Phản ứng tâm lý của học sinh trung học phổ thông khi bị bạn bè nói đánh giá không tốt về đặc điểm tính cách và năng lực của bản thân

21/12/2017

Con người luôn phải đối diện với những thông tin hoặc những sự kiện không tích cực đe dọa tới hình ảnh bản thân (Claude M. Steel, 1988). Vậy, trước tình huống đó, chúng ta phải làm gì để ứng phó? Trên cơ sở kế thừa những quan điểm về các phản ứng tâm lý trước các tình huống đe dọa của các tác giả David K. Sherman, Geoffrey L. Cohen (2006), nghiên cứu cho rằng, khi đứng trước tình huống liên quan đến quan hệ bạn bè đe dọa tới hình ảnh bản thân, học sinh trung học phổ thông sẽ có hai xu hướng phản ứng tâm lý: Phản ứng dương tính và phản ứng âm tính. Phản ứng dương tính là phản ứng giúp các em bớt trải nghiệm những đau khổ về mặt tâm lý, thể hiện ở sự phớt lờ, nhìn nhận mối đe dọa một cách cởi mở, tiếp tục cố gắng hoàn thiện bản thân hoặc tìm giá trị khác của bản thân nhằm gây dựng hình ảnh tích cực về bản thân; trong khi đó phản ứng âm tính là phản ứng khiến các em đau khổ: cố chấp, không chấp nhận thất bại, trách móc bản thân, né tránh hoặc đánh giá thấp về bản thân.

Nghiên cứu tiến hành điều tra trên 252 học sinh trung học phổ thông (viết tắt là học sinh THPT) tại Hà Nội.  Để tìm hiểu phản ứng của học sinh trước tình huống bị bạn bè đánh giá không tích cực về tính cách và năng lực của bản thân, các phản ứng được thiết kế dưới dạng thang đo Likert với 4 phương án từ Hoàn toàn không đúng – Hoàn toàn đúng tương ứng với mức điểm  từ 1-4 điểm. Điểm càng cao thì phản ứng càng được bộc lộ rõ. Kết quả cho thấy một số đặc điểm phản ứng của học sinh trong tình huống này như sau:

Xét về mặt suy nghĩ, phản ứng tâm lý của học sinh THPT thiên về hướng dương tính nhiều hơn. Phản ứng thường thấy nhất là cùng với việc chấp nhận những ý kiến đánh giá của các bạn và soi rọi, nhìn nhận bản thân, nhiều học sinh đã nhận thấy những ý kiến đánh giá đó có phần đúng, có 3/5 (chiếm 62,2%) tổng số học sinh có suy nghĩ phải rút kinh nghiệm. Theo sự phát triển tâm lý, đặc điểm của cá nhân được hình thành và không dễ thay đổi và sửa đổi trong một thời gian ngắn. Vì vậy, những cách suy nghĩ hướng về việc nhìn nhận khách quan ý kiến của người khác, chấp nhận bản thân và có hướng giải quyết để cân bằng bằng suy nghĩ của mình cũng là tín hiệu đáng mừng trong sự phát triển nhân cách. Xu hướng tích cực còn được thể hiện ở ½ tổng số học sinh có suy nghĩ lấy những đặc điểm nổi trội khác của mình để gia tăng hình ảnh bản thân và 1/3 tổng số học sinh coi đó là chuyện bình thường, không cần phải quan tâm quá nhiều thể hiện sự phớt lờ trước tình huống. Bên cạnh đó, vẫn có hơn 1/3 tổng số học sinh nghĩ rằng, bạn bè đã đánh giá không đúng và không đầy đủ về bản thân mình thể hiện cách nhìn nhận một phía, hướng về đối tượng có những đánh giá không tốt mà không nhìn nhận bản thân. Suy nghĩ này hàm chứa sự tự tin thái quá về hình ảnh bản thân, phủ nhận những ý kiến của người khác. 

Xu hướng phản ứng dương tính trong suy nghĩ đã biến thành hành động. Phản ứng trước tình huống này được nhiều học sinh thường xuyên sử dụng nhất là chứng tỏ mình còn nhiều ưu điểm khác (với hơn ½ học sinh lựa chọn và có ĐTB cao nhất = 2,66). Một phản ứng khác: chứng minh bạn bè đã sai/ đã lầm (với gần ½ số học sinh lựa chọn) cho thấy, tính chủ động trong việc giải quyết tình huống. Tương tự với tình huống bị bạn bè nói xấu, hiểu nhầm, số lượng học sinh có phản ứng hành động âm tín không ít: 1/3 số học sinh có những phản ứng né tránh, phủ nhận trong tình huống bị đánh giá không tốt về một hoặc một vài mặt của bản thân, nhưng chỉ có chưa đến 1/10 số học sinh (chiếm 8,4% học sinh) có phản ứng giày vò, trách móc bản thân.

Như vậy, trước tình huống bị bạn bè đánh giá không tốt về tính cách hoặc năng lực của bản thân, phản ứng của học sinh THPT có xu hướng thiên dương tính. Các em có xu hướng về nhìn nhận tình huống một cách khách quan, xem xét bản thân để rút kinh nghiệm, đồng thời lấy những điểm mạnh khác của bản thân để cân bằng.

Tài liệu tham khảo

1.     David K. Sherman & Geoffrey L. Cohen (2006). The psychology of self defense: Self affirmation theory. Advances in Experimental Social Psychology. Vol. 38, pp.183-242

2.     Claude M.  Steele (1988). The Psychology of Self-Affirmation: Sustaining the Integrity of the Self.  Advances in Experimental Social Psychology. Vol. 21, pp. 261–302.

Minh Thu