị chồng mình làm việc này (ở nam giới chỉ số này là 8,8%). Trong khi đó 63,2% số nam giới có gia đình cho rằng họ đã bàn bạc với vợ để xem ai nên nghỉ việc, nhưng chỉ có 50,0% số phụ nữ lựa chọn phương án này. Trên thực tế, sự nghỉ việc của người chồng hay người vợ để giải quyết các việc đột xuất trong gia đình còn tuỳ thuộc vào tính chất của công việc cần giải quyết. Nhưng những số liệu này, một mặt, cũng thể hiện rằng trong các gia đình Việt Nam ngày nay cũng như xưa kia, đã ngầm ẩn một sự phân công lao động theo kiểu những việc "trọng đại, quan trọng" như xây nhà, đối ngoại... thì người đàn ông chịu trách nhiệm, còn phụ nữ đảm nhận những công việc trong phạm vi gia đình như chăm sóc người ốm, chuẩn bị việc thờ cúng, cưới xin và những việc được cho là "lặt vặt" khác. Mặt khác, dù không coi nhẹ việc làm của mình (đặc biệt là những người phụ nữ Việt Nam hiện nay, họ ý thức rất rõ về ý nghĩa của việc làm có thu nhập của họ trong quan hệ với chồng và gia đình nhà chồng, trong quan hệ với con cũng như trong sự tiến bộ của bản thân họ), nhưng những người phụ nữ vẫn sẵn sàng hy sinh việc làm có thu nhập của mình cho những công việc của gia đình hơn nam giới (và họ sẽ tìm cách làm bù lại khi có điều kiện). Sự sẵn sàng chấp nhận những hi sinh như thế thể hiện định hướng giá trị về vai trò giới của bản thân những người phụ nữ.
Có thể sự sẵn sàng này đã trở thành như một bản tính của phụ nữ Việt Nam và điều đó càng củng cố quan điểm phân biệt giới trong quan hệ với việc làm của phụ nữ và nam giới và nó tạo cơ hội làm nảy sinh và phát triển tính ỷ lại ở người đàn ông, người đàn ông thường có tâm thế "nhờ cậy" phụ nữ trong việc nhà.
Lê Hương