Một số biểu hiện trầm cảm ở Học sinh trung học phổ thông

09/04/2018

(Tamly) - Nghiên cứu sức khỏe tinh thần của học sinh trung học phổ thông ở miền Bắc Việt Nam

 

Đây là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp bộ 2017 do Viện Tâm lý học chủ trì về sức khỏe tinh thần của học sinh trung học phổ thông. Mẫu chọn 745 học sinh trung học phổ thông Việt Nam ở 3 tỉnh thành (Hà Nội, Thanh Hóa, Hòa Bình) với 56,7 % số học sinh là nữ, 43,2 % số học sinh là nam (1 học sinh báo cáo là người lưỡng giới) đang học lớp 10, 11 và 12 trả lời thang trầm cảm PHQ-9 (thang có độ tin cậy Alpha Crobach = 0,88).

Kết quả cho thấy có 26,6% số học sinh trung học phổ thông có biểu hiện trầm cảm ở mức độ từ nhẹ đến nặng, trong đó có 4,3% số học sinh có triệu chứng bị trầm cảm nặng, 8,1% số học sinh bị trầm cảm vừa và 14,2% số học sinh bị trầm cảm nhẹ. Có thể nói số học sinh có vấn đề về trầm cảm (nặng và vừa) tương đối cao, chiếm 12,4% tổng số mẫu chọn. Tỷ lệ học sinh  có triệu chứng trầm cảm trong nghiên cứu này cao hơn khi so sánh với số liệu của các nghiên cứu khác trên thế giới và ở Việt Nam.

Biểu hiện mà tất cả học sinh trong mẫu chọn có triệu chứng trầm cảm vừa và nặng thường gặp nhất là cảm thấy mất hứng thú học bài và làm việc nhà (32,2% số học sinh cảm thấy thường xuyên), rối loạn giấc ngủ (35%), tiếp theo là mất tập trung (26,4%) và cảm thấy tồi tệ về bản thân (32,2%).

Nhìn chung, kết quả cho thấy có sự khác biệt về các mức độ trầm cảm theo một số biến độc lập như học lực, lớp học, có bạn thân hay không. Học sinh khối lớp 12 có mức độ trầm cảm lớn hơn học sinh khối lớp 11 và 10. Học sinh có học lực yếu có mức độ trầm cảm lớn hơn học sinh có học lực giỏi đáng kể. Nhóm có bạn thân có mức độ các biểu hiện trầm cảm ít hơn nhóm không có bạn thân. Như vậy, nhóm học sinh học yếu, không có bạn thân, học lớp cuối cấp có nguy cơ trầm cảm cao hơn nhóm học sinh học năm dưới, học giỏi và có bạn thân. Tuy nhiên, nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt đáng kể giữa học sinh nam và nữ, ở các vùng miền khác nhau, hoàn cảnh kinh tế gia đình khác nhau. 

So sánh trên từng biểu hiện cụ thể, nữ học sinh trung học phổ thông có mức độ rối loạn giấc ngủ, cảm thấy mệt mỏi, rối loạn ăn, và suy nghĩ tiêu cực về bản thân nhiều hơn nam học sinh trong khi học sinh nam có mức độ rối loạn vận động cao hơn nữ học sinh. 

Kết quả nghiên cứu này đã chỉ ra những điểm đáng lưu ý về tình trạng sức khỏe tinh thần của học sinh, tiềm ẩn những nguy cơ cao về rối loạn cảm xúc, cụ thể là trầm cảm mà xã hội, cha mẹ cũng như thầy cô giáo cần quan tâm hơn nữa. 

Đỗ Ngọc Khanh