Một số quy định của người Việt về giữ gìn môi sinh và bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên

04/03/2010

(Tam ly) - Có thể nói, từ xưa con người Việt đã đối xử với tài nguyên thiên nhiên và môi trường một cách rất trân trọng, coi đó là nguồn tài sản vô giá, mà con người phải dựa vào đó để sinh nhai và phát triển.
I. Hương ước, lệ làng với việc bảo vệ môi sinh và môi trường.
Môi sinh, môi trường và nghĩa vụ bảo vệ môi sinh, môi trường là những khái niệm mới xuất hiện trong thời gian bùng nổ các cuộc cách mạng Khoa học kỹ thuật. Nhân loại đã có những cảnh báo về sự suy thoái môi sinh, môi trường khi môi sinh, môi trường đã ở vào tình trạng quá tồi tệ và khó lòng cứu chữa.
Tổ tiên người Việt nam không dùng những danh từ môi sinh, môi trường, nhưng qua những điều qui định trong hương ước, các cộng đồng cư dân làng xã Việt Nam xưa kia đã biết lo giữ cho đường làng, ngõ xóm luôn luôn sạch đẹp, cho phong cảnh đồng quê, rừng mãi mãi xanh tươi, cho các sông, ao, hồ luôn giữ được sự mát lành, trong trẻo và quy định những điều xử phạt rất nghiêm đối với những hành vi gây ô uế không khí, làm nhiễm bẩn nguồn nước, làm lây lan dịch bệnh trong xóm làng. Đó chính là những việc làm mà ngày nay chúng ta dùng những ngôn từ hiện đại là bảo vệ môi sinh, môi trường để cùng nhau chăm lo giữ gìn.
Mật độ dân số của các địa bàn xưa kia thưa thớt hơn nhiều so với hiện nay. Mặc dù vậy trong các hương ước đều có những qui định khá tỷ mỷ và cụ thể về việc giữ gìn vệ sinh và lợi ích công cộng. Những quy định về giữ gìn vệ sinh được đặt ra và mọi người phải triệt để tuân theo là nhằm vào mục đích cụ thể như đã nêu rõ ràng trong hương ước rằng: “Muốn cho trong làng được khoẻ mạnh, cần phải theo phép vệ sinh: một là phòng bệnh, hai là cứu bệnh”. Trong các qui định này phòng bệnh được đặt ra trước chữa bệnh [hương ước các làng: Xã Đàn (điều 74), Tây Hồ (điều 72), làng Ngọc Hà (điều 74)…]. Điều 46 hương ước làng Thanh Liệt nay thuộc huyện Thanh Trì khẳng định: “người ta ai có mạnh khoẻ thì mới sống lâu. Muốn cho dân làng được mạnh khoẻ thì ai cũng phải cần biết giữ vệ sinh chung và vệ sinh riêng…”. Các quy phạm về giữ gìn vệ sinh trong các hương ước là rất rõ ràng, dễ hiểu, dễ tuân theo và dễ kiểm soát.
Ví dụ: “Cấm không ai phóng uế hoặc vứt đồ uế tạp ra đường. Cấm không được làm nhà xí cạnh đường, cạnh các hố ao, nguồn nước. Ai phạm vào điều cấm này đều bị phạt tiền, nhà xí phải dỡ đi” (hương ước các làng: Thịnh Quang (điều 78), Ngọc Hà (điều 76), Hào Nam (điều 48)…
Điều 28 hương ước làng Phúc xá nay thuộc Quận Ba Đình Hà Nội quy định: “Tuần phiên cắt lượt nhau đốc bắt con em tuần phiên quét dọn sửa soạn các con đường cái lớn công dân cho bằng phẳng sạch sẽ, các rãnh phải khai cho thông, còn các đường lối cửa ngõ lân cận về dân thời người ở đây mỗi buổi sáng phải quét dọn. Phàm các chuôm ao, hồ rãnh có nước tù hãm, thời dọn dẹp lấp đi cho sạch sẽ. Các nơi công sở và chợ quán phải dọn cho sạch, mỗi năm một lần quét vôi”.
(Luật gia Lê Đức Tiết - Về hương ước lệ làng - Nxb Chính Trị Quốc Gia, HN -1998).

II. Những quy ước liên quan đến sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường.
Nông nghiệp là cơ sở kinh tế chính của làng xã và người nông dân Việt Nam. Hương ước các làng đều khẳng định “việc nhà nông là cái gốc lớn”. để bảo vệ và phát triển sản xuất, hương ước các làng đều đề ra một số quy định thích đáng.
Trước hết, hương ước khuyến khích mọi nhà, mọi người tận dụng đất đai để sản xuất. Hương ước làng Quỳnh Đôi Nghệ Tĩnh có tới bốn điều khoản về vấn đề này. Ví dụ điều 9: “làng xét các nơi trong đồng điền nơi nào nên trồng hoa quả gì thì trồng cho hết, không được bỏ hoang… nếu có người không cày bừa để ruộng vườn hoang thì phải phạt”. Điều 82 lại ghi “đồng điền làng về vụ đông nhiều chỗ trồng được khoai, đậu, làng đã tiêu nêu cấm trâu bò ăn hại, thì tuỳ nơi nên trồng gì lại trồng, ai lười nhác thì đánh đòn 30 roi”. Hai điều 17 và 113 khuyến khích những ai bỏ công sức đắp đê ngăn nước mặn, cải tạo đầm thành ruộng lúa và cho phép người đắp được quyền sở hữu số ruộng đó, nếu đến kỳ đắp, ai bỏ thiếu sẽ bị phạt mỗi ngày một tiền. Điều 113 ghi “nguyên làng ta có một dải ruộng hoang ở xứ Đập Bản và Vụng Cầu, làng nên cho khai khẩn thành ruộng trồng trọt để làm mối lợi thêm cho dân làng, nay làng bàn, hễ người nào có sức phá vỡ ra cày cấy được khoảng bốn năm, làng cho ăn, không phải nộp thuế, ngoài bốn năm thì làng cứ lúa trên ruộng được bao nhiêu, làng chia ba, làng lấy một phần, làng cho làm như thế trong hai mươi năm, hết hạn phải giao ruộng cho làng”. Khoán ước làng Kiêu Trì quy định, ai dấu ruộng lại để hoang, phải nộp phạt cho làng và cho phiên mỗi cấp một mạch tiền.
Thuỷ lợi cũng được quy định thành các điều khoản trong hương ước. Trước hết là việc tu bổ và bảo vệ đê điều. Làng nào cũng cử người phụ trách đê điều gọi là khán thủ đê, thủ nậu hay xã khán. Hàng năm, các làng đều quy định định kỳ đắp đê. Làng Quỳnh Đôi, cứ đến ngày 20 tháng giêng nghe hiệu lệnh đánh trống đắp đê, mọi người, mọi nhà phải có mặt đầy đủ, ai đến chậm sẽ bị phạt.
Sau việc đê điều, các làng xã rất chú ý tới việc khai thác, sử dụng và bảo vệ các nguồn nước, việc xây dựng và bảo vệ các hồ, đập trữ nước, mương máng tưới tiêu. Điều 40 hương ước làng Quỳnh Đôi (năm 1731) ghi rõ, đập Bờ Re là nơi trữ nước, nơi cao để làm ruộng mùa, nơi thấp làm ruộng chiêm, không được tháo kiệt, phải đắp cho vững. Ở làng Đồng Lư (Quốc Oai) khoán ước năm 1795 quy định: Thôn trưởng của bốn giáp chia nhau giữ các đìa giữ nước, nếu để khô bắt phạt 12 quan tiền cổ, đánh 10 roi, truất xuống bàn thứ tư. Việc tháo nước chỉ do tuần phiên hay những người phụ trách thuỷ lợi của làng đảm nhiệm, ngoài ra, ai tự ý tháo sẽ bị phạt. Làng Vĩnh Lại, năm 1807 phạt lợn rượu trị giá một quan 2 mạch những ai tự ý giữ nước lậihy tháo nưoqức ra “để có hại cho việc nhà nông”. Việc bảo đảm nguồn nước trong vụ cày cấy và trong thời kỳ sinh trưởng của cây lúa được đặc biệt lưu ý. Khoán ước thôn Kiêu Trì (năm 1832), quy định ai đơm cá ở ruộng, mương nước trong vụ cày cấy phạt lợn rượu trị giá 3 quan 6 mạch, ai để trâu bò uống nước ở mương dẫn nước phía sau đình bị phạt 1 quan 6 mạch tiền, ai chiếm đất làm của riêng ở gần mương tiêu nước, giáp với sông Tam Giang, làm ảnh hưởng tới mương bị phạt 3 mạch tiền kẽm và phải phá hết cây cối đã trồng.
Mỗi làng xã của người Việt gồm ba phần cơ bản: khu cư trú, khu canh tác (đồng ruộng) và khu không canh tác (bao gồm đồi núi, sông ngòi, rừng cây, đồng nội,…). Cả ba khu hợp thành môi trường tổng thể; nếu một yếu tố nào đó bị xáo động, sẽ ảnh hưởng tới các yếu tố kia. Do vậy, các làng xã đều chú ý giữ gìn sự cân bằng sinh thái đó. Hương ước của nhiều làng đều có những điều khoản quy định việc sử dụng và bảo vệ nghiêm ngặt từng khu vực ấy. Chẳng hạn, với một khu rừng, nhất là rừng đầu nguồn, không được đốn chặt cây hay đốt phá vào mùa khô (hương ước làng Đình Bảng - Bắc Ninh, làng Yên Sở - HN). Với một khúc sông hay một đầm hồ không được tát cạn để bắt cá vv…ở đây, để ngăn ngữa và hạn chế có hiệu lực sự phá hoại có ý thức hoặc vô ý thức, hương ước đã mượn tiếng “ thần linh” để gán cho các thành tố tự nhiên ấy, nếu xâm phạm sẽ bị thần trừng trị, đe doạ tới vận mệnh của làng.
(Bùi Xuân Đính - Lệ làng phép nước - NXB Pháp lý, HN-1985)

III. Tác động của môi trường tự nhiên và điều kiện địa lý.
Ở Việt Nam, môi trường sông nước phải được coi là một yếu tố đặc biệt quan trọng, đã có tác động không nhỏ tới việc hình thành một số truyền thống của người Việt.
“Dấu vết của môi trường sông nước in khá đậm lên cách tư duy của người Việt. Nhiều truyền thống cũng đã hình thành do tác động của điều kiện địa lý này mà ta có thể tìm thấy trong hầu hết các mặt của đời sống xã hội, văn hoá và cả trong một số sở trường của người Việt.
Về phương diện văn hoá tinh thần, người Việt có vô số những tín ngưỡng, lễ nghi liên quan đến sông nước như thờ thuỷ thần, tục xăm mình, lễ hội đua thuyền, nghệ thuật múa rối nước,…Có thể nói người Việt có một truyền thống văn hoá sông-nước và quen với sông nước, thạo nghề sông nước, có tư duy của một cư dân sông nước. Nhờ có truyền thống này mà người Việt có khả năng đối phó rất linh hoạt với mọi tình thế và có lối ứng xử mềm dẻo phù hợp với hoàn cảnh sống gần/ trên sông nước.” (Tóm tắt báo cáo tổng kết và kiến nghị - Đề tài KX-07-02 “Các giá trị truyền thống và con người Việt nam hiện nay”- Trung tâm hợp tác nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội).
-“ Bên cạnh những thuận lợi, thiên nhiên Việt nam luôn luôn đặt ra cho con người muôn vàn những thử thách hiểm nghèo, hay gây ra những tai biến bất thường được gọi chung là thiên tai, nhất là lũ lụt, hạn hán, bão tố, và nhiều loại sâu bệnh tàn hại mùa màng… Đấy là mặt khắc nhiệt, mặt thử thách gay gắt của thiên nhiên đối với cuộc sống của con người.
Cuộc đấu tranh gần như thường xuyên với thiên tai là một cuộc vật lộn vô cùng ác liệt với thiên nhiên, vừa đòi hỏi con người phải liên kết lại trong cộng đồng, tạo nên sức mạnh để vượt qua thử thách, vừa rèn luyện tinh thần lao động cần cù, kiên nhẫn kết hợp với lòng dũng cảm, trí thông minh”.
(Tóm tắt báo cáo đề tài KX – 07 – 02)

IV. Lao động của người Việt:
Đất nước Việt Nam tuy nói giàu có, rừng vàng biển bạc, nhưng cho đến ngày nay, vẫn còn là của chìm chưa khai thác được bao nhiêu để đủ nuôi sống chúng ta. Từ nghìn xưa, ông cha ta phải cần cù lắm mới có miếng ăn. Đồng bằng sông Hồng, sông Cửu long, hai vựa lúa ấy trước kia không phải rộng như thế. Đất đai chỗ sình lầy, chỗ đầm ao, chỗ đồng chua nước mặn, chỗ đồng khô cỏ cháy, chỗ đồi núi nhấp nhô, cằn cỗi, ven biển có những đụn cát không ngăn chặn thì nguy hại đến mùa màng. Cho đến bây giờ đây, chúng ta vẫn phải làm như cha ông ta ngày trước, lấn rừng, lấn biẻn, khai hoang, phục hoá mà cũng chưa đủ đất canh tác. Không phải tự nhiên mà chúng ta có câu tục ngữ “tấc đất, tấc vàng”. Nước ta hình như năm nào cũng phải chống hạn, chống úng, chống bão, chống rét. Sông suối khi khô cằn, khi đầy ắp. Những câu như “một nắng hai sương”, “đổ mồ hôi sôi nước mắt”, “sống ngâm da, chết ngâm xương”, không hoàn toàn là hình ảnh văn chương mà là sự thật. Đủ biết công việc làm ăn vất vả biết chừng nào.Lại như các chuyện cổ tích Lác Long Quân diệt Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh, chuyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh, chuyện Thần Kim Quy đều phần nào tượng trưng cho sức lao động cần cù của người Việt nam từ thời thượng cổ bỏ ra để chinh phục thiên nhiên giành cuộc sống.
Trong quá trình vật lộn với trời đất, chúng ta phải lấy khối óc mà nhận xét, phán đoán để chinh phục thiên nhiên để lao động theo quy luật của thiên nhiên. Về nông nghiệp chúng ta đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trải qua hàng nghìn năm để tiến hành sản xuất. Những kinh nghịêm ấy được đúc kết thành những câu tục ngữ ca dao truyền miệng cho nhau từ đời này sang đời khác. Kinh nghiệm về thời tiết, về kế hoạch sản xuất, về kỹ thuật canh tác,…
(Lê Ngọc Trà tập hợp và giới thiệu - “Văn hoá Việt Nam đặc trưng và cách tiếp cận” - NXB GD. Tr.210).

V. Thay lời kết
Ngay từ thời xa xưa cha ông chúng ta đã rất quan tâm đến môi sinh, môi trường. Chính vì thế từ thuở khai sinh, lập ấp người Việt ở các thôn làng, các vùng miền khác nhau đã thiết lập các quy định, hương ước mà trong đó có những điều khoản quy định rõ ràng về sự cần thiết của môi sinh, môi trường, về trách nhiệm nghĩa vụ của con người trong việc bảo vệ môi sinh. Nếu có ai đó vi phạm sẽ bị xử phạt rất nghiêm khắc.
Đối với tài nguyên đất và tài nguyên nước cũng vậy, cha ông ta thời bấy giờ đã rất quý trọng nước và đất. Tuy rằng, lúc bấy giờ dân số còn thưa thớt, nhưng con người Việt đã biết quý trọng từng tấc đất. Con người tổ chức đi khai khẩn đất hoang, mở rộng đất để sinh nhai. đồng thời tìm kiếm các nguồn nước , giữ gìn nước như một tài sản vô giá mà con người kiếm được. Việc khần hoang vô cùng khó khăn và vất vả. Việc khơi nguồn tìm nước, dẫn nước về dùng cũng khá khó khăn, nhưng bằng nghị lực phi thường của con người Việt thời đó, cha ông chúng ta đã bằng mọi cách tìm kiếm và giữ gìn tài sản vô giá đó.

Mai Thanh Thế