Sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp thì các hộ gia đình bị thu hồi đất đều được nhận một khoản tiền đền bù. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khác nhau mà mức độ hài lòng của người nông dân với số tiền đền bù là không giống nhau.
Từ kết quả điều tra có thể nhận thấy, nguyên nhân chính làm cho người nông dân có đất bị thu hồi chưa hài lòng với việc đền bù là do mức đền bù cho số đất bị thu hồi không thống nhất. Tùy theo thời gian, thời điểm thu hồi mà mức giá đền bù ở cùng một nơi không giống nhau, giữa các địa phương cũng xảy ra tình trạng giá đền bù khác nhau. Trường hợp Quốc Oai, Hà Tây là một ví dụ: tiền đền bù đầu tiên là 10 triệu đồng, sau tăng lên 12, 14, 20 rồi 26 triệu đồng (mức chênh lệch lên đến 2,6 lần); mức đền bù ở Hoài Đức cao hơn Quốc Oai (thảo luận nhóm cán bộ xã tại thị trấn Quốc Oai, Hà Tây). Những sự việc này làm cho người nông dân bị thu hồi đất cảm thấy ấm ức, bất bình với chính sách đền bù giải phóng mặt bằng do cảm thấy họ không được đối xử công bằng.
Kết quả khảo sát thực tiễn cho thấy còn có một số nguyên nhân khác làm cho người nông dân bị thu hồi đất để xây dựng KCN cảm thấy chưa thật hài lòng với chính sách đền bù. Đó là:
- Việc thu hồi đất diễn ra nhiều lần, nhiều đợt, kéo theo việc nhận tiền đền bù cũng lẻ tẻ làm cho người nông dân có đất bị thu hồi gặp khó khăn trong việc đầu tư, ổn định, phát triển sản xuất. Ví dụ, tại Hải Dương có thôn xóm việc thu hồi đất được tiến hành làm 3 lần (1995, 2002, 2004) và do đó tiền đền bù cũng được phân thành 3 đợt. Phỏng vấn sâu về tình hình nhận và sử dụng tiền đền bù, một nông dân cho biết “...Tiền đó không phải lấy được một lần. Lần đầu được 7 triệu 9. Báo cáo với chị là vội vàng mua ngay cái ti vi, rồi trả nợ hết mất... Lần thứ hai được khoảng 5 triệu... lo cho con cái học hành rồi tiêu lặt vặt là hết cũng chẳng làm được gì. Nếu lấy được một cục thì còn có khả năng làm được cái gì đấy chứ nay lấy được 1 đồng, mai lấy được 1 đồng thì tiêu hết” (nam nông dân, 33 tuổi, thị trấn Lai Cách, Cẩm Giàng, Hải Dương). Mặc dù việc thu hồi đất phụ thuộc vào sự phát triển của các KCN nhưng rõ ràng là nếu thu hồi nhiều lần như thế sẽ làm cho người nông dân cảm thấy không yên tâm, hiệu quả sử dụng tiền đền bù không cao.
- Việc đánh giá của người nông dân về vấn đề giá cả đền bù chưa thoả đáng thực ra còn chịu sức ép về mặt tâm lý. Mặc dù trên thực tế, nhiều nông dân có đất nông nghiệp bị thu hồi vẫn thấy được rằng nếu số tiền đền bù mà được gửi hết vào ngân hàng thì lãi hàng tháng còn hơn hẳn trồng lúa, nhưng do bị mất đất vĩnh viễn mà người nông dân cảm thấy lo lắng cho cuộc sống của bản thân và con cháu họ sau này.
Tóm lại, người nông dân có đất bị thu hồi còn chưa thật hài lòng với việc đền bù do bất bình với việc thiếu công bằng trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, việc thu hồi đất kéo dài nhiều đợt và tâm trạng lo lắng cho công việc, cho cuộc sống tương lai của mình và con cháu do bị mất đất canh tác cũng làm cho người nông dân chưa thật thoả mãn với chính sách đền bù.
Lâm Bình