1/ Khái niệm đạo đức môi trường:
Đạo đức môi trường là hệ thống quan điểm, tư tưởng, tình cảm cùng những quy tắc, chuẩn mực được dùng để điều chỉnh, đánh giá hành vi của con người trong quá trình tác động, cải tạo, biến đổi tự nhiên nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của con người.
2/ Mục đích của giáo dục đạo đức môi trường:
Giáo dục đạo đức môi trường nhằm hình thành ở mỗi cá nhân, mỗi con người các chuẩn mực hành vi đạo đức môi trường thể hiện ở thái độ và hành vi ứng xử tích cực đối với các vấn đề môi trường cụ thể; xây dựng tình yêu thiên nhiên, sống thân thiện với môi trường thiên nhiên, bồi dưỡng lòng yêu thương con người, đảm bảo sự hài hoà giữa quyền lợi của chính mình với quyền lợi của người khác và cộng đồng.
3/ Vì sao phải giáo dục đạo đức môi trường?
Đánh giá thực trạng vấn đề môi trường ở nước ta trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Nghị quyết 41 – NQ/TƯ của Bộ Chính trị nhận định: môi trường nước ta bị xuống cấp nhanh, có nơi, có lúc đã đến mức báo động; đất đai bị xói mòn, thoái hoá; chất lượng các nguồn nước bị suy giảm mạnh; không khí ở nhiều đô thị, khu dân cư bị ô nhiễm nặng; khối lượng phát sinh và mức độ độc hại của chất thải ngày một tăng; tài nguyên thiên nhiên trong nhiều trường hợp bị khai thác quá mức, không có quy hoạch; đa dạng sinh học bị đe doạ nghiêm trọng; điều kiện vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch ở nhiều nơi không bảo đảm…
Sở dĩ có thực trạng môi trường như vậy là do bản thân mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi tổ chức của chúng ta còn chưa nhận thức một cách đúng đắn về tầm quan trọng của công tác bảo vệ, phát triển và gìn giữ môi trường; chưa biến nhận thức, trách nhiệm của bản thân đối với việc bảo vệ môi trường thành hành động cụ thể; chưa đảm bảo được sự hài hoà giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường,…
Do vậy, việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các doanh nhân, doanh nghiệp là vô cùng cần thiết.
4/ Giáo dục đạo đức môi trường:
a. Giáo dục cái gì?
Giáo dục đạo đức môi trường chính là giáo dục cho con người những tri thức khoa học, hiểu biết đúng đắn về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, về sự thích nghi của con người với những biến đổi của môi trường tự nhiên nhằm đảm bảo sự thống nhất biện chứng giữa con người với tự nhiên, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vì cả giới tự nhiên và con người, giúp con người có được tri thức đúng đắn về giá trị của môi trường tự nhiên đối với cuộc sống của chính mình.
Đồng thời, giáo dục con người những tình cảm yêu quý, tôn trọng tự nhiên, thân thiện với thiên nhiên, có thái độ, trách nhiệm và lối sống văn hoá đối với tự nhiên, sống hoà thuận với thiên nhiên.
b. Các hình thức giáo dục.
- Đối với học sinh, sinh viên:
Giáo dục thông qua các môn học và các hoạt động ngoại khoá ở các bậc học. Chính thông qua các môn học và hoạt động ngoại khoá mà giúp các em có được tình yêu thương đối với con ngưòi, các con vật, cỏ cây, hoa lá, tia nắng, giọt mưa,… tạo cho các em cái tâm “ thiện” để các em có được những hành vi ứng xử đúng đắn với con người cũng như với môi trường sinh thái và môi trường sống xung quanh. Những tri thức khoa học mà các môn học trang bị cho các em sẽ đặt nền móng cho việc xây dựng tình cảm và hành vi đạo đức môi trường cho chính bản thân các em. chẳng hạn, các môn như: sinh học, lịch sử, địa lý, ngữ văn, hoá học,… sẽ giúp các em có các tri thức về đa dạng sinh học, về nguồn tài nguyên thiên nhiên, về sự phong phú và đa dạng của thế giới tự nhiên, về mối quan hệ giữa con người với con người, về mối quan hệ tương hỗ giữa con người với thế giới tự nhiên,… Việc giáo dục giúp các em nhận thức được mỗi dạng sống đều xứng đáng được tôn trọng, bảo tồn và phát triển cho hài hoà với tự nhiên;…
- Đối với các tầng lớp dân cư:
Giáo dục thông qua các lớp tập huấn, thi tìm hiểu, tự học và truyền thông. Qua đó có thể sẽ tăng cường nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, làm những điều có ích cho môi trường, không làm gì gây tổn hại đến môi sinh, môi trường.
- Đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp:
Giáo dục thông qua các Hội nghị, Hội thảo, Hội thi tìm hiểu, thông báo chuyên đề, thông tin chuyên đề,… Qua đó không ngừng nâng cao nhận thức và ý thức về trách nhiệm của mỗi cá nhân trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó về việc gìn giữ và bảo vệ môi trường, giữ cân bằng sinh thái… mà vai trò nòng cốt là những cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các tổ chức kinh tế cũng cần phải hoàn thiện và áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, và sử dụng chu trình sản xuất khép kín để giảm tối đa việc thải vào môi trường các chất thải độc hại gây nguy hại đến môi trường sinh thái. Khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng cần thiết phải hợp lý, tiết kiệm để không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Vì mục tiêu phát triển bền vững, vì sức khoẻ cộng đồng, việc giáo dục đạo đức môi trường trong giai đoạn hiện nay cần đặt lên hàng đầu, thực hiện thường xuyên và liên tục cho mọi đối tượng, mọi tầng lớp dân cư giúp cho mọi người nhận thức một cách đúng đắn về tầm quan trọng công tác bảo vệ môi trường và có trách nhiệm với môi trường.
Mai Thanh Thế