Sự phát triển nhận thức của thanh thiếu niên

11/04/2018

(Tamly) - Phát triển nhận thức của thanh thiếu niên là quá trình chuyển từ kiểu tư duy của trẻ con sang kiểu tư duy của người trưởng thành. Có 3 lĩnh vực phát triển chính trong nhận thức của thanh thiếu niên: kĩ năng suy luận, khả năng tư duy trừu tượng và siêu nhận thức.

Đầu tiên, thanh thiếu niên phát triển kĩ năng suy luận nâng cao, bao gồm khả năng khám phá một loạt khả năng có thể xảy ra trong một tình huống, suy nghĩ theo giả thuyết (những tình huống trái ngược - thực tế) và sử dụng quá trình tư duy logic.

Thứ hai, thanh thiếu niên phát triển khả năng tư duy trừu tượng, chuyển từ tư duy trực quan (suy nghĩ về những cái có quan hệ trực tiếp với mình, những kiến thức cụ thể) sang tư duy trừu tượng (có khả năng suy nghĩ về điều không thể nhìn thấy hoặc chưa từng trải qua).

Thứ ba, những đặc trưng tư duy hoạt động chính thức giúp thanh thiếu niên có tư duy về tư duy hay siêu nhận thức (meta-cognition). Điều này cho phép thanh thiếu niên phát triển khả năng suy nghĩ về những gì họ cảm nhận được và cách người khác tiếp nhận chúng.

Phát triển nhận thức đề cập đến sự phát triển của khả năng tư duy và suy luận. Trẻ em 6 - 12 tuổi phát triển khả năng suy nghĩ theo những cách cụ thể, với những đối tượng, những sự kiện cụ thể, có thể quan sát và có liên quan trực tiếp với mình. Sự phát triển nhận thức của thiếu niên đánh dấu bằng sự phát triển khởi đầu của quá trình tư duy phức tạp hơn (các thao tác logic hình thức), bao gồm: tư duy trừu tượng (suy nghĩ về các khả năng có thể xảy ra), khả năng suy luận từ những nguyên lí đã biết (hình thành các ý tưởng hay các vấn đề mới của riêng mình), khả năng xem xét nhiều quan điểm khác nhau với nhiều tiêu chí khác nhau (so sánh hoặc tranh luận về các ý tưởng, các quan điểm), và khả năng tư duy về quá trình tư duy.

Trong suốt thời kì thiếu niên, các em phát triển khả năng suy nghĩ một cách hệ thống về tất cả các mối quan hệ logic trong một vấn đề. Việc chuyển đổi từ tư duy cụ thể sang các thao tác logic hình thức diễn ra theo thời gian. Mỗi thanh thiếu niên có mức độ phát triển khác nhau về khả năng suy nghĩ theo cách phức tạp hơn. Mỗi em phát triển quan điểm riêng về thế giới. Một số thanh thiếu niên có thể áp dụng các thao tác logic hình thức vào việc học tập lâu hơn trước khi các em có thể áp dụng vào những tình huống cá nhân khó xử. Những vấn đề cảm xúc nảy sinh thường cản trở khả năng tư duy phức hợp của các em. Năng lực xem xét các khả năng có thể xảy ra cũng như tình huống có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực tới việc ra quyết định của thanh thiếu niên.

Trong thời kì niên thiếu, việc sử dụng tư duy phức hợp tập trung vào việc ra các quyết định cá nhân trong môi trường trường học và gia đình. Các em bắt đầu sử dụng các hoạt động logic hình thức vào việc học tập. Các em bắt đầu nghi ngờ - đặt câu hỏi về - các chuẩn mực của xã hội và của nhà cầm quyền. Các em bắt đầu hình thành và diễn đạt thành lời quan điểm riêng của mình về một loạt những các vấn đề, chủ yếu liên quan tới cuộc sống cá nhân như: nên chơi môn thể thao nào, nên tham gia nhóm nào, ngoại hình như thế nào là đáng mong ước hoặc hấp dẫn, những quy định nào của bố mẹ nên thay đổi…

Trên đây là một số đặc điểm trong quá trình phát triển nhận thức của thanh thiếu niên mà các nhà giáo dục và các bậc phụ huynh cần quan tâm để có những cách giáo dục, ứng xử phù hợp với các em.

Hoa Xuân (Sưu tầm và lược dịch)