Giới thiệu về trị liệu tự truyện
Trong chương trình này, người dùng sẽ được dẫn dắt để viết về bản thân trong quá khứ, hiện tại, và tương lai. Trên trang chủ (www.selfauthoring.com) tóm tắt:
Những ai dành thời gian viết cẩn thận về bản thân trở nên vui vẻ, ít lo âu và có thể chất tốt hơn. Họ làm việc hiệu quả, duy trì được tiến độ và tập trung trong cuộc sống. Điều này xảy ra bởi vì việc suy nghĩ về quê hương, danh tính và điểm đến sẽ giúp bạn nhận ra những lựa chọn đơn giản mà giá trị cao trong cuộc sống. Chương trình chia làm 3 phần:
- Viết về Quá Khứ giúp bạn nhớ, phân tích những sự kiện chủ chốt đã mang lại trải nghiệm tích cực và tiêu cực.
- Viết về Hiện Tại có 2 phần: phần đầu giúp bạn hiểu và sửa chữa tính cách sai lệch, phần hai giúp bạn hiểu và phát triển tính cách nhân hậu của mình.
- Viết về Tương Lai giúp bạn hình dung ra một viễn cảnh đầy ý nghĩa và khoẻ mạnh trong vòng từ 3 đến 5 năm, và phát triển một kế hoạch cụ thể và thực tiễn để biến viễn cảnh đó thành hiện thực.
Hãy bỏ lại quá khứ của bạn! Hiểu và cải thiện tính cánh hiện tại! Thiết kế tương lai theo ý bạn! Chương trình tự truyện này sẽ cải thiện cuộc đời bạn.
Cơ sở lý thuyết của trị liệu tự truyện
Dưới đây là một nghiên cứu về chương trình Viết về Tương Lai, một mảng trong chương trình trị liệu tự truyện.
Chương trình Viết về Tương Lai được thực hiện trên mạng là sự kết hợp giữa trị liệu theo truyện và định hướng nghề nghiệp nhằm cải thiện kỹ năng cho các sinh viên. Giai đoạn đầu tiên của chương trình nhắm cho sinh viên viết một đoạn về những sự kiện quan trọng trong cuộc sống và nghĩ về sau 3 đến 5 năm thì cuộc sống sẽ như thế nào nếu các sinh viên tận tâm chăm sóc bản thân. Các sinh viên cũng sẽ viết về những điều không mong muốn xảy ra trong tương lai, nếu như những hành vi và thói quen xấu xâm chiếm cuộc sống của họ. Giai đoạn thứ hai của chương trình bao gồm việc phân tích và sắp xếp những nhìn nhận tích cực đã phát triển từ giai đoạn thứ nhất và xây dựng một kế hoạch chi tiết để áp dụng khi tự theo dõi bản thân. Người tham gia sẽ đánh giá mục tiêu của họ theo thứ tự cao thấp theo góc nhìn cá nhân, gia đình và xã hội, để xem xét những trở ngại có thể xảy râ và cách vượt qua những trở ngại đó, và phát triển quá trình tự theo dõi cá nhân.
Trong một chương trình dạy kỹ năng sống Start Smart ở trại hè tại trường Mohawk, các bạn sinh viên được mời tham gia vào chương trình Viết về Tương Lai. Khi các sinh viên đăng ký tham gia trại hè, các bạn được chia thành 2 nhóm ngẫu nhiên sao cho 2 nhóm đó có số lượng bằng nhau, trong đó 1 nhóm là nhóm thực nghiệm, còn nhóm kia là nhóm đối chứng. Các bạn được cho biết về thời gian biểu cá nhân trong ngày.
Chương trình bắt đầu bằng việc giới thiệu “Xây dựng kế hoạch cho tương lai” mà tất cả các sinh viên đều tham gia. Nhóm nghiên cứu được dẫn đi tham gia khoá Viết về Tương Lai, còn nhóm đối chứng được dẫn đi tham gia khoá định hướng mà trường Mohawk vẫn tổ chức các mùa hè hàng năm. Cả hai nhóm nhận cùng một loại tài liệu, nhưng các hoạt động sinh hoạt thì khác nhau.
Các dữ liệu được thu thập bao gồm: quyết định bỏ học đại học (là biến nhị phân được xếp trong mô hình hồi quy logistic); điểm trung bình năm đầu đại học (biến liên tục, được xếp vào mô hình hồi qui tuyến tính). Các mô hình về nghỉ học hay điểm số năm đầu đã xét theo sự khác biệt ở các sinh viên như là giới tính, tuổi tác, trình độ học vấn, trường lớp, điểm trung bình cấp 3 và điểm thi đầu vào đại học.
Báo cáo này đánh giá ảnh hưởng từ việc người tham gia thực hiện can thiệp định hướng (intention-to-treat) chứ không phải là ảnh hưởng của sự can thiệp. Nhóm thực nghiệm không chỉ bao gồm các sinh viên đã hoàn thành cả hai giai đoạn của chương trình Viết về Tương Lai, mà còn bao gồm các sinh viên mới chỉ hoàn thành một trong hai giai đoạn.
Kết quả cho thấy những sinh viên tham gia chương trình Viết về Tương Lai có tỷ lệ bỏ học thấp hơn nhóm đối chứng (giảm 3,3 đến 4,3% tỷ lệ bỏ học và 14,8% ở nhóm thực nghiệm). Các nhà nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của chương trình là cao đối với các sinh viên có khả năng bỏ học cao (nam so với nữ, người có chứng chỉ so với người có bằng đại học, người có bằng môn liên ngành học so với người có bằng môn kinh doanh, người có điểm B- và thấp hơn so với điểm A-). Vd: sinh viên nam trong nhóm thực nghiệm có tỷ lệ bỏ học thấp hơn từ 5,9 đến 8% so với nhóm còn lại (17,1% bỏ học), còn nhóm thực nghiệm là nữ thì không có sự khác biệt ý nghĩa về tỷ lệ bỏ học với nhóm còn lại.
Hạn chế của nghiên cứu là có sự ngẫu nhiên về việc hoàn thành chương trình Viết về Tương Lai giữa các sinh viên do quá trình tự chọn lựa. Cách khắc phục cho nghiên cứu sau này có thể là sử dụng biến công cụ, hoặc thiết kế lại nghiên cứu/quản lý để không ảnh hưởng đến việc hoàn thành chương trình.
Hoàng Nhật
Tài liệu tham khảo:
-
Self authoring suite, https://www.selfauthoring.com/, 2/12/2018
-
Ross Finnie, Wayne Poirier, Eda Bozkurt, Jordan B. Peterson, Tim Fricker, Megan Pratt (2017) Using Future Authoring to Improve Student Outcomes. Toronto: Higher Education Quality Council of Ontario.