Tiêu điểm kiểm soát là niềm tin về mối liên hệ nhân - quả giữa hành vi và kết quả hành vi của con người. Trong quá trình ứng phó với tình huống gây căng thẳng như bão lụt, con người có thể qui gán thành công hay thất bại cho sự nỗ lực của con người (tiêu điểm kiểm soát bên trong) hay cho may mắn hoặc số phận (tiêu điểm kiểm soát bên ngoài).
Những chứng cứ khoa học đã tích lũy được cho đến nay cho thấy, tiêu điểm kiểm soát có liên quan đến ứng phó của con người trong các tình huống gây căng thẳng (thiên tai là một ví dụ điển hình). Câu hỏi đặt ra ở đây là trong ứng phó với thiên tai, con người có niềm tin liên quan đến năng lực ứng phó như thế nào? Họ tin rằng nếu nỗ lực, họ có thể kiểm soát hay quyết định được tình huống ở mức độ rất lớn, hay mọi thứ đều do số phận hoặc những lực lượng khác bên ngoài quyết định?
Kết quả nghiên cứu trên mẫu chọn 900 cư dân vùng ven biển Bắc Trung bộ Việt Nam (tuổi trung bình ±49,6) cho thấy mức độ kiểm soát bên trong (2,60/3) cao hơn so với kiểm soát bên ngoài (1,83/3) với một khoảng cách khá xa. Điều đó lý giải về cách thức ứng phó chủ động của họ. Nhưng mặt khác, mức 1,83/3 (điểm trung bình của mức độ kiểm soát bên ngoài gần với mức “đúng phần nào”) cũng phản ánh niềm tin nhất định vào số phận, vào trời đất, may rủi. Xét cho cùng, đó cũng là một cách ứng phó với thiên tai thường xuyên và đi kèm với nó là các thiệt hại thường xuyên. Chấp nhận và đôi khi qui gán những gì xảy ra với con người cho số mệnh hay trời đất cũng là một cơ chế giúp con người vượt qua được những đau buồn do mất mát, đặc biệt là với những gì mà họ tin là không thể thay đổi. Nói cách khác, niềm tin này giúp giảm nhẹ những căng thẳng về mặt tinh thần. Như một xã hội có nền tảng sản xuất nông nghiệp, vốn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, người Việt Nam cũng tin vào thuyết định mệnh. Mỗi cá nhân có một số phận độc đáo, không giống ai, không phụ thuộc vào ai, gọi là số (Sống chết có số, giàu sang do Trời).
Điều đáng lưu ý là điểm kiểm soát bên ngoài của nữ cao hơn so với nam. Cư dân nguồn lực ứng phó tốt hơn (nhà cửa chắc chắn hơn, khoảng cách xa hơn tính từ bờ biển vốn là nơi đầu sóng ngọn gió); nhóm người có trình độ học vấn cao hơn thường tin vào sự làm chủ của mình cao hơn (có điểm kiểm soát bên trong cao hơn); nhóm người đi biển có điểm trung bình theo chiều cạnh kiểm soát bên ngoài cao hơn cả so với nhóm làm nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nhóm làm công ăn lương.
Lê Văn Hảo
--------------
Ghi chú: *: Bài viết là một phần tóm tắt kết quả thu được trong khuôn khổ của của một nghiên cứu khoa học: "Ứng phó với thiên tai của người dân vùng biển Bắc Trung bộ (nhìn từ góc độ tâm lý – xã hội)" do Viện Tâm lý học chủ trì năm 2014.