Thấu cảm và hành vi ủng hộ xã hội ở thanh niên

12/12/2017

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra tầm quan trọng của thấu cảm trong việc hình thành hành vi ủng hộ xã hội. Nghiên cứu của Eisenberg và Mussen (1978) cho thấy, khả năng đặt mình vào địa vị xã hội của người khác là yếu tố quyết định trong phát triển hành vi ủng hộ xã hội và năng lực xã hội của con người. Theo thuyết Nhận thức xã hội, việc đặt mình vào địa vị xã hội của người khác là điều kiện cần thiết cho sự thích nghi xã hội của trẻ em khi lớn lên (Kohlberg, LaCrossse và Ricks, 1972). Việc đặt mình vào địa vị xã hội của người khác là việc việc đặt mình vào địa vị cảm xúc và nhận thức của người đó để hiểu cảm xúc và suy nghĩ của họ (Kaplan và Arbuthno, 1985). Đặt mình vào địa vị cảm xúc của ai đó còn được gọi là sự thấu cảm, là một thành tố quan trọng của nhận thức xã hội, là sự nhận biết cảm xúc của người khác và chia sẻ cảm xúc này (Kalliopuska, 1983). Nghiên cứu này được thực hiện trên 1.200 thanh niên (tuổi từ 15 đến 26, tuổi trung bình toàn mẫu 18,31), đang sinh sống ở Hà Nội, Tuyên Quang, Bình Định, thánh phố Hồ Chí Minh và An Giang, nhằm tìm hiểu mức độ thấu cảm của thanh niên và mối tương quan với hành vi ủng hộ xã hội của họ. Kết quả cho thấy, mức độ thấu cảm của thanh niên trong mẫu nghiên cứu, cả về mặt nhìn nhận từ quan điểm của người khác lẫn quan tâm thấu cảm đạt mức trung bình khá. Mức độ thấu cảm của thanh niên khác nhau theo giới tính, môi trường văn hóa, lứa tuổi. Nữ có mức độ quan tâm thấu cảm cao hơn nam giới, nhóm trên 18 tuổi có mức độ nhìn nhận từ quan điểm của người khác cao hơn nhóm dưới 18 tuổi. Thanh niên nông thôn có mức độ thấu cảm lớn hơn thanh niên đô thị. Có mối tương quan giữa mức độ thấu cảm với hành vi ủng hộ xã hội, động cơ hành vi ủng hộ xã hội và lập luận đạo đức của thanh niên. Thanh niên có mức độ nhìn nhận từ quan điểm của người khác và quan tâm thấu cảm càng cao thì càng có xu hướng thường xuyên thể hiện hành vi ủng hộ xã hội, có xu hướng hành động với động cơ ẩn danh, vì cảm xúc, tình huống thảm khốc và phục tùng, có xu hướng lập luận đạo đức định hướng thấu cảm và giá trị nhập tâm cao.

Tài liệu tham khảo

1. Eisenberg-Berg N. & Mussen P. (1978), Empathy and moral development in adolescence, Developmental Psychology, 14, pp. 185 - 186.

2. Kaplan P.J. & Arbuthnot J. (1985), Affective empathy and cognitive role - taking in delinquent and nondelinquent youth, Adolescence, 20, pp. 323 - 333.

3. Kalliopuska M. (1983), Relationship between moral judgment and empathy, Psychological Reports, 53, pp. 575 - 578.

4. Kohlberg L., LaCrosse J. & Ricks D. (1972), The predictability of adult mental health from childhood behavior, In B.B. Wolman, Handbook of Socialization theory and Research, pp. 1.217 - 1.284, New York: Mc Graw - Hil.

Đỗ Ngọc Khanh

Đỗ Ngọc Khanh