Ứng xử của con cái trưởng thành đối với việc giáo dục con trẻ của ông bà

10/05/2010

(Tamly) - Giống như nhiều quốc gia, ở Việt Nam, gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Môi trường gia đình là môi trường giáo dục đặc biệt trong quá  trình xã hội hoá để trẻ em lớn lên, hoà nhập và tuân thủ theo các quy chuẩn xã hội của gia đình, cộng đồng và xã hội.
Một số nhà nghiên cứu (ví dụ xem Phạm Khắc Chương – Huỳnh Phước, 2000) cho rằng thế hệ người già chính là khâu kết nối giữa quá khứ và hiện tại và là nhịp cầu cho con cháu bước vào tương lai. Đối với con cháu trong gia đình, ông bà thường đặt vấn đề giáo dục đạo đức quan trọng hơn tri thức theo quan niệm “Tiên học lễ, hậu học văn”. Người già có thể tham gia giáo dục con cháu về nhiều vấn đề như lòng biết ơn ông bà, tổ tiên, thái độ, kĩ năng lao động phù hợp lứa tuổi, các thói quen sinh hoạt hàng ngày, giao tiếp, ứng xử trong gia đình, nhà trường, xã hội…

Vì sống cùng hoặc sống gần con cháu nên nhiều ông bà còn dạy dỗ con cháu từ nhỏ và hàng ngày như ăn, nói, xin phép, chào hỏi, ứng xử với mọi người… Đó là cách giáo dục cần thiết, thiết thực liên quan đến đạo đức, lối sống trong gia đình và mở rộng ra ngoài xã hội và cộng đồng .

Từ một vài dữ liệu thu thập được tại 3 địa phương (Thái Bình, Hà Tây, Hà Nội), phần phân tích dưới đây đề cập đến sự tham gia của ông bà vào quá trình giáo dục con cháu, cách thức, lĩnh vực mà họ thường làm cũng như thái độ của con cái trưởng thành đối với việc ông bà dạy dỗ các con của họ. Tất cả các thông tin này đều thể hiện qua sự đánh giá của những người con đã trưởng thành.

Với mẫu chọn trong nghiên cứu này, số gia đình 3 thế hệ cùng chung sống nói chung là 37,6% với tỉ lệ ở khu vực nông thôn cao hơn so đô thị. Nói cách khác, gần 1/2 số gia đình sống ở khu vực nông thôn và hơn 1/3 số gia đình sống ở khu vực đô thị là các gia đình từ 3 thế hệ trở lên. Như vậy, cứ 10 gia đình thì ít nhất trong 3 gia đình, ông bà có thể tham gia trực tiếp vào quá trình nuôi dạy con cháu nếu họ muốn. Đó là một tỉ lệ rất đáng kể.

Do đặc điểm của gia đình có nhiều thế hệ, ông bà có nhiều cách thức tham gia vào quá trình giáo dục con cháu theo đánh giá của các con trưởng thành. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cách thức giáo dục các cháu mà ông bà hay sử dụng nhiều nhất là mang tính chất “tư vấn”, khuyên bảo cha mẹ cách dạy dỗ con trẻ (92,8%). Trực tiếp dạy dỗ các cháu cũng là cách rất hay được sử dụng (77%). Hai cách thức được dùng nhiều nhất trên đây khẳng định vai trò truyền thống, quan trọng và trực tiếp của ông bà trong việc giáo dục thế hệ trẻ.

Phù hợp với cách thức chủ đạo của ông là “khuyên bảo”, “tư vấn” (chứ không đưa ra quyết định giống như cha mẹ) nên dù có thể không đồng ý với cách dạy dỗ, nhưng hình thức “không can thiệp” chiếm tỉ lệ đáng kể (20.4%). Nhưng điều đó không có nghĩa là “không quan tâm”. Ít quan tâm, để tuỳ cha mẹ giáo dục các cháu là cách được lựa chọn ít thường xuyên nhất (9.9%). Điều này khẳng định một lần nữa, hầu hết những người được hỏi đều thống nhất về vai trò tích cực, không thể thiếu của ông bà trong việc giáo dục con trẻ: “Khi ông bà còn sống thì ông bà cũng hay bảo các cháu khi đi học về thì có việc gì giúp đỡ, đỡ đần bố mẹ. Ông bà cũng luôn luôn khuyên bảo các cháu…” (Đ.T.M, nữ, tỉnh Thái Bình).

Khía cạnh mà ông bà quan tâm dạy dỗ các cháu nhiều hơn cả là cách ứng xử với mọi người (91.6%), đứng thứ hai là chuyện học hành (80.3%) và vấn đề đáng được quan tâm thứ ba là cách đi đứng, ăn mặc (65.3%). Điều này đã phản ánh phần nào quan niệm truyền thống trong giáo dục con trẻ “tiên học lễ, hậu học văn”. Hai trong số 3 lĩnh vực mà ông bà quan tâm liên quan đến dạy làm người, còn lĩnh vực thứ ba liên quan đến học hành.

Khi được hỏi thái độ về việc giáo dục con cháu của ông bà, có 60% những người được hỏi hoàn toàn đồng ý với cách dạy dỗ đó. Tỉ lệ này ở nông thôn lớn gần gấp hai ở thành phố (41.1% so với 21.1%). Số người đồng ý một phần chiếm một tỉ lệ khá lớn tới 38%. Điều này gián tiếp phản ánh sự khác biệt về cách thức nuôi dạy con trẻ của 2 thế hệ giữa ông bà và cha mẹ như đã có dịp đề cập ở trên.

Dựa vào những kết quả sơ bộ vừa trình bày có thể hình dung ra một số yếu tố tác động tới việc tham gia giáo dục con trẻ của ông bà ở Việt Nam nói chung. Đó là xu thế gia đình hạt nhân ngày càng tăng, dù trong mẫu chọn của nghiên cứu này con số đó mới là 57.8% với tỉ lệ ở thành phố cao hơn ở nông thôn. Có thể dự báo rằng trong quá trình đô thị hoá và hiện đại hoá, con số này sẽ có xu hướng tăng.

Khi tỉ lệ gia đình 3 thế hệ trở lên ngày càng thu hẹp thì sự tham gia của ông bà vào việc trực tiếp giáo dục con cháu sẽ giảm (ít nhất là về mặt thời gian và cơ hội tiếp xúc trực tiếp). Lúc đó gia đình sẽ phải tìm cách thức thay thế khác như tiếp xúc gián tiếp hay thông qua những buổi gặp mặt hàng tuần, hàng tháng và nhiều hình thức khác. Tính chất của cách ứng xử thể hiện sự hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, theo nghĩa truyền thống, cũng có thể sẽ thay đổi. Thứ hai, quá trình hiện đại hoá, hội nhập cũng có thể tạo khoảng cách lớn hơn giữa các thế hệ, sự ảnh hưởng của ông bà với con cháu cũng có thể giảm. Làm sao phát triển mà vẫn duy trì được mối quan hệ tốt giữa ông bà - cha mẹ - con cái, vì lợi ích và sức khỏe tâm lý của cả người già và người trẻ, để ông bà vẫn đóng vai trò tích cực trong quá trình xã hội hoá trẻ em theo hướng lành mạnh sẽ là một thách thức đối với các gia đình Việt Nam./.

 
TTH.