Mức sống.
Nếu như trình độ học vấn có mối tương quan rõ rệt đến nhận thức của người dân về vấn đề tài nguyên, môi trường thì mức sống là một nhân tố có tác động nhất định đến thái độ, hành vi của họ, bởi nó liên quan đến khả năng đáp ứng các nhu cầu - một trong những nội lực quan trọng quy định hành vi của con người. Tuy nhiên, tính chất tác động của mức sống đến hành vi con người trong quan hệ với môi trường sẽ là khác nhau tuỳ thuộc vào mức sống cao hay thấp.
Áp lực rất lớn đối với môi trường ở nước ta là đời sống của người dân còn thấp. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới tại Việt nam trong cuộc họp ngày 17/6/2003 thì 29% dân số Việt Nam vẫn còn ở trong tình trạng nghèo đói. Những hộ đói nghèo là những hộ không đủ điều kiện thoả mãn các nhu cầu vật chất để duy trì cuộc sống, đặc biệt là những nhu cầu về dinh dưỡng và năng lượng. Họ không được thoả mãn những nhu cầu cơ bản của con người - những nhu cầu đã được xã hội sở tại thừa nhận tuỳ theo trình độ phát triển của mình. Vì vậy họ rất ít có cơ hội lựa chọn để tham gia vào quá trình phát triển của cộng đồng.
Mức sống thấp buộc con người phải sống nhờ vào việc khai thác trực tiếp tài nguyên thiên nhiên, dẫn đến làm cạn kiệt tài nguyên, làm ô nhiễm môi trường. Những dẫn chứng điển hình ở nước ta là nạn phá rừng; tình trạng người dân đánh bắt không có kế hoạch các loài thuỷ, hải sản còn nhỏ, gây nguy cơ diệt chủng đối với các loài động vật đó; tình trạng khai thác đất nông nghiệp quá mức do tăng vụ không đi kèm với cải tạo đất, dẫn đến làm suy thoái nghiêm trọng chất lượng đất v.v... Những khó khăn trong cuộc sống, sức ép từ nhu cầu kiếm sống đã tác động rất mạnh đến thái độ và hành vi của người dân, buộc họ dù thấy rõ ô nhiễm môi trường những vẫn tiếp tục thực hiện những hành vi gây ô nhiễm, nhẫn nại và cam chịu sự ô nhiễm cũng như những phản ứng của cộng đồng. Điều này thể hiện rất rõ trong các cuộc phỏng vấn sâu của chúng tôi. Sau đây là một đoạn trích từ biên bản phỏng vấn một nữ nông dân có thêm nghề chăn nuôi lợn tại Yên Sở, Hà Hội.
Người phỏng vấn (NPV): Gia đình cô chú chăn nuôi nhiều lợn như thế thì chính quyền có lưu ý gì về chất thải không?
Nông dân (ND): Không. Nhưng ở khu người ta kêu lắm chứ.
NPV: Sao vậy ạ? Ai kêu ạ?
ND: Thì các gia đình xung quanh kêu. Mình nuôi lợn, không có chỗ thải, mình phải cho ra cống rãnh, ra cống nó ứ đọng, không trôi được thì người ta kêu là hôi thối.
NPV: Chính quyền có nhắc nhở gì không?
ND: Không. Chính quyền không can thiệp.
NPV: Cô chú nghĩ gì về những phàn nàn của các gia đình xung quanh?
ND: Nghĩ là mình được thu, người ta kêu thì mình phải chịu thôi. Cô chú thấy bình thường.
NPV: Cuộc sống của gia đình ta có bị ảnh hưởng gì do nguồn chất thải từ việc chăn nuôi này không?
ND: Muốn nói gì thì nói, chăn nuôi nhiều như thế này không tránh khỏi ảnh hưởng, nhưng mình phải khắc phục thôi... Đấy, cháu không nhìn thấy à, cửa (cửa phòng ngủ của vợ chồng người ND, để trông lợn) luôn phải đóng, thấy không. Trước đây sợ mất trộm còn mở ra, song bây giờ thì phải đóng vào chứ không chịu nổi. Nhiều thứ mùi. Mùa này thì còn đỡ, mùa hè không chịu nổi, nhiều khi chẳng trông (lợn). Trưa cứ về nhà ngủ. May được cái từ ngày lên phường, công an làm ráo riết, bọn nghiện hút với vãng lai đỡ hẳn.
Trong rất nhiều trường hợp, cách ứng xử như trên của người dân đã trở thành một thói quen, một điều mà họ cảm thấy “bình thường” và hơn nữa, trở thành một triết lý trong cuộc sống. Tình trạng này đã và sẽ có tác động tiêu cực đến môi trường.
Sự nghèo đói dẫn đến chỗ làm cho việc thoả mãn các nhu cầu tồn tại của con người chi phối hầu như toàn bộ hoạt động của họ, họ không thể quan tâm đến những gì ảnh hưởng tới cuộc sống của những người khác, không thể quan tâm tới những gì liên quan tới tương lai của bản thân họ và lại càng không thể quan tâm đến những thế hệ tương lai sau này. Vì vậy vấn đề bảo vệ môi trường ít được họ coi trọng. Xã Phong Khê, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh là một địa bàn mà người dân có nhiều nghề khác nhau, trong đó nổi bật là nghề làm giấy, nghề đúc, nghề làm gạch v.v... Hiệu quả của hoạt động sản xuất từ các nghề này đã làm cho đời sống vật chất của người dân nơi đây cao hơn hẳn nhiều vùng khác trong tỉnh. Tuy nhiên, chất thải từ hoạt động sản xuất đã làm ô nhiễm môi trường trầm trọng: nước bị ô nhiễm nặng đến mức không thể nuôi cá, đất nông nghiệp bị ô nhiễm đến mức làm giảm năng xuất lúa, làm cho hạt lúa bị đen hai đầu và thậm trí nhiều ruộng không thể trồng trọt. Một trong những lối thoát của một số người dân nơi đây là đào ruộng lấy đất làm gạch. Trước câu hỏi "cứ đào mãi, đào mãi như thế này thì vài năm nữa ruộng nhà mình sẽ như thế nào?" một nữ nông dân 37 tuổi đã trả lời "Chúng em chẳng nghĩ xa như vậy đâu, cứ trước mắt có việc làm, kiếm tiền nuôi con là được. Còn chuyện bao nhiêu năm nữa ruộng của mình sẽ như thế nào em chưa bao giờ nghĩ tới". Còn một chủ cơ sở sản xuất giấy lý giải tình trạng ô nhiễm tại địa phương như sau: "Đây là chuyện làm ăn thôi. Nhà nước đã mở ra như vậy thì dân cũng chỉ biết làm ăn. Nếu không có những cái đó thì cũng lại rất vất vả. Xã mình có 3 đến 4 thôn thì thôn mình là phát triển nhất, những thôn kia sạch sẽ hơn nhưng đời sống của người ta thì không thể cao bằng đời sống thôn chúng tôi được. Nhà nước mở như vậy thì trước mắt cứ biết làm, còn hậu quả như thế nào thì cứ tính sau, người dân mình thì biết thế nào" Một điều nổi lên rất rõ ràng rằng, cuộc sống nghèo khó làm cho người dân chỉ quan tâm nhiều đến việc đáp ứng những nhu cầu trước mắt. Và bên cạnh thực trạng thiếu ý thức về vai trò của mình trong việc cùng Nhà nước bảo vệ môi trường thì môi trường sống cũng chưa được người dân nghèo thật sự quan tâm như một khía cạnh quan trọng tạo nên chất lượng cuộc sống của họ.
Nghèo đói không chỉ làm cho người dân phải sống dựa vào việc khai thác trực tiếp tài nguyên thiên nhiên mà còn hạn chế nhận thức của họ về tài nguyên, môi trường và do đó họ dễ dàng có những hành vi làm huỷ hoại tài nguyên, môi trường mà không ý thức được điều đó. Theo các kết quả khảo sát tại Tây Nguyên1 thì dù hầu hết những người tham gia khảo sát hiểu rằng cần phải bảo vệ rừng, song có tới 18,9% số người cho rằng đốt rừng làm rãy đem lại nhiều lợi ích cho người dân hơn là tác hại và 6,8% số người băn khoăn không biết xác định thế nào. Nếu chỉ xét trong nhóm đồng bào dân tộc bản địa (nhóm được xem là có mức sống thấp hơn so với nhóm dân tộc di cư hoặc nhóm dân tộc Kinh ở Tây Nguyên) thì các số liệu tương ứng là 21,7% (thấy phá rừng làm rãy có lợi hơn là hại) và 12,7% (không xác định được là lợi hay hại). Thực tiễn cho thấy rằng ở Việt Nam chỉ những người dân có mức sống từ trung bình trở lên mới có điều kiện tiếp xúc với các thông tin về bảo vệ môi trường. Những người nghèo, sống xa trung tâm, ít được học hành nên không có điều kiện tiếp xúc với các thông tin môi trường. Trong khi đó các hoạt động sống của họ lại thường xuyên và trực tiếp tác động mạnh mẽ vào môi trường thiên nhiên.
Cũng như ở các nước khác, ở Việt Nam không chỉ người nghèo mà những người có mức sống khá hoặc giàu cũng có thể có những tác động xấu tới môi trường. Sự tác động của họ chủ yếu thể hiện ở những khía cạnh sau:
- Những người giàu là những ông chủ cung cấp các công cụ thuê người nghèo khai thác và tàn phá tài nguyên.
- Những người giàu hoặc khá ở nông thôn cũng như ở thành thị có các cơ sở sản xuất thải chất thải độc hại trực tiếp vào môi trường sống, gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Một trong những điển hình là các làng nghề như gốm, dệt, chế biến thực phẩm... Trong nhiều nguyên nhân làm cho sự phát triển của các làng nghề gây ô nhiễm môi trường có các nguyên nhân thuộc về tâm lý con người. đó là: a. tư tưởng tư hữu, đua nhau theo lợi nhuận vì mục đích kinh tế của người chủ sản xuất nhỏ. Họ sẵn sàng sử dụng các nhiên liệu rẻ tiền, hoá chất độc hại (kể cả đã cấm sử dụng) để nhằm hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, ít đầu tư cho công việc chống ô nhiễm môi trường; b. Quan hệ sản xuất mang tính gia đình, làng xã, hay giữ bí mật nghề nghiệp theo dòng họ, không chịu cải tiến áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật dẫn đến gây ô nhiễm môi trường nặng nề; c. Công tác quản lý bảo vệ môi trường ở các làng nghề còn ít được các cấp quan tâm...
- Những người có mức sống giàu hoặc khá thường có lối sống hoang phí gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Lối sống này hình thành không chỉ do họ có điều kiện tài chính, mà nhiều khi còn do tâm lý muốn khẳng định vị thế xã hội của bản thân thông qua lối sống. Ở nước ta do mức sống của người dân nhìn chung còn thấp so với nhiều nước trên thế giới nên sự tác động của lối sống hoang phí (do có mức sống cao) ít được đề cập đến. Tuy nhiên, theo các kết quả khảo sát của chúng tôi thì những người có mức sống từ trung bình trở xuống lại ủng hộ việc chú trọng bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế hơn những người có mức sống khá hoặc giầu (ĐTB trong nhìn nhận về mối quan hệ giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế của nhóm có mức sống khá hoặc giàu là 3,06, của nhóm khó khăn là 3,20 và của nhóm có mức sống trung bình là 3,18, khác biệt với p < 0,05). Trong đời sống tâm lý của con người tồn tại một xu hướng mang tính vô thức là con người rất khó chấp nhận việc thoả mãn nhu cầu ở mức thấp hơn mức mà họ đang tiếp nhận, nếu như chưa ý thức được một cách sâu sắc rằng cần phải thực hiện điều đó. Những số liệu nêu trên phần nào nói lên rằng lối sống hưởng thụ đang dần hình thành trong tâm lý tiêu dùng của một bộ phận người dân và đã đến lúc chúng ta cần chú ý tới việc giáo dục người dân ý thức tôn trọng tài nguyên, môi trường trong khi mức sống của người dân ở nước ta đang ngày một nâng cao.
Như vậy, nếu không có định hướng giáo dục tốt, không chú trọng đúng mức đến việc hình thành hành vi thân thiện với môi trường và không đảm bảo những điều kiện cần thiết thì cả người giàu và người nghèo đều có thể có những tác động xấu đến môi trường. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy những người nghèo là những người chịu tác động trở lại của tình trạng ô nhiễm môi trường nhiều hơn những người giàu do họ không có các điều kiện để hạn chế những tác động đó.
Lê Hương