Giới thiệu thang đo trí tuệ cảm xúc tại nơi làm việc GENOS (*)

18/06/2018

(Tamly)-Hiện nay, trong khoa học nghiên cứu về tâm lý, nhiều thang đo trí tuệ cảm xúc được sử dụng, trong đó có thang đo trí tuệ cảm xúc tại nơi làm việc Genos. Bài viết giới thiệu với đọc giả về thang đo này.

Từ năm 2000 đến 2005 một cuộc kiểm tra định tính và định lượng toàn diện các bản kiểm trí tuệ cảm xúc tương đối nổi tiếng được tiến hành. Dựa trên những kết quả của cuộc điều tra lý thuyết và thực nghiệm toàn diện này các nhà nghiên cứu đã xác định năm khía cạnh chung của trí tuệ cảm xúc trên tất cả các bản kiểm trí tuệ cảm xúc hiện có: (1) nhận biết và thể hiện cảm xúc, (2) hiểu về cảm xúc (khi được thể hiện bên ngoài), (3) cảm xúc dẫn đến điều chỉnh nhận thức (emotions to direct cognition), (4) quản lý cảm xúc (bản thân và người khác), (5) kiểm soát cảm xúc. Dựa trên 5 khía này, Benjamin Palmer và Con Stough đã xây dựng bản kiểm 64-item để đo lường 5 yếu tố đó, nó được biết với tên gọi Swinburne University Emotional Intelligence Test (SUEIT). Một số nghiên cứu thực nghiệm sử dụng SUEIT được công bố, kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng dự báo cho hiệu suất làm việc, sự hài lòng trong công việc, và sự lãnh đạo (Downey, Papageorgiou, & Stough, 2006; Palmer & Jennings, 2007).

Gignac (2005) đã thực hiện một nghiên cứu phân tích nhân tố quy mô rộng đối với thang đo SUEIT và tác giả đã đưa ra kết luận rằng cấu trúc nhân tố của SUEIT có thể được thể hiện tốt hơn bởi 7 yếu tố thay vì 5 yếu tố.

Dựa trên những kết quả nghiên cứu ban đầu về thang đo SUEIT và những kết quả chỉnh đổi của Gignac (2005) về thang đo này, Benjamin Palmer và Con Stough đã phát triển bản kiểm trí tuệ cảm xúc với phiên bản 70 items. Tên của bản kiểm này được đổi từ SUEIT thành GENOS Emotional intelligence Inventory (GENOS EI) (dẫn theo Gignac, 2010).

Thang đo GENOS phiên bản 70-item (tự báo cáo và đánh giá) để đo 7 chiều kích của trí tuệ cảm xúc (mỗi chiều kích được đo bởi 10 items): (1) nhận biết về cảm xúc của bản thân - Emotional Self-Awareness, (2) thể hiện cảm xúc- Emotional Expression, (3) nhận biết cảm xúc của người khác - Emotional Awareness of Others, (4) luận giải cảm xúc - Emotional Reasoning, (5) quản lý cảm xúc bản thân - Emotional Self-Management, (6) quản lý cảm xúc người khác - Emotional Management of Others, (7) kiểm soát cảm xúc bản thân – Emotional Self-Control. Bản kiểm GENOS được xây dựng với thang Likert 5 bậc tương ứng với 5 mức: 1-hầu như không bao giờ, 2-hiếm khi, 3-thỉnh thoảng, 4-thường xuyên và 5-hầu như luôn xảy ra.

GENOS được thiết kế để thực hiện trong môi trường làm việc, do đó các items trong bảng kiểm GENOS cũng được thiết kế có liên quan đến nơi làm việc, điều này không chỉ giúp cho bảng kiểm mang tính hợp lệ mà còn xác định một ngữ cảnh phù hợp để thuận lợi cho người tham gia hoàn thành bảng kiểm. GENOS có 3 tính năng ưu điểm: thứ nhất – mô hình đánh giá 7 nhân tố là đơn giản hơn so với các mô hình khác liên quan trong lĩnh vực EI và mỗi mô hình đều liên quan với bản kiểm, điều này làm cho GENOS trở nên dễ hiểu hơn, dễ thực hiện hơn; Thứ hai – GENOS có “tính hợp lệ của nơi làm việc” cao, bởi các item trong bản kiểm đều diễn tả những hành vi thể hiện trí tuệ cảm xúc tại nơi làm việc; Cuối cùng, nó không phải là một thước đo về trí tuệ cảm xúc, mà nó đo lường sự khác biệt cá nhân về mức độ thường xuyên thực hiện các hành vi thể hiện trí tuệ cảm xúc của người lao động tại nơi làm việc Palmer, B. R,. & Stough, S. (2001).

Ngoài phiên bản đầy đủ 70 – item, GENOS EI còn có 2 phiên bản khác là phiên bản rút gọn 31-item và phiên bản ngắn 14-item. Phiên bản rút gọn 31-item và phiên bản ngắn 14-item vẫn có mô hình cấu trúc trí tuệ cảm xúc 7 nhân tố như phiên bản đầy đủ 70-item. Tuy nhiên, độ tin cậy của các tiểu thang đo trong mỗi phiên bản có xu hướng thấp hơn so với phiên bản đầy đủ. Số lượng các item trong mỗi tiểu thang đo có xu hướng giảm đi, đó cũng là lý do giải thích tại sao độ tin cậy ở các phiên bản rút gọn thấp hơn tương đối so với phiên bản đầy đủ. Do đó, phiên bản rút gọn-31 item được khuyên là chỉ nên sử dụng cho mục đích nghiên cứu, hoặc cũng có thể dùng cho mục đích giáo dục và phát triển.

Trong phiên bản ngắn 14-item, mỗi tiểu thang đo được đo bởi 2 item. Về mặt kĩ thuật, độ tin cậy của 7 tiểu thang đo trong phiên bản này là quá thấp, và điều này khiến phiên bản 14-item không thể được chấp nhận ngay cả trong mục đích nghiên cứu. Tuy nhiên, độ tin cậy của toàn thang đo α = 0,87, hơn nữa tương quan giữa phiên bản ngắn với phiên bản đầy đủ là cao r = 0,94. Do đó, bất kì những phát hiện nào được xác định từ phiên bản đầy đủ cũng có thể được xác định từ phiên bản ngắn 14-item. Vì vậy, các nhà nghiên cứu khuyến khích việc sử dụng phiên bản ngắn 14-item nếu: thứ nhất - có những hạn chế rất lớn về mặt thời gian trong quá trình nghiên cứu; thứ hai – nếu trí tuệ cảm xúc chỉ là vấn đề quan tâm thứ yếu trong nghiên cứu.

Đỗ Thị Lệ Hằng

--------------------------

Tài liệu tham khảo

1. Downey, L.A; Papageorgiou, V.; & Stough, C. (2006).  Examining the relationship between leadership, emotional intelligence, and intuition in senior female managers. Leadership and Organization Development, 27(4): 250-264

2. Palmer, B. R., & Jennings, S. (2007). Enhancing sales performance through emotional intelligence development. Organizations and People, 14, 55-61.

3. Gignac, G. (2010) Seven – factor model of Emotional Intelligence as measure by Genos EI. Europan Journal of Psychological Assessment, 26 (4): 309-316. DOI: 10.1027/1015-5759/a000041.

4. Gignac, G. E., Palmer, B. R., Manocha, R., & Stough, C. (2005). An examination of the factor structure of the Schutte Self-Report Emotional Intelligence (SSREI) scale via confirmatory factor analysis. Personality and Individual Differences, 39, 1029–1042.

5. Palmer, B. R,. & Stough, S. (2001). Workplace SUIET: Swinburne University Emotional Intelligence Test – Interim technical manual. Melbourne: Organisational Psychology Research Unit, Swinburne University. 

-----------------------

Chú thích: (*): Đề tài cơ sở “Bước đầu thích nghi thang đo trí tuệ cảm xúc ở nơi làm việc của Genos” do TS. Đỗ Thị Lệ Hằng làm chủ nhiệm, 2017.