Những tình huống trong mối quan hệ bạn bè đe dọa tới hình ảnh bản thân của học sinh trung học phổ thông

21/12/2017

Quan hệ xã hội đóng một vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của mọi lứa tuổi. Ở lứa tuổi học sinh trung học phổ thông, trong môi trường nhà trường, mối quan hệ bạn bè có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, bởi trong môi trường này các em được tiếp xúc với bạn bè cùng trang lứa, định hình và phát triển những đặc điểm tính cách phù hợp với lứa tuổi.

Trong mối quan hệ bạn bè ở độ tuổi này, không phải lúc nào mối quan hệ đó cũng diễn ra tốt đẹp. Vẫn có những tình huống xảy ra gây cho các em sự khó chịu, căng thẳng, có tính chất tiêu cực, đe dọa tới hình ảnh bản thân. Những tình huống thường thấy ở lứa tuổi này như bị bạn bè nói xấu, hiểu nhầm, bị đánh giá không tốt về tính cách, về ngoại hình, về năng lực, thậm chí bị ghét bỏ, tẩy chay… thậm chí có thể là nguy cơ dẫn đến sự tan vỡ trong tình bạn. Vậy, mức độ thường gặp những tình huống này ở học sinh THPT như nào?

Sử dụng phương pháp điều tra bằng bảng hỏi trên 252 học sinh trung học phổ thông tại Hà Nội, năm 2016, nghiên cứu đã sử dụng các câu hỏi dưới dạng thang đo Likert với 4 phương án từ Hoàn toàn không đúng – Hoàn toàn đúng tương ứng với mức điểm  từ 1-4 điểm trong mỗi tình huống để tìm hiểu mức độ thường xuyên của các tình huống mà các em gặp phải.  Kết quả cho thấy một số đặc điểm sau:

Nhìn chung, trong mối quan hệ bạn bè, các em không thường xuyên gặp những tình huống có tính chất đe dọa tới hình ảnh bản thân (ĐTB trên toàn thang đo =1,78/4; ĐLC =0,51), trong đó, những tình huống đe dọa tập trung chủ yếu ở các tình huống bị bạn bè nói xấu, hiểu nhầm và bị đánh giá không tốt về ngoại hình, tính cách và năng lực nhiều hơn. Cụ thể:

Tình huống mà các em thường gặp nhiều và phổ biến nhất là bị bạn/ nhóm bạn hiểu lầm (ĐTB=2,01; ĐLC = 0,80) (có 1/5 học sinh thường xuyên gặp tình huống này). Theo ý kiến của các em, những tình huống hiểu nhầm thường là do cách thức diễn đạt của bạn bè không thể hiện hết ý dẫn đến sự không hiểu nhau, thậm chí có trường hợp tam sao thất bản. Sự hiểu nhầm có thể gây ra những ấm ức, căng thẳng cho cả hai bên do  chưa có sự thông hiểu về nhau.

Tình huống thường gặp tiếp theo là bị bạn/ nhóm bạn đánh giá không tốt về ngoại hình (ĐTB=1,97; ĐLC=0,86) như bị chê béo, tròn, lùn... Đối với lứa tuổi này, hầu hết các em đã qua hoặc đang trong giai đoạn cuối tuổi dậy thì. Sự thay đổi đột ngột về hình thể ít thấy nhưng sự quan tâm đến bề ngoài lại được thấy rõ hơn, bởi ở tuổi này, các em ý thức hơn về vẻ đẹp của mình thể hiện bằng sự giữ gìn vóc dáng, chau chuốt hơn về diện mạo bề ngoài. Vì vậy, việc bị bạn/ nhóm đánh giá không tốt về ngoại hình cũng được các em coi là tình huống gây căng thẳng, đe dọa tới hình ảnh bản thân. Bị đánh giá không tốt về ngoại hình cũng được coi là một hành vi bạo lực học đường. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Hoa (2014) cũng cho thấy mức độ ảnh hưởng tới tâm lý khi các em là nạn nhân của tình huống này: “Lúc đầu, bị các bạn gọi em là đen, em rất buồn vì em là con gái, mà lại có nước da đen sạm. Em biết rõ điểm yếu đó nhưng em không muốn người khác nhắc tới. Đằng này, các bạn lại lôi điểm yếu đó ra làm trò đùa làm em rất ngại khi gặp các bạn, em muốn tránh các bạn” (ý kiến của một bạn nữ, lớp 12, nạn nhân, trích trang 46, 47, Nguyễn Thị Hoa, 2014)

Bị bạn/ nhóm bạn nói xấu cũng là một tình huống thường gặp và phổ biến ở học sinh THPT (ĐTB=1,95; ĐLC=0,82). Kết quả nghiên cứu trước đó của Nguyễn Thị Hoa (2014) cũng cho thấy điều này khi có tới 51,3% học sinh là nạn nhân bị nói xấu sau lưng. Tình huống này không chỉ là ảnh hưởng đến hình ảnh bản thân mà thậm chí có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ bạn bè khi người nói xấu có tính chủ đích.

Bên cạnh đó, những tình huống bị bạn bè ghét bỏ/ tẩy chay hay những mâu thuẫn khác cũng có xảy ra nhưng ít thường gặp. Có lẽ trong mối quan hệ bạn bè, những tình huống có tính chất đe dọa tới hình ảnh bản thân thường mang tính chất gây ra những căng thẳng nhẹ, không ảnh hưởng quá nhiều tới mối quan hệ bạn bè thường xảy ra đối với các em nhiều hơn, còn những tình huống gây căng thẳng, áp lực có thể dẫn đến phá vỡ mối quan hệ bạn bè ít xảy ra.

Tóm lại, học sinh trung học phổ thông trong diện khảo sát không thường xuyên có những tình huống liên quan đến mối quan hệ bạn bè đe dọa tới hình ảnh bản thân. Tuy nhiên, những tình huống đe dọa mà các em gặp phải tập trung chủ yếu ở các tình huống bị bạn bè nói xấu, hiểu nhầm và bị đánh giá không tốt về ngoại hình, tính cách và năng lực nhiều hơn

-----------------------

Tài liệu tham khảo

1.     Nguyễn Thị Hoa (2004). Nghiên cứu một số hành vi bạo lực học đường và ảnh hưởng của nó đến tâm lý học sinh trung phổ thông. Báo cáo tổng kết đề tài cấp Bộ 2013- 2014

Minh Thu