Bạo lực gia đình ở phụ nữ các tỉnh phía Bắc Việt Nam

12/12/2017

Mặc dù người dân châu Á đặt cao tầm quan trọng của gia đình và hôn nhân nhưng bạo lực gia đình vẫn xảy ra phổ biến, bất chấp đó chính là nguyên nhân phá vỡ hạnh phúc gia đình.

Các nghiên cứu cho thấy, cứ 5 người phụ nữ châu Á thì có 2 người trải nghiệm bạo lực gia đình. Trong nhóm phụ nữ châu Á thì vấn đề bạo lực gia đình ở các nhóm dân tộc thiểu số đặc biệt nghiêm trọng, khi giá trị của người phụ nữ không được đánh giá cao bằng người đàn ông (Hlee, 2013).  

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, bạo lực gia đình để lại hệ quả tiêu cực kể cả trước mắt và về lâu dài. Bạo lực gia đình làm cho phụ nữ bị tổn thương về sức khỏe như bị thương, đau dạ dày, khuyết tật, đau mãn tính (Krug et.al., 2002). Bạo lực có tương quan với các vấn đề sức khỏe tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm, cảm thấy vô vọng, tổn thương sau sang chấn, có ý tưởng và thử tự sát (Andrews và Brown, 1988; Astin et.al., 1993; Krug et.al., 2002; Tang, 1997),  ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển tâm lý của con cái. Trẻ em chứng kiến bạo lực trong gia đình có nguy cơ cao về các vấn đề hành vi, tình cảm và các than phiền về sức khỏe thể chất (McCloskey et.al., 1995; Jounriles et.al., 1989). Trẻ em trai chứng kiến bạo lực trong gia đình cũng tăng nguy cơ sử dụng bạo lực khi chúng trở thành người lớn (Krug et.al., 2002).

Phụ nữ các tỉnh miền núi phía Bắc là nhóm phụ nữ có nguy cơ cao bị bạo lực và khó can thiệp vì văn hóa chấp nhận và che đậy bạo lực để bảo vệ hình ảnh gia đình. Nghiên cứu 622 phụ nữ với tuổi trung bình là 40,75 ở các tỉnh miền núi phía Bắc được thực hiện nhằm làm rõ thực trạng phụ nữ bị bạo lực gia đình. Kết quả nghiên cứu cho thấy, Tỷ lệ phụ nữ các tỉnh miền núi phía Bắc bị chồng bạo hành tương đối cao, cao hơn phụ nữ ở các tỉnh miền đồng bằng và tương ứng với tỷ lệ phụ nữ bị bạo hành trên thế giới. Phụ nữ bị bạo hành nhiều nhất là về mặt tinh thần, sau đó đến bạo hành thể chất. Các hình thức bạo hành thể chất thường gặp nhất là tát, đấm, đánh bằng vật gây thương tích. Bạo hành tình dục có tỷ lệ thấp nhất trong bốn loại bạo hành.Tỷ lệ phụ nữ các tỉnh miền núi phía Bắc bị bố hoặc mẹ chồng bạo lực về tinh thần và thể chất là rất thấp và thường không phải là vấn đề đáng lo lắng.

1. Andrews B. & Brown G.W., Marital violence in the community: A biographical approach, British Journal of Psychiatry, 153, 305 - 312, 1988.

2. Astin M.C., Laerence K.J. & Foy D.W., Posttraumatic stress disorders among battered women: Risk and resiliency factor, Violence and Victims, 8, 17 - 27, 1993.

3. Hlee Moua, The Hmong Community: Acculturation and Utilization of Domestic Violence Services, Master of Social Work Clinical Research Papers, St. Catherine University, 2013.

4. Krug E.G., Dahlberg L.L., Mercey J.A., Zwi A.B., Lozano R. (eds), World Report on Violence Chapter 4 Violence by Intimate Partners, World Health Organization: Geneva, 2002.

5. McCloskey L.A., Figueredo A.J., Koss M.P., The Effects of Systemic Family Violence on Children’s Mental Health, Child Development, 66: pp. 1.239 - 1.261, 1995.

6. Jounriles E.N., Murphy C.M., O’Leary K.D., Interspousal Aggression, Marital Discord, and Child Problems, Journal of Consulting and Clinical Psychology, Vol.57, pp. 453 - 455, 1989.

7. Tang C., Psychological impact of wife abuse: Experiences of Chinese women and their children, Journal of Interpersonal Violence, 12, pp. 466 - 475, 1997.

 

Đỗ Ngọc Khanh