Tính cách dưới góc độ tâm lý học cá nhân và tâm lý học xã hội (Phần 1)

21/09/2020

(Tamly) - Tính cách cá nhân và tính cách xã hội là một trong những đề tài hấp dẫn và được quan tâm tìm hiểu từ nhiều góc độ khác nhau như tâm lý học, dân tộc học, văn hóa học… Thông qua việc làm rõ tính cách một vùng đất, một địa phương cụ thể, người ta có thể hiểu được các đặc điểm văn hóa, bản sắc con người, cách nghĩ, cách sống của những con người trên địa bàn, vùng đất đó. Tính cách là sản phẩm, là sự kết tinh của các đặc thù về điều kiện tự nhiên, hoạt động sống của con người trên địa bàn nhất định; nhưng cũng đồng thời là nguồn vốn xã hội, là nội lực bên trong của con người trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa cũng như phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Từ góc độ lý luận về tính cách dưới trong tâm lý học, bài viết dưới đây xin bước đầu nêu ra một vài ý kiến về tính cách dưới góc độ tâm lý học cá nhân và tâm lý học xã hội.

Tính cách dưới góc độ tâm lý học cá nhân

Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về tính cách. AG. Covaliov, nhà tâm lý học người Nga cho rằng cấu trúc nhân cách con người gồm 4 thành phần chính: khí chất, tính cách, xu hướng và năng lực. Như vậy, theo quan điểm này, tính cách là một mặt của nhân cách con người.

Là một phần của nhân cách, vì vậy tính cách có tính ổn định và bền vững. Tính cách thể hiện trong hệ thống thái độ của cá nhân với hiện thực xung quanh, thể hiện trong hệ thống hành vi, cử chỉ, cách nói năng tương ứng. Nói cách khác, những thái độ và hành vi thể hiện bên ngoài không phải là những tình huống, cách thể hiện ngẫu nhiên mà ổn định và bền vững, đặc trưng cho cá nhân đó thì ta coi đó như tính cách con người. Như vậy, tính cách phải thể hiện trong hệ thống hành vi. Nếu không xem xét hành vi của cá nhân đó thì không thể hiểu về tính cách của họ. Mặt khác, những hành vi của cá nhân thể hiện thái độ sống của cá nhân với bản thân, người khác và xã hội nói chung. Những hành vi, ví dụ buổi sáng ngủ dậy đánh răng rửa mặt vốn không hàm ý những giá trị xã hội mà cá nhân đó theo đuổi, vươn tới thì không coi là tính cách.

Phân tích như vậy, ta có thể nói: Tính cách là những thuộc tính tâm lý tương đối ổn định của cá nhân, biểu hiện thái độ của con người đối với hiện thực và được thể hiện trong hành vi, trong cử chỉ của họ (Phạm Minh Hạc, Trần Trọng Thủy, Lê Khanh, 1989).

Tính cách của con người không phải là cái gì nhất thành, bất biến mà tính cách của con người được hình thành và phát triển trong điều kiện sống và hoạt động của cá nhân. Một con người từ khi mới sinh ra không phải đã có ngay những đặc điểm như trung thực, yêu lao động, dũng cảm, lười biếng… Những phẩm chất ấy được hình thành trong quá trình cá nhân sống và làm việc trong một môi trường và bối cảnh xã hội nhất định. Con người là một thực thể xã hội, vì vậy, đặc điểm tâm lý, tính cách con người cũng được hình thành gắn liền với môi trường, địa phương con người đó được sinh ra, lớn lên. Chính vì vậy, việc nắm rõ, hiểu rõ đặc điểm môi trường sống, các mối quan hệ xã hội của cá nhân là cơ sở để ta có thể hiểu rõ đặc điểm tính cách con người trong các tình huống nhất định.

Như chúng ta đã đề cập ở trên, tính cách con người là một cấu trúc phức tạp, là sự khát quát hóa của nhiều nét tính cách ổn định. Trong những tình huống nhất định, một người dũng cảm có thể nhút nhát và ngược lại, người nhút nhát có thể trở nên mạnh mẽ, dũng cảm. Vì vậy, xem xét tính cách con người phải đặt nó trong hệ thống tổng thể. Tất cả những nét tâm lý nào đó, một khi đã trở thành đặc trưng của con người, tạo nên nét tính cách con người đó. Các nét tính cách này kết hợp lại với nhau theo một phương thức nhất định gọi là tính cách con người. Nói cách khác, nói đến tính cách là nói đến tổng thể những nét tính cách tạo nên một đơn vị thống nhất.

Về mặt cấu trúc, tính cách thường được xe xét ở hệ thống thái độ và hệ thống hành vi tương ứng. Hệ thống thái độ của tính cách thể hiện ở các mặt như thái độ với tập thể, với xã hội nói chung. Ở mặt này, thái độ thể hiện trong tình cảm nhân văn, trung thực hay không trung thực… Mặt thứ hai của thái độ thể hiện ở thái độ với lao động như cần cù chăm chỉ hay lười biếng, tiết kiệm kỷ luật hay không kỷ luật… Mặt thứ ba của thái độ thể hiện trong mối quan hệ người người như thẳng thắn hay không, đoàn kết gắn bó với bạn bè đồng hương hay thờ ơ bàng quan… Mặt thứ tư của thái độ thể hiện trong mối quan hệ với chính bản thân chủ thể: họ khiêm tốn hay kiêu ngạo, nghiêm khắc hay dễ dãi với bản thân, có chí tiến thủ hay buông xuôi. Tất cả những thái độ nói trên thể hiện một cách nhất quán qua hành vi. Người có thái độ sống giàu lòng vị tha, tôn trọng người khác thì hệ thống hành vi của họ cũng tương ứng như vậy. Hành vi là mặt biểu hiện ra bên ngoài, thống nhất hữu cơ với mặt bên trong là hệ thống thái độ của con người (Nguyễn Quang Uẩn, 2001).

Ngoài quan điểm nói trên, khi xem xét tâm lý cá nhân, người ta thường dùng tới thuật ngữ “traits” tức các nét đặc điểm tâm lý. Theo hướng này, mô hình năm yếu tố (big five) được sử dụng nhiều, gồm: tính hướng nội hay hướng ngoại (nói nhiều hay ít nói, cẩn thận hay ưa mạo hiểm, cởi mở hay giữ kẽ…); tính ổn định cảm xúc (bình tĩnh hay lo lắng, điềm tĩnh hay dễ bị kích động…); sự dễ chịu hay không dễ chịu (hợp tác hay bất hợp tác, hòa nhã hay bướng bỉnh…); tính cởi mở hay không cởi mở (giàu tưởng tượng hay đơn giản, hiểu biết hay thiếu hiểu biết…); sự tận tâm hay không tận tâm (có trách nhiệm hay không có trách nhiệm, tỉ mỉ hay câu thả…).

Nói tóm lại, dưới góc độ tâm lý học cá nhân, tính cách là một khái niệm thể hiện những đặc trưng riêng về hệ thống thái độ và hành vi của con người trong mối quan hệ với bản thân và thế giới xung quanh. Việc xem xét tính cách cá nhân đòi hỏi phải hiểu được môi trường sống và hệ thống hành vi, hệ thống thái độ trong nhiều bối cảnh, tình huống khác nhau.

(Còn nữa)

 

          Tài liệu tham khảo

  1. Phạm Minh Hạc (chủ biên, 1989). Tâm lý học. NXB Giáo dục.
  2. Nguyễn Quang Uẩn (2001). Tâm lý học Đại cương. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

MVH (Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An)